Các tín đồ công nghệ chắc chắn sẽ nhận ra một “hiện tượng” vô cùng đặc biệt trong thời gian gần đây: Microsoft và Apple đang cực kỳ nồng ấm. Ngay gần sự kiện BUILD 2018 – sự kiện thường niên quan trọng nhất của Microsoft, cả CEO Satya Nadella và nhà sáng lập Bill Gates đều đã lên tiếng khen ngợi Apple. Về phía mình, Apple tuy thiếu đi những lời nói từ giới “chóp bu” nhưng mới đây cũng ưu ái cho Office 365 một vị trí trong buổi trình diễn iOS 12.
Dĩ nhiên, mối quan hệ giữa 2 bên không phải chỉ có màu hồng, đặc biệt là khi Microsoft vẫn dùng MacBook để... quảng bá cho Surface và Tim Cook thi thoảng vẫn lên tiếng chỉ trích tầm nhìn Surface của Microsoft. Thế nhưng, nếu nhìn từ 2014 – khi Satya Nadella lên nắm quyền tại Microsoft cho tới nay, bạn sẽ thấy rõ ràng mà Microsoft và Apple thân thiết với nhau hơn hẳn Apple. Satya Nadella dùng Office trên iPad làm sự kiện đầu tiên để “ra mắt” công chúng, và khi vén màn iPad Pro, Apple cũng đã mời bộ sậu Microsoft lên giới thiệu.
Rõ ràng là kỷ nguyên ghét nhau như chó mèo của Apple và Microsoft đã chấm dứt. Tại sao lại có sự thay đổi bước ngoặt này?
Cách sống mới của Microsoft
Câu trả lời trước hết nằm ở Microsoft. Microsoft vốn là công ty sống bằng bản quyền phần mềm, đặc biệt là bản quyền hệ điều hành. Do Apple từ trước đến nay đều sống bằng phần cứng đi kèm với hệ điều hành – và do Bill Gates từng “đánh cắp” ý tưởng của Steve Jobs, “cách sống” này đã khiến 2 gã khổng lồ công nghệ mâu thuẫn kịch liệt với nhau.
Nhưng nay thì Microsoft không sống bằng hệ điều hành nữa: dưới thời CEO Satya Nadella, Microsoft đang dần chuyển thành một công ty nền tảng với trọng tâm được đặt vào đám mây, Office 365 và các dịch vụ doanh nghiệp/AI/SaaS. Hệ điều hành chỉ còn là một khái niệm rất... kém quan trọng với Microsoft: Windows 10 đã được miễn phí trong một thời gian dài, Windows Phone/Mobile đã bị khai tử hoàn toàn. Đến Linux còn được Microsoft "thả tim" nhiệt liệt, không có lý do gì để nói không với người dùng macOS và iOS cả.
Nhắc đến khối thị trường doanh nghiệp cũng là nhắc đến một thị trường rất tiềm năng với Apple: do iOS an toàn hơn hẳn Android, khách hàng doanh nghiệp cũng thường ưu ái iPhone/iPad hơn các thiết bị Android. Apple cũng đã liên tục bắt tay với các công ty xây dựng nền tảng (platform) giải pháp phần mềm như GE hay IBM. Khi Microsoft vẫn đang sở hữu bộ phần mềm văn phòng bắt buộc phải có (Office) tại bất cứ đâu, và khi Azure đang ngày một bành trướng, tham vọng doanh nghiệp của Apple bắt buộc sẽ phải có liên hệ với Microsoft. Apple có thể lo về phần cứng và hệ điều hành, còn Microsoft tập trung vào khâu ứng dụng và nền tảng phần mềm: nguồn thu doanh nghiệp của 2 công ty rất tương thích nhưng lại chẳng hề mâu thuẫn với nhau.
Một kẻ thù chung
Cách sống vô cùng tương thích còn dẫn đến một hệ lụy quan trọng khác: giờ Microsoft và Apple đã có một kẻ thù chung mà ai cũng có thể nhận ra – Google. Gần như bất cứ một mảng kinh doanh nào Google tham gia cũng đều động chạm sâu sắc đến quyền lợi của Microsoft và Apple. Trong cuộc chiến dữ liệu và AI, Google vẫn làm chủ. Google có cả dịch vụ mail, có cả ứng dụng văn phòng online (GSuite) và dù chưa thực sự thành công nhưng cũng có dã tâm trên đám mây (GCP).
Trong cuộc chiến di động, rõ ràng là thất bại của Android sẽ là niềm vui cho Apple.
Một mối quan hệ nồng ấm giữa Apple và Microsoft sẽ không có lợi cho Google. Các ứng dụng/dịch vụ của Microsoft kết hợp cùng ưu thế của iPhone/iPad sẽ khiến Android khó lòng có thể chen chân vào khối doanh nghiệp. Android càng kém phổ biến, GSuite, Gmail hay GCP càng bất lợi.
Bởi vậy mà Microsoft vẫn có một mức độ ưu ái nhất định đối với iOS: Office 365 trên iOS (và iPad) vẫn tốt hơn hẳn trên Android, một số ứng dụng từ Microsoft cũng chỉ có mặt trên iOS chứ không có trên Android. Về phần mình, Apple cũng dành cho Microsoft những ưu ái không một công ty nào khác được hưởng: từ năm ngoái, các nhà phát triển Xamarin (công nghệ của Microsoft) đã không còn bắt buộc phải có máy Mac mới có thể build ứng dụng cho iOS.
Theo GenK