Theo tạp chí Fortune, trong nhiều năm, "châu Á" đối với Apple thường đồng nghĩa với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Apple và là một trung tâm sản xuất khổng lồ.
"Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc", CEO Apple Tim Cook cho biết trong chuyến đi đến Trung Quốc vào tháng 3. Nhưng với doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm và các mối đe dọa tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng của mình, Apple có thể sẽ xem xét kỹ hơn các thị trường châu Á mới.
Người đứng đầu Apple vừa kết thúc chuyến công du 5 ngày đến Đông Nam Á, dừng chân tại Việt Nam, Indonesia và Singapore trong một chuyến đi mà tạp chí Fortune nhận định có thể là một nỗ lực nhằm "phòng ngừa rủi ro chuỗi cung ứng" và "dọn đường" cho đầu tư sau này.
Đông Nam Á là một trong vài thị trường mới nổi, bên cạnh Ấn Độ và Mỹ Latinh, mà Apple cần nhắm đến để tăng trưởng trong tương lai, theo Ivan Lam, nhà phân tích cao cấp tại hãng nghiên cứu Counterpoint. Ông cho biết người tiêu dùng Đông Nam Á nhìn nhận Apple như thương hiệu cao cấp và khá ưu ái. Chuyên gia dự đoán Apple sẽ tăng cường chiến lược bán hàng tại đây khi mức độ tiêu thụ được cải thiện.
Hiện tại, Đông Nam Á chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng đang phát triển nhanh, trong thị trường iPhone. Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tiêu dùng tại IDC, cho biết Apple xuất xưởng chưa đến 10 triệu iPhone sang Đông Nam Á vào năm 2023, chiếm dưới 5% lô hàng toàn cầu. Dù vậy, nó vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 32%.
Dù vậy, theo ông Ma, lý do CEO Tim Cook quan tâm đến Đông Nam Á không nằm ở bán lẻ mà là sản xuất. Phó Chủ tịch IDC nhận định động lực thậm chí còn lớn hơn đằng sau chuyến thăm là để “phòng ngừa rủi ro chuỗi cung ứng” khi ngành công nghiệp tiếp tục đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Điều đó thể hiện qua các cuộc gặp với không chỉ các nhà cung ứng mà còn với cả các chính phủ để thuận lợi đầu tư sau này.
Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất lớn nhất của Apple, nhưng đại dịch Covid đã chứng minh cho nhà sản xuất iPhone thấy nguy cơ khi “bỏ trứng vào một giỏ”. Các đợt phong tỏa do Covid ở “thành phố iPhone" Trịnh Châu đã làm giảm sản lượng iPhone năm 2022. Sau đó, Apple đổ lỗi một phần cho gián đoạn Covid khiến doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2022.
Nhìn rộng hơn, Mỹ đang khuyến khích các công ty "giảm rủi ro" bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Lịch trình CEO Tim Cook ở Đông Nam Á
Điểm dừng chân đầu tiên của Tim Cook là Việt Nam, vốn đã là một phần trong chuỗi cung ứng của Apple. Trong hai ngày ở Việt Nam, ông cam kết tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp tại Việt Nam trong cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội. Công ty cho biết đã chi gần 16 tỷ USD cho chuỗi cung ứng của Việt Nam kể từ năm 2019, tạo ra khoảng 200.000 việc làm.
Chia sẻ với CNN, Dan Ives – nhà phân tích cấp cao của hãng chứng khoán Wedbush – gọi Việt Nam là “điểm hạ cánh hoàn hảo đối với các hãng công nghệ đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc”. Ông nhắc đến một yếu tố là số lượng kỹ sư được đào tạo ở đây.
“Chúng tôi không chỉ nói về sản xuất đồ điện tử giá rẻ. Chúng tôi đang nói về lên cao hơn trong chuỗi giá trị...”, ông Ives nói.
Trong khi đó, Thuy Anh Nguyen – chuyên gia tại công ty quản lý quỹ Dragon Capital – chỉ ra một lợi thế khác của Việt Nam là dân số bùng nổ, có học thức và trẻ. Đó là điểm thu hút lớn đối với các công ty công nghệ nước ngoài đang tìm cách thuê công nhân cho nhà máy và tìm kiếm khách hàng tiêu dùng sản phẩm. Tỷ lệ tiếp cận smartphone ở Việt Nam cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Sau khi rời Việt Nam, CEO Apple đã đến Indonesia, nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất Đông Nam Á. Trong cuộc gặp với Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, ông Cook cho biết sẽ xem xét thành lập các cơ sở sản xuất tại nước này.
Apple hiện chưa có nhà máy nào ở Indonesia. Thay vào đó, công ty đã thành lập một số học viện nhà phát triển kể từ năm 2018. Apple dự kiến mở học viện thứ tư tại Bali.
Indonesia yêu cầu smartphone bán trong nước phải bao gồm ít nhất 35% linh kiện địa phương và Apple đã đáp ứng được dù không sản xuất trong nước nhờ vào các học viện của mình. Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, người cũng có mặt tại cuộc họp với ông Cook và Tổng thống Widodo, gợi ý Apple có thể hợp tác với các công ty Indonesia để mua linh kiện, ngay cả khi họ không mở nhà máy.
Điểm dừng chân cuối cùng của Tim Cook trong chuyến công du Đông Nam Á là Singapore, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực. Đất nước này là nơi có ba trong số 5 Apple Store Đông Nam Á. Hai cửa hàng còn lại ở Thái Lan và Apple được cho là đang xem xét mở Apple Store đầu tiên tại Malaysia.
Nhân chuyến thăm của CEO, Apple tuyên bố sẽ đầu tư hơn 250 triệu USD để phát triển trụ sở tại Singapore. Apple mở cơ sở đầu tiên tại Singapore vào năm 1981, với 72 nhân viên tập trung vào máy tính cá nhân Apple II. Công ty đang xem Singapore như một trung tâm khu vực cho các vai trò quan trọng và hiện tuyển dụng hơn 3.600 nhân viên.
CEO Apple đã gặp Thủ tướng sắp tới của Singapore, Lawrence Wong, vào ngày 19/4. Trên LinkedIn, ông Wong viết rằng ông đã thảo luận về "các cơ hội ở Đông Nam Á" và "mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Singapore và Apple" trong cuộc gặp với ông Cook.
Trong một chương trình phát thanh nổi tiếng của Singapore cùng ngày, lãnh đạo Apple nói ông muốn đầu tư nhiều hơn vào R&D trong nước. "Singapore luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi", ông nói với thính giả.
(Theo Fortune, CNN)