Ông Nguyễn Duy Hưng vừa kết thúc ván cờ kéo dài nhiều năm, ông Phạm Nhật Vượng giàu kỷ lục. Trong khi đó, ông nhà Đặng Thành Tâm có thể mất thêm một dự án ngàn tỷ.

Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì được sự sôi động với giao dịch vượt trội bất chấp phần lớn các đầu tư chưa thoát ra khỏi tâm lý thận trọng ở vào thời điểm mà giá cổ phiếu đã tăng trong 7 tháng đầu năm và đang ở vùng đỉnh, ít nhất ngắn hạn.

Hàng loạt các cổ phiếu đang ở vùng đỉnh cao mọi thời đại và đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc tăng tiếp cho dù đón nhận khá nhiều tin tốt bao gồm kết quả kinh doanh ấn tượng và triển vọng của những dự án đầy tham vọng.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long tiếp tục nhích lên đỉnh cao mới: 35.050 đồng/cp giúp ông trùm ngành thép này giàu kỷ lục chưa từng có với túi tiền gần 600 triệu USD. Đây là phiên tăng thứ 8 của cổ phiếu này.

Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng như thép của ông Trần Đình Long vẫn hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán và các cổ phiếu đang tăng từ từ lên đỉnh mới trước áp lực chốt lời cũng không hề nhỏ.

Cổ phiếu bất động sản Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chùng lại đôi chút nhưng vẫn đang ở mức giá (đã điều chỉnh) cao kỷ lục mọi thời đại. Ông Vượng có túi tiền quy từ giá trị cổ phiếu VIC đang ở mức cao kỷ lục, khoảng 1,6 tỷ USD.

{keywords}
Dòng tiền vẫn đổ vào các cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng.

Cổ phiếu VIC tăng mạnh trong vài phiên gần đây một phần do kết quả kinh doanh ấn tượng. Sau kiểm toán, doanh thu tài chính tăng đột biến đã giúp lãi ròng của riêng công ty mẹ VIC tăng 5 lần lên trên 1,6 ngàn tỷ đồng… VIC tăng mạnh còn do tập đoàn này đang đẩy mạnh đầu tư vào bán lẻ và đang có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô.

Nhóm cổ phiếu bất động và xây dựng của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn sôi động và đóng góp lớn vào thanh khoản chng trên thị trường. ROS tiếp tục tăng trần giúp ông Quyết giữ vững vị trí giàu số 1 trên thị trường chứng khoán.

Dòng tiền vào thị trường vẫn khá mạnh, không chỉ đổ vào nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng mà đang quay trở lại với nhóm ngân hàng. Các cổ phiếu ngân hàng trước đó tăng khá mạnh rồi chùng lại nhưng đang có tín hiệu hút dòng tiền.

Sau cú sốc tin đồn Trần Bắc Hà, cổ phiếu BIDV (BID) đang hồi phục khá ấn tượng. Cổ phiếu này đã có một phiên tăng trần và kéo cả nhóm cổ phiếu ngân hàng đi lên. Sacombank (STB) của tân chủ tịch Dương Công Minh tăng mạnh, Quân Đội và SHB của ông Đỗ Quang Hiển cũng tăng khá mạnh…

Nhóm cổ phiếu bán lẻ điện thoại, điện máy bớt sôi động sau cú M&A ấn tượng. Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài hiện cũng đang ở mức cao kỷ lục sau khi MWG thâu tóm thành công Trần Anh (TAG) của ông Trần Xuân Kiên. Giới đầu tư đang đánh giá triển vọng của đế chế mới hình thành.

Nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp cũng đang hồi phục như KBC của ông Đặng Thành Tâm sau khi đại gia này bán dự án tâm huyết tòa tháp bông lúa tại Hà Nội để tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, ITA của nhà ông Đặng Thành Tâm đang có nguy cơ mất dự án ngàn tỷ Vina Paradise Sơn Tịnh.

Hiện tại, chị gái ông Đặng Thành Tâm - bà Đặng Hoàng Yến đã trở lại nắm cả 2 vị trí quan trọng là chủ tịch và tổng giám đốc. Tuy nhiên, triển vọng của ITA vẫn khá u ám. Dự án ngàn tỷ của ITA sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện chuyển nhượng trước 30/9.

Các cổ phiếu trong lĩnh vực thực phẩm cũng đang có mức giá rất cao. Vinamilk (VNM) đang hút dòng tiền ngoại đến từ Thái, trong khi đó Bánh kẹo Bibica (BBC) có giá trên 110 ngàn đồng. Pan Food của ông Nguyễn Duy Hưng vừa chính thức nâng sở hữu tại BBC lên trên 50%, tạm thời áp đảo so với đối thủ Lotte đến từ Hàn Quốc.

Với những động thái này, nhiều khả năng ông Nguyễn Duy Hưng sẽ bảo vệ thành công và hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu bánh kẹo chất lượng cao của Việt Nam. Lotte hiện chỉ sở hữu khoảng 44% cổ phần BBC.

Khối ngoại vẫn đang mua vào nhiều cổ phiếu, trong đó có Chứng khoán Bản Việt (VCI), VIC, ROS, DXG, DPM, HPG, HSG…

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Sự tăng điểm gần đây giúp VN-Index xác lập lại xu hướng tăng điểm ngắn hạn. Tuy nhiên, sự phân hóa đang ngày càng mạnh hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 31/8, VN-index tăng 4,11 điểm lên 782,76 điểm; HNX-Index tăng 0,54 điểm lên 103,88 điểm. Upcom-Index tăng 0,12 điểm lên 54,47 điểm. Thanh khoản đạt 285 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 5,1 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú