Bất kỳ dự án bất động sản nào muốn thành công cũng đều có dấu ấn của chủ đầu tư và người môi giới. Tuy nhiên, không phải lúc nào mối quan hệ này cũng “cơm lành, canh ngọt”, đằng sau đó cũng có những uẩn khúc mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

{keywords}

Môi giới bất động sản giữ vai trò quan trọng trên thị trường bất động sản.

Mới đây, dư luận khá quan tâm câu chuyện một nhóm người của công ty môi giới đã căng băng rôn, khẩu hiệu để đòi chủ đầu tư trao trả khoản phí môi giới lên đến hàng tỷ đồng.

Đơn vị môi giới này cho biết, đó là chi phí đã cam kết giữa chủ đầu tư và công ty môi giới khi ký hợp đồng phân phối sản phẩm tại một dự án. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư khẳng định, do công ty môi giới hoạt động không đúng với hợp đồng, tự ý nâng giá bán sản phẩm nên chấm dứt hợp đồng.

Thực tế, rất nhiều khách hàng mua đất nền tại dự án thông qua công ty môi giới trên cũng đã phản ánh về việc mình trúng cú lừa ngoạn mục tại dự án này. Cụ thể, khi bán nền cho khách hàng đơn vị môi giới đã tự ý nâng giá lên cao hơn rất nhiều, thậm chí là gấp đôi so với giá chủ đầu tư.

“Tôi mua nền đất 100m2 tại dự án này với giá 725 triệu đồng từ công ty môi giới nhưng mãi không thấy họ ký hợp đồng, khi gặp chủ đầu tư thì mời biết họ tăng giá nền đất lên gấp đôi vì giá thật chủ đầu tư chỉ 394 triệu đồng”, một khách hàng bức xúc.

Câu chuyện trên chỉ là một phần rất nhỏ trong tảng băng chìm của nghề môi giới hiện nay.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng rất lớn của môi giới trong thị trường bất động sản. Hiện nay, rất nhiều công ty phân phối, môi giới bất động sản làm ăn chân chính, gây dựng thương hiệu được người mua tin tưởng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số công ty, cá nhân môi giới chỉ vì mục đích cá nhân mà bất chấp, làm ăn gian dối.

“Mặc dù chỉ là thiểu số nhưng những nhóm người này lại tạo ra những tác động không nhỏ, bóp méo thông tin của dự án,thị trường, khiến cho khách hàng mất niềm tin và có cái nhìn không thiện cảm về nghề môi giới”, Giám đốc một sàn môi giới cho biết.

Khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, việc môi giới cố tình đánh tráo thông tin dự án theo kiểu “tốt khoe, xấu che” khiến cho nhiều khách hàng điêu đứng diễn khá phổ biến. Đau xót nhất là những người thu nhập thấp, có số vốn tích cóp ít ỏi, phải vay ngân hàng nhưng vì tin lời môi giới mà mua phải những dự án “vịt trời”, những chung cư mãi không được giao nhà.

“Trước khi mua thì môi giới săn đón, đến cả ăn ngủ cũng không yên vì lúc nào họ cũng gọi điện, cam kết này nọ. Nhưng mua rồi đến khi dự án không như giới thiệu, chủ đầu tư mãi không chịu giao nhà mình gọi cho môi giới thì họ hứa đủ điều, gọi nhiều quá thì khóa máy, muốn gặp khó như lên trời”, một khách hàng mua căn hộ chung cư tại quận Gò Vấp than thở.

Đối với dự án đất nền, mức độ rủi ro lại càng cao. Dọc các tuyến đường của nhiều quận huyện ngoại thành xuất hiện nhan nhản các bảng quảng cáo đất nền rất hấp dẫn. Nếu nhìn chỉ nhìn vào thông tin trên bảng quảng áo ắt hẳn ai cũng muốn mua ngay vì dự án có vị trí đẹp, pháp lý đầy đủ, tiện ích và đặc biệt giá bán rất mềm. Tuy nhiên nếu đi đến thực tế thì hoàn toàn trái ngược, dự án được cái này mất cái kia, pháp lý chưa rõ ràng, thậm chí dự án mở bán hoành tráng nhưng khi khách vào xem chỉ là đám đất sình lầy, ruộng rau muống. Giá bán thì chỉ là con số tượng trưng, con số thật cao hơn rất nhiều.

“Đừng tin vào lời môi giới và thông tin in trên tờ rơi cả. Hai vợ chồng tôi xem và gọi đến số trên tờ tơi cho giá là 95 triệu/nền, họ hẹn ngày đến xem đất. Môi giới vây như kiến bu đường. Giá miếng đất thực tế là 650 triệu”, một người mua cho biết.

Ghi nhận thực tế trên thị trường, xuất hiện nhan nhản những dự án chung cư “trùm mền”, những siêu đô thị đất nền trên giấy chôn vùi khối tài sản của rất nhiều khách hàng, nhà đầu tư. Bên cạnh nguyên nhân thị trường khó khăn thì những hình ảnh ảm đạm đó cũng có phần đóng góp không nhỏ từ nhừng lời “hoa mỹ” không chân thật của nhân viên môi giới.

Để chấn chỉnh hoạt động môi giới, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định khá chặt chẽ về yêu cầu của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, quy định môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp mới được hoạt động. Tuy nhiên, thực tế những người có chứng chỉ này trên lực lượng môi giới khổng lồ hiên nay còn quá ít ỏi, thậm chí có môi giới giật còn tỏ ra ngạc nhiên khi nhắc tới chứng chỉ này.

Việc nhiều công ty, cá nhân môi giới ngang nhiên làm sai cũng có phần nguyên nhân xuất phát từ các chủ đầu tư. Việc lựa chọn công ty môi giới, đơn vị phân phối nhưng không kiểm chứng năng lực, uy tín dẫn đến nhiều hệ quả. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp chủ đầu tư biết môi giới sai phạm nhưng cố tình ngó lơ hoặc ủng hộ vì có khi đó lại là những nội dung thỏa thuận “thầm kín” trong hợp đồng của hai bên.

Đại diện một Công ty môi giới bất động sản cho biết, mặc dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nếu không có những chấn chỉnh kịp thời thì tình trạng số ít môi giới bất chấp sai phạm để đạt được mục đích bán hàng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và niềm tin của người mua nhà.

Theo Cafeland