- Sự ra đời của các cuộc thi dành cho trẻ em đã phần nào giải tỏa được cơn khát của thị hiếu khán giả hiện nay nhưng bài toán giải quyết tài năng "hậu cuộc thi" cũng không phải là điều đơn giản.

Đổi đời chỉ sau một đêm

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, khán giả đã chứng kiến hàng loạt chương trình dành cho trẻ em lên sóng trên khắp cả nước. Nếu Vietnam Idol Kids vừa mới kết thúc với ngôi vị quán quân thuộc về thí sinh nhí Hồ Văn Cường thì sắp tới sẽ là The Voice Kids gối đầu lên sóng, cùng nhiều cuộc thi dành cho trẻ em đang được các nhà sản xuất lớn dư kiến như: The Remix Kids, The X Factor Kids hay Master Chef Kids,...

Đúng như tiêu chí đề ra của nhiều gameshow hiện nay "Từ zero trở thành hero", các thí sinh từ những cái tên vô danh sẽ trở nên nổi tiếng, được biết đến chỉ sau một đêm khi tham gia các chương trình. Với sợ hỗ trợ đắc lực bởi công nghệ PR từ phía Ban tổ chức, các cuộc thi không chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả, mà các bậc phụ huynh cũng không tránh khỏi hào quang của các cuộc thi để con em mình thử sức và tìm kiếm sự nổi tiếng.

{keywords}

Với tiêu chí từ zero trở thành hero, các game show dần thu hút đông đảo các thí sinh tham gia.

Nếu như cách đây gần 10 năm, khi Đồ Rê Mí ra mắt lần đầu tiên vẫn chưa thực sự gây được tiếng vang lớn thì Giọng Hát Việt nhí lên sóng được xem là dấu mốc khai phá, mở ra thời kì hoàng kim cho các gameshow về tài năng trẻ em. Thành công của những cái tên Phương Mỹ Chi, Trọng Nhân, Bảo Ngọc...  qua các mùa đã thắp lên ngọn lửa hy vọng để các cô cậu bé từ khắp mọi miền đất nước đổ về đăng kí tham gia với mong muốn cũng sẽ gặt hái được những thành công tương tự.

Không chỉ với âm nhạc, nhiều dạng format khác nhau khai thác đối tượng trẻ em lần lượt ra đời và cũng thu hút sự quan tâm của công chúng. Một phiên bản người lớn, sẽ có một phiên bản trẻ em là hiện tượng dễ thấy trong mấy năm qua từ các đơn vị sản xuất. Chương trình nối nhau ra đời đã đưa tên tuổi, hình ảnh của hàng loạt các thí sinh nhí đến với công chúng và giúp các em nhỏ đổi đời nhờ vào danh tiếng mà chương trình mang lại.

Có thể nói, chưa lúc nào sự nổi tiếng đối với các bé thiếu nhi lại trở nên dễ dàng như thời điểm hiện tại. Thậm chí, có nhiều bé ngay khi chương trình vừa kết thúc đã nhận được sự liên lạc của các nhà tài trợ, trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng quảng cáo tên tuổi. Điều này ngay cả những ngôi sao trong nghề nhiều năm cũng phải khao khát.

Vụt tắt và những ngả rẽ

Nhìn vào thực trạng ồ ạt gameshow dành cho trẻ em và sự nổi tiếng quá nhanh chóng của các em nhỏ, khán giả đang mới chỉ nhìn thấy ánh hào quang sự nổi tiếng và sự hâm mộ từ khán giả. Thích nghi với một cuộc sống ồn ào khi còn quá non nớt về tâm lý, tinh thần, cùng với việc học tập và hoạt động nghệ thuật là điều không đơn giản. Nghệ thuật là cả một hành trình lớn, đòi hỏi sự nghiêm túc, khổ luyện, không đơn giản chỉ là vinh quang trong một chương trình rồi bền vững cả một cuộc đời.

Nhiều tài năng nhí được tung hô, được khán giả ủng hộ trong cuộc thi nhưng sau cuộc thi, hào quang cũng dần tắt ngay sau đó. Bước ra từ các cuộc thi rầm rộ trên sóng giờ vàng, nhiều gương mặt trẻ hoàn toàn chìm lắng hoặc lay lắt với các chương trình ca nhạc nhỏ lẻ, thị trường mà thiếu tính định hướng lâu dài. 

Một số phụ huynh vì muốn tận dụng sức nóng sẵn có đã để con em mình tham gia biểu diễn quá nhiều ảnh hưởng việc học văn hóa. Trong lĩnh vực nghệ thuật, có tài năng chưa chắc đã thành công, sức hút của các chương trình gameshow cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý và sự ảo tưởng của các vị phụ huynh.

Tuy vậy, nhiều bậc phụ huỵnh cũng nhận thức được nghệ thuật và nghề nghiệp trong tương lai là 2 vấn đề cần tách biệt. Các cuộc thi dành cho trẻ em chỉ mới dừng lại ở mức độ phát hiện ra tài năng, còn việc bồi đắp hay nuôi dưỡng tài năng còn khá mù mờ. 

Chính vì thế, việc sở hữu một nền tảng kiến thức văn hóa vững chắc là cơ sở cần thiết để các em trưởng thành, bản lĩnh và nâng cao trình độ văn hóa với các bạn đồng trang lứa. Vừa học tập để xây dựng một nền tảng tốt cho tương lai của các em, bên cạnh niềm đam mê nghệ thuật là một quyết định sáng suốt và tỉnh táo trước sự hấp dẫn khá lớn từ hào quang và thị trường. 

{keywords}

Quang Anh và Thiện Nhân- hai trong số những cái tên tiếp tục việc học văn hóa thay vì dấn thân vào showbiz sớm.

Nếu với Quang Anh, ngay khi cuộc thi kết thúc cậu bé liền đăng kí thi vào khoa Trống của Học viện Âm nhạc Quốc gia thì "cô bé đu đủ" Thiện Nhân cũng được mẹ cho vào Nam tiếp tục học tập văn hóa và chỉ thỉnh thoảng tham gia biểu diễn vào mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết.

{keywords}

Hình tượng "con cò bé bé" trong quá khứ đã ngăn cản bước đường nghệ thuật của Xuân Mai ở hiện tại.

Xuân Mai, hiện tượng nhí của nhạc Việt cách đây hơn chục năm, cũng là một minh chứng rất rõ ràng việc được mọi người biết đến và thoát khỏi cái bóng quá lớn từ thủa nhỏ là cả một vấn đề. Dù đã có nhiều nỗ lực hoạt động trong vai trò một ca sỹ chuyên nghiệp, nhưng cái khán giả vẫn đang và luôn nhớ về Xuân Mai là hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn trong những thước phim video ca nhạc khi còn bé. Vì vậy, việc để các em nhỏ quá tập trung trong việc ca hát khi vẫn còn đang trong độ tuổi còn quá bé vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa tiềm ẩn những rủi ro rất lớn đối với tương lai của các em.

Trách nhiệm định hướng còn bỏ ngỏ

{keywords}

Mục tiêu chính của nhà sản xuất các gameshow hiện nay chủ yếu hướng đến tính giải trí, phục vụ cho số đông khán giả để thu hút quảng cáo. Yếu tố chuyên môn tuy không bị phủ nhận nhưng không phải là quan trọng nhất so với tính giải tríVới Ban tổ chức, khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc "đãi cát tìm vàng", chắt lọc ra được những thí sinh nhí thật sự tài năng trong số hàng ngàn em đăng kí tham dự, sẽ tiếp tục chuẩn bị cho những chương trình mới, hầu như không có một nhà sản xuất nào có những ràng buộc cụ thể với các thí sinh đăng quang và có những đầu tư trực tiếp để đẩy mạnh tên tuổi của các em. 

Trách nhiệm và ý thức giữ gìn hình ảnh, phát triển bản thân chủ yếu thuộc về gia đình và chính các em nhỏ. Đây là bài toán khó khi gia đình hay bản thân các em đều hoàn toàn mù mờ trước công nghệ showbiz hiện nay, thậm chí cả tư vấn chuyên môn cần thiết để phát triển đường dài trong vai trò nghệ sĩ hay tập trung cho việc học tập.

Hào quang do các chương trình tạo ra có sức hút với công chúng phổ thông, còn với giới chuyên môn, đa phần các em nhỏ dù có tài năng cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ ngọc thô, cần phải có quá trình mài giũa mới lâu bền và tỏa sáng. Khán giả, với tư cách là những người thưởng thức phần lớn cũng chỉ xem, nghe và đọc các chương trình dựa trên cảm quan cá nhân. Họ có thể thể hiện sự yêu thích, phản đối nhưng rất khó để có những tư vấn chính xác hay hoàn toàn không có trách nhiệm trong việc phát triển tài năng.

{keywords}

Ca sĩ Mỹ Linh cùng các học trò của mình trong một chương trình do học viện của mình tổ chức

Ca sĩ Mỹ Linh cũng thể hiện quan điểm của mình về hướng đi của các tài năng nhí hậu cuộc thi: "Chỉ có một con đường duy nhất, đó là định hướng cho các con kiên trì học tập, trau dồi năng khiếu trong dài hạn". Cô còn nhấn mạnh rằng: "10 ngàn giờ luyện tập mới có thể tạo nên được một tài năng, chứ không ai trở thành thiên tài chỉ sau một đêm được". Mỹ Linh cùng với chồng mình - nhạc sĩ Anh Quân, thành lập một học viện chuyên đào tạo và ươm mầm tài năng trẻ do chính vợ chồng cô đồng quản lí và đứng lớp giảng dạy.

Thí sinh, khán giả và nhà sản xuất là một mối quan hệ cộng sinh dễ thấy trong các chương trình gameshow. Tuy vậy, dù nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, người ta chưa nhìn thấy được sự tương trợ lẫn nhau rõ nét của tam giác này sau khi các chương trình hạ màn. Rất khó để quy trách nhiệm cho các đơn vị sản xuất về định hướng cho các em nhỏ khi không có ràng buộc cụ thể, nhưng cũng rất khó để các tài năng nhí tỏa sáng nếu như thiếu đi những bàn tay có kinh nghiệm định hướng và phát triển.

Câu chuyện về những tài năng được ươm mầm và tạo điều kiện từng được tung hô rồi mất hút hoặc lay lắt, tạm bợ không đường hướng phát triển còn khiến khán giả đáng buồn hơn nữa. Bởi lẽ, nếu có những hợp tác, tính toán đường dài và cùng với sự đầu tư, chuẩn bị kĩ lưỡng, việc phát triển tài năng nhí ở Việt Nam sẽ hình thành một hệ thống chuyên nghiệp hơn, thay vì còn què cụt và thiếu đầu ra nghiệp dư như hiện nay. Danh hiệu, sự nổi tiếng đã có mà không phát huy thêm được mà lại rơi vào ngõ cụt là câu chuyện không đáng có với cả những nhà sản xuất hay với gia đình, bản thân thí sinh và khán giả.

Kiệt Huỳnh