Khoảng cách giàu nghèo đã và sẽ còn tiếp tục tăng. Bởi cả đôi bên đều đang tiến băng băng theo những con đường ngược chiều: người giàu ngày càng nhiều cơ hội trong một nền kinh tế mở, người nghèo thì ngày càng ít cơ hội khi nền kinh tế thị trường trở nên sòng phẳng và quyết liệt hơn.

Những người điền vào chỗ trống

Ở thôn Hòa Bình, Yên Nghĩa, Hà Nội, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp một người đàn ông ngoài 60, kéo theo một chiếc xe bò chở cây chuối giống, đi vòng quanh. Ông đi tìm bất kỳ mảnh đất trống nào, những mảnh đất đã được người thành phố mua lại nhưng chưa xây nhà, để “gửi” những cây chuối vào đấy. Mỗi mảnh vài cây, chắp vá lại cũng được số lượng lớn. Sau một thời gian, nếu yên ổn không bị ai đòi đất, ông sẽ có chuối bán.

Đó là một người nông dân đã từng có đất canh tác, nhưng nay phải đem giống cây đi “điền vào chỗ trống”, vào những miếng hở của nhà cửa san sát mọc lên. Đất ruộng của ông ngày trước đã được thu hồi phục vụ cho việc xây dựng khu đô thị. Bản thân ông, vẫn không có nghề nào ngoài nghề trồng cây.

Ở khu vực này, có nhiều người điền vào chỗ trống như thế. Bất kỳ ai đi từ Yên Nghĩa lên Lê Văn Lương, đi qua khu đô thị mới Dương Nội, từ trên cầu vượt ngó xuống, đều có thể nhìn thấy trong một ngày nắng đẹp, những tấm lưng trâu ngâm mình trong một vũng nước đọng, nằm san sát nhau, đẹp như một bức tranh.

Chủ nhân của đàn trâu ấy thậm chí từng được lên nhiều tờ báo lớn như một tấm gương làm kinh tế giữa thành phố. Chỉ có một chi tiết không được đề cập tới: địa điểm chăn thả đàn trâu lớn này, là đất khu đô thị đã được phân lô. Nó đã từng là đất ruộng, là chỗ chăn thả đàn trâu một cách tự nhiên. Nhưng rồi nó trở thành đất khu đô thị. Người chủ đàn trâu, cũng như người đàn ông trồng chuối, tìm những chỗ trống giữa các tòa chung cư cao ngất để gửi gắm kế sinh nhai duy nhất của mình.

“Đất bán hết rồi, đàn trâu về đâu?” – nhạc sỹ Lê Minh Sơn từng có một câu viết ám ảnh trong bài “Ôi quê tôi”. Câu trả lời có ở đây: đàn trâu tìm cách len vào những khe hở của thành phố để tiếp tục sinh tồn. Đàn trâu ở đây, có thể là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống của những người nông dân.

{keywords}
Ảnh minh họa: Đức Hoàng

Họ, những người không còn đất, hoặc mảnh đất không thể nuôi sống gia đình trong bối cảnh bị bỏ lại trên thị trường nông sản, không đủ trình độ và vốn liếng để biến thành những con người khác. Trâu không thể hóa kiếp thành xe tải. Họ len vào các khe hở. Khe hở ấy có thể là những mảnh đất trống mà lão nông già ở thôn Hòa Bình tìm cách trồng mấy cây chuối. Khe hở ấy có thể là một quãng vỉa hè hay lòng đường trống để họ đặt cái xe thồ bán rong. Khe hở ấy có thể là một xóm trọ nhỏ giữa phố, nơi người nông dân cũ kia làm những nghề mà dân thành phố không làm, như là thông cống, dọn vệ sinh.

Khe hở ấy, có thể là cái dải phân cách ở khu vực Mỹ Đình ngày trước. Những nông dân Mỹ Đình giao đất lại cho nhà nước xây khu liên hiệp thể thao, rồi bày chiếu ra khắp nơi quanh khu vực này, bán nước, bán rượu mực.

Vấn đề của những khe hở

Nhật báo uy tín của Anh, The Guardian mới đây có một bài viết về cuộc sống của giới siêu giàu Việt Nam trong những khu đô thị cao cấp. Tên bài viết là “Đằng sau những khu dân cư được canh gác”, nói về những địa điểm như Ciputra hay EcoPark, nơi bên trong bức tường là những đại gia mới, hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn từ không khí trở đi. Bên ngoài bức tường, là những nông dân đã từng có đất, nhưng sau khi đấy ấy trở thành khu đô thị, loay hoay với kế sinh nhai.

Hình ảnh ấy quá đỗi quen thuộc với Việt Nam trong thời bùng nổ kinh tế. Khoảng cách giàu nghèo đã và sẽ còn tăng. Bởi vì phần lớn trong số những người nông dân kia không đủ trình độ, không có nghề nghiệp để thay đổi số phận sau khi bị lấy đi mảnh đất đã gắn bó bao đời. Con cái họ cũng sẽ tiếp tục trở thành những người “điền vào chỗ trống”.

Vấn đề của những người điền vào chỗ trống, ở những xó xỉnh trong thành phố này, là gì? Là bởi chúng là những khe hở, nên cũng nằm ngoài tầm với của chính sách. Tất nhiên là không ai có chính sách khuyến nông dành cho ông lão trồng chuối ở thôn Hòa Bình, ông chủ đàn trâu ở khu đô thị Dương Nội, cũng như không có chính sách tín dụng vi mô nào dành cho bà chị đội nón đang bán hàng rong ở góc phố Lý Thường Kiệt. Cũng không ai có thể quản lý chế độ đãi ngộ và điều kiện lao động của những thanh niên làm nghề thông cống đang chui rúc ở Tam Trinh, cho dù họ cũng có tổ chức, cũng được tuyển dụng vào những “công ty” có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet.

Sau khi họ đã tản mát vào các chỗ trống rồi, thì bàn tay pháp luật chỉ có mỗi một việc là xua họ đi, cố gắng lấp các chỗ trống này cho bộ mặt đô thị đỡ nhom nhem.

Mâu thuẫn của việc những người nông dân rời bỏ đồng ruộng để “điền vào chỗ trống” nơi thành phố đã được nhắc đến quá nhiều. Có lẽ sau khi họ đã tản đi, đã phiêu bạt trở thành lao động di cư, thì việc giải quyết vấn đề của họ là bất khả - hoặc ít nhất chưa nằm trong năng lực của hệ thống quản lý nước ta hiện nay.

Câu trả lời chỉ có một: phải vẽ cho họ sinh kế từ khi họ còn chưa tan tác, chưa phiêu bạt trong những khe hở thành phố.

Chuyện trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng không ai có ý định giải quyết nó một cách thấu tình. Đã đến thế hệ thứ 3 kể từ khi đất nước mở cửa, những khu đô thị bùng nổ, đất đai nông nghiệp được tái quy hoạch trên diện rộng. Ở thế hệ thứ ba này, bạn vẫn có thể nhìn thấy những đứa trẻ đã 20 tháng tuổi chưa biết một mũi vaccine trong một xóm lao động ngụ cư ở quận 2, những đứa trẻ khác chỉ học được hết lớp tình thương biết chữ thì đã phải ra chợ đi làm bốc vác hay giao hàng.

Cách đây vài năm, bà con ở Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương thậm chí còn đồng loạt vác cuốc ra khu công nghiệp – một khu công nghiệp đã được quy hoạch 8 năm mà chưa thấy nhà máy đâu - quyết tâm biến nó trở thành lại thành đất sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm nông dân bổ cuốc xuống một khu công nghiệp, hình ảnh ấy được đăng cả lên báo Nông Nghiệp Việt Nam. Một hình ảnh bế tắc.

Đức Hoàng