Thời gian qua, không ít trường địa phương rơi vào cảnh không tuyển sinh được, lay lắt tồn tại, dẫn đến không có nguồn thu để duy trì các hoạt động tại cơ sở. Chẳng hạn vào đầu tháng 1/2024, hơn 100 giảng viên của Trường ĐH Quảng Bình “kêu cứu” vì bị nợ lương trong suốt 8 tháng và không được đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, các khoản chi trả khác như thanh toán tiền thừa giờ, thi đua khen thưởng của giảng viên, nhân viên cũng bị nợ.
Trước đó không lâu, hàng loạt cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cũng ngừng làm việc tập thể vì nhà trường nợ lương, phụ cấp vào bảo hiểm xã hội trong 6 tháng. Thời gian nợ lương kéo dài khiến đời sống của nhiều cán bộ giảng viên rơi vào cảnh rất khó khăn, không thể tiếp tục công việc.
Ông Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình lý giải việc nợ lương là do công tác tuyển sinh của trường gặp khó khăn khiến nguồn thu của đơn vị sụt giảm, không có tiền để trả lương cho giảng viên, nhân viên.
Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều trường địa phương khác trên cả nước. Tuyển sinh khó cùng áp lực tự đảm bảo chi thường xuyên khiến nhiều trường rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho hay, sứ mệnh của các trường đại học địa phương là đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương ấy. Khi có nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp phát huy sức mạnh và làm cho nền kinh tế của địa phương đi lên.
Tuy nhiên, theo ông Nhĩ, hiện nay sứ mệnh ấy đang bị nhập nhèm, không được xác định rõ. Điều này dẫn tới việc không ít địa phương muốn cắt giảm ngân sách đáng lẽ chi cho giáo dục để dành cho mục đích khác, thậm chí xảy ra tình cảnh “nơi hô hào nhập vào trường trung ương, nơi khác lại muốn nhập vào các trường lân cận”.
“Thực tế, địa phương cũng không nhận thấy các trường đại học này là những đứa con của mình và cần phải chăm lo, vì thế nhiều tỉnh chỉ muốn đẩy về trung ương để không phải chi ngân sách”, ông Nhĩ thẳng thắn.
Trước thực tế này, ông Nhĩ cho rằng cần phải có sự phân cấp rõ ràng, trong đó trường đại học địa phương sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, từ đó các trường mới xác định được nhu cầu, quy mô đào tạo phù hợp với đầu ra.
Là các trường nằm cách xa trung tâm kinh tế, xã hội lớn, muốn thu hút được sinh viên, ông Nhĩ cho rằng cần phải đào tạo những ngành có tính ứng dụng cao và phù hợp với điều kiện của địa phương. Nếu chỉ sao chép y nguyên các ngành giống như những trường ở khu vực thành phố lớn sẽ rất khó cạnh tranh trong công tác tuyển sinh.
Bên cạnh đó, theo ông Nhĩ, việc phân luồng và định hướng hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trên địa bàn cũng là điều cần phải chú trọng.
“Khi học sinh không được thông tin đầy đủ, sát sườn về ngành học và nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương, cùng với việc phân luồng không tốt sẽ dẫn tới hệ lụy không thể tuyển sinh được”, ông Nhĩ nói.
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến các trường địa phương rơi vào thế khó.
Trong đó, nhiều ngành đào tạo của các trường đại học chưa hấp dẫn hoặc không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội nên khó để thu hút được các thí sinh. Các địa phương cũng chưa có nhiều nghiên cứu tổng thể về nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn nhân lực với thị trường của từng vùng để đặt hàng phù hợp.
Để xảy ra tình trạng nợ lương giảng viên, nhân viên kéo dài, theo ông Khuyến, một phần còn do các trường chưa năng động, chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương, học phí. Trong khi đó, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn nên các trường chưa có thêm nguồn thu từ đây, dẫn đến tình trạng khó khăn kéo dài.
Vì thế, ông Khuyến cho rằng, các trường cần năng động tìm kiếm nguồn thu từ các hoạt động khác, chẳng hạn chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, các trường cũng phải linh hoạt trong điều chỉnh chỉ tiêu, dựa theo những biến động về nguồn nhân lực của đại phương để đào tạo cho phù hợp.
“Nếu chỉ thụ động làm theo nhiệm vụ được giao và trông chờ ngân sách hay học phí sẽ rất khó khăn”, ông Khuyến nói.
Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cũng cho rằng để thu hút thí sinh vào các trường đại học địa phương, cần có sự ưu đãi về học phí.
“Tại nhiều nước, học phí ở các trường địa phương chỉ bằng 1/5-1/6 học phí các trường tại những thành phố lớn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên “được ăn cơm nhà học đại học”. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta có xu hướng cao bằng. Vì thế, học sinh mới đổ xô tới theo học tại các trường ở thành phố thay vì chọn các đại học địa phương”.
Vì thế, ông Khuyến cho rằng, địa phương phải cân đối phân bổ ngân sách xứng đáng cho trường đại học. Ngoài ra, chính cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng cần phải có trách nhiệm chung tay hỗ trợ các trường địa phương, bởi đây sẽ là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực để doanh nghiệp sử dụng trong tương lai.