Bước tiến này cho thấy cả hai bên đã vượt qua nhiều rào cản trong mối quan hệ song phương.

LTS: Tiếp theo trong mạch bài chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Tuần Việt Nam/ Báo VietnamNet giới thiệu bài viết của TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chuyến thăm Washington cuối năm 2014 của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Và ngày 23/5, lệnh cấm đã được công bố gỡ bỏ hoàn toàn trong họp báo giữa lãnh đạo cao cấp của Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.

Bước tiến này cho thấy cả hai bên đã vượt qua nhiều rào cản trong mối quan hệ song phương. Lâu nay Mỹ luôn cho rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một vấn đề nhạy cảm, bởi sự khác biệt trong hệ thống giá trị và chính trị giữa hai bên. Sự dè dặt trong việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí được thể hiện một cách rõ ràng qua nhiều tiếng nói bày tỏ quan ngại rằng những vũ khí này sẽ được sử dụng với những mục đích khác.

Những ý kiến như vậy đang được ủng hộ và vận động bởi những nhóm khác nhau ở Mỹ, những người luôn nhấn mạnh rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cần đi kèm với cải cách chính trị. Mặc dù vậy, các chính trị gia Mỹ đã phản ứng một cách dè dặt trước những đề xuất này. Ở một chừng mực nào đó, đã tồn tại sự nhất trí ngầm giữa hai bên rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cần thiết, như một phản ứng chiến lược trước tình hình an ninh tại châu Á Thái Bình Dương đang thay đổi một cách chóng vánh.

Ý nghĩa biểu tượng của thỏa thuận này không cần bàn cãi. Một mối quan hệ đối tác toàn diện đầy đủ mang tầm vóc chiến lược nhất thiết phải cởi bỏ những rào cản trì hoãn lợi ích song trùng của cả hai. Như lời của lãnh đạo của Việt Nam tuyên bố: “[việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương này] cho thấy quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn”. Trong tư thế đó, Việt Nam có quyền lựa chọn Mỹ hay bất kỳ đối tác quân sự nào phù hợp với điều kiện và ưu tiên chính sách phát triển quốc phòng của mình.

{keywords}
Tổng thống Obama đã tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN. Ảnh: AP

Về phía Mỹ, trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng đang có nguy cơ bị cắt giảm do những khó khăn về tài chính và kinh tế, Hoa Kỳ đang khá “vất vả” để có thể giữ vững vị thế của một cường quốc quân sự hàng đầu tại khu vực. Tình trạng ngân sách suy yếu từ Washington cổ súy hai xu thế chính. Một là thương thuyết với Bắc Kinh với mục đích chia sẻ quyền lãnh đạo, thay vì để nước Mỹ đổ máu và tài nguyên trong những cuộc chiến không liên quan trực tiếp đến quyền lợi sát sườn. Hai là thương thuyết với các đồng minh chiến lược tại khu vực để cùng chia sẽ “ô dù an ninh”, từ đó đảm bảo được thế thượng phong trong đảm bảo “luật chơi” của vùng.

Những động thái của Mỹ thúc đẩy hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á là những bước tiếp nối của xu hướng thứ hai. Một chiến lược hợp tác như vậy cần dựa trên hai nguyên tắc: Thứ nhất, tính cần thiết của sự hợp tác toàn diện trong mọi quốc gia có liên quan để quản lý một mối đe dọa cụ thể. Các hoạt động xây dựng đang diễn ra ở Biển Đông là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Thứ hai, sự chú trọng ngày càng tăng về việc chia sẻ gánh nặng và chủ nghĩa đa phương trong tình hình hiện tại.

Hai nguyên tắc này được lặp đi lặp lại trong các văn bản quan trọng của giới hoạch định chính sách Mỹ. Chẳng hạn trọng tâm hợp tác và các cách tiếp cận đa phương đã được phản ánh trong một số văn bản chính sách từ năm 2007, cụ thể là Các lực lượng trên biển của Hoa Kỳ (American Sea Services), bao gồm Hải quân, Thủy quân lục chiến, và Cảnh sát biển.

Xét trên phương diện hợp tác quốc phòng, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ các nước trong khu vực thông qua một hình thức khác, đó là hỗ trợ tuần tra và hợp tác an ninh hàng hải, trao đổi thông tin, chia sẽ tình báo, hình ảnh và các phương tiện lưỡng dụng khác. Trong đó Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á (MSI) là một thử nghiệm quan trọng. Điều khiến MSI nổi bật hơn so với các chương trình khác, và cũng khiến MSI phù hợp trong bối cảnh phát triển sắp tới là trọng tâm của nó.  

MSI nhấn mạnh vào các yếu tố “mềm” như cải thiện năng lực giám sát, chia sẻ thông tin hay huấn luyện. MSI cũng đưa ra nhiều cơ chế hợp tác khác nhau như mở rộng các hoạt động diễn thập thực tế trên biển hay tăng cường tiếp xúc đối thoại giữa các quan chức cấp cao. Điểm khác biệt lớn nhất giúp phân biệt MSI với các chương trình khác chính là việc tập trung cệ thống đa phương chung giám sát hoạt động tại Biển Đông (regional maritime domain awareness) và hướng tới thiết lập một bức tranh hoạt động chung trên biển. 

Đó là nền tảng cần thiết để phát triển một “sức mạnh hợp tác” giữa hai quốc gia trong thời gian sắp tới.  

Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á (MSI) được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái tại Đối thoại Shangri-la. Trong vòng 5 năm, MSI dành một nguồn tiền vào khoảng 425 triệu USD giúp các nước đồng minh và đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á (gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam) tăng cường năng lực nhằm đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh biển đang nổi lên. 85% phân bổ ngân sách trong năm 2016 của MSI (vào khoảng 50 triệu USD) sẽ được dành cho Philippines.  

MSI, do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, chỉ là một trong nhiều các nỗ lực nhằm gia tăng năng lực biển cho các nước khu vực (các nỗ lực khác bao gồm chương trình The Foreign Military Financing của Bộ Ngoại giao Mỹ).  Các thách thức an ninh biển được đề cập không chỉ là sự trỗi dậy gây mất cân bằng của Trung Quốc, mà còn là các vấn đề đáng quan tâm khác như chống cướp biển, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển hay phòng chống thiên tai.  

Chi tiết về các kế hoạch MSI của Mỹ vẫn chưa được công bố cụ thể. Song một số nguồn tin tổng hợp cho thấy các hoạt động hỗ trợ của Washington đối với các đối tác xoay quanh ba nội dung chính: phát hiện, chia sẻ và đóng góp. Các hệ thống ra-đa, trinh sát và giám sát tốt hơn có thể tăng cường năng lực phát hiện của đối tác hay đồng minh; được hỗ trợ bởi các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật giúp chia sẻ thông tin giữa các bên. Bên cạnh đó, các hoạt động huấn luyện, diễn tập sẽ gia tăng “tính đóng góp” của các quốc gia liên quan.

TS. Trương Minh Huy Vũ

XEM THÊM: