Thậm chí, các kênh đầu tư tài chính này còn phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người tham gia. Bởi ở mỗi một mô hình là những lời mời kêu gọi hấp dẫn, lợi nhuận đem lại “khủng khiếp”.
Đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng về hình thức lừa đảo này, thế nhưng hầu như, chỉ vì ham lợi nhuận và vì những lời giới thiệu có cánh, nhiều người vẫn bất chấp đầu tư.
Những lời mời gọi, những đoạn clip giới thiệu về thu nhập, hoa hồng khủng lên tới 40% khi đầu tư vào các dự án… đều được lan truyền rất nhanh trên các nhóm mạng xã hội Facebook, Zalo. Thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, hoạt động giao dịch mua bán, đầu tư các loại tiền ảo diễn ra sôi động, bất chấp các rủi ro có thể xảy ra.
Bị cuốn hút giống như “thiêu thân”, nhiều người tham gia sẵn sàng chi số tiền lớn để đầu tư, thậm chí vay lãi từ tín dụng đen. Mơ ước một cuộc sống giàu sang, có được số tiền lớn như lời giới thiệu, nhưng thực tế, “quảng cáo thì ở trên trời, người đầu tư thì ở dưới đất”, những hệ thống đa cấp này chỉ một thời gian ngắn nguy cơ sụp đổ khiến người tham gia rơi vào con đường nợ nần mà không biết kêu ai.
Bài học nhãn tiền như vụ lừa đảo bởi dự án đầu tư tiền ảo ifan hay pincoin là một điển hình. Số tiền khổng lồ lên tới 15.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư, khi bị rủi ro họ cũng khó có thể đòi quyền lợi cho mình. Bởi, khi đầu tư tiền ảo, người tham gia không có giấy tờ hợp pháp chứng nhận việc đầu tư, đặc biệt, tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Bên cạnh những cơ hội đầu tư tạo ra lợi nhuận cao cũng tồn tại nhiều rủi ro. Nếu không trang bị cho mình những kiến thức về tài chính, về công nghệ thì khi đầu tư tài chính theo kiểu mô hình đa cấp như thế này thì người tham gia rất dễ sẽ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
(Theo ANTV)