Những ngày đầu tháng 1, câu hỏi "Jack Ma đang ở đâu" bỗng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Tỷ phú Trung Quốc đã không có mặt trên sóng truyền hình, dừng tương tác trên mạng xã hội gần 2 tháng nay.
Sự biến mất của Jack Ma gây ra nhiều đồn đoán, đặc biệt là khi công ty Ant Group do ông sáng lập bị hủy IPO vào tháng 11 vì mâu thuẫn với chính sách tài chính của Trung Quốc.
“Biến mất” trên truyền hình, mạng xã hội tới hội nghị
Những đồn đoán về sự biến mất của Jack Ma xuất hiện sau khi thông tin về tập cuối cùng của chương trình thực tế "Người hùng kinh doanh châu Phi" được tiết lộ. Jack Ma là một trong những giám khảo được yêu thích nhất của chương trình.
Financial Times cho biết nhiều thí sinh muốn được gặp và giới thiệu trực tiếp với tỷ phú Trung Quốc về dự án của mình, với hi vọng nhận được đầu tư từ quỹ của ông. Dù vậy, trong tập cuối, được ghi hình từ tháng 11, Jack Ma đã bị thay bằng bà Lucy Peng, một nhân vật quan trọng khác của Alibaba và Ant Group
Hình ảnh của Jack Ma trên website chương trình đã bị thay bằng bà Lucy Peng, một nhân vật quan trọng khác của Alibaba. Ảnh: FT. |
Không chỉ bị thay thế trong tập cuối, hình ảnh của Jack Ma cũng bị thay thế bằng ảnh bà Peng. Đoạn video giới thiệu về tập cuối cũng không nhắc gì đến vị tỷ phú Trung Quốc, người đã theo chương trình từ năm ngoái. Theo người phát ngôn của Alibaba, ông không thể tham dự chương trình này do “xung đột lịch trình”.
Trên Weibo, một người dùng chỉ ra rằng Jack Ma cũng không xuất hiện tại Hội nghị thương mại Thượng Hải - Chiết Giang, sự kiện mà ông góp mặt hàng năm. Chiết Giang là quê hương của Jack Ma, và ông cũng là một trong những đại diện ưu tú nhất của tỉnh này.
Trên mạng xã hội, Jack Ma cũng “im tiếng” kể từ ngày 17/10, một tuần trước khi ông đưa ra bài phát biểu chỉ trích hệ thống quản lý tài chính tại Trung Quốc. Bài đăng gần nhất của ông trên Weibo nói về cuộc gặp với hơn 100 hiệu trưởng Trung Quốc để bàn về giáo dục.
Jack Ma không xuất hiện tại Hội nghị thương mại Thượng Hải - Chiết Giang, dù ông đã có mặt mọi năm trước. Ảnh: Weibo. |
Trong khi đó, bài đăng gần nhất của Jack Ma trên Twitter là từ 10/10, nói về sự hợp tác với Hoàng tử William của Vương quốc Anh để chống biến đổi khí hậu.
Dù không lên mạng, Jack Ma vẫn bị chỉ trích
Trên các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, gần đây cũng xuất hiện nhiều bài viết thắc mắc Jack Ma đang ở đâu. "Mã Vân đang ở đâu thế" hay "Mã Vân bị hạn chế xuất cảnh" là những từ khóa xuất hiện khi gõ từ Mã Vân (tên thật của Jack Ma) trên Weibo. Dù vậy, chủ đề về tỷ phú Trung Quốc không mấy thịnh hành.
Theo một nhà tư vấn đang làm việc tại Trung Quốc, khả năng cao là Jack Ma đang bị hạn chế xuất hiện trên truyền thông hoặc mạng xã hội.
Sóng gió đến với Jack Ma sau bài phát biểu chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào tháng 10/2020. Ảnh: Bloomberg. |
"Tôi nghĩ ông ấy bị buộc phải im tiếng. Đây là tình huống khá đặc biệt, liên quan nhiều hơn tới quy mô của Ant và sự nhạy cảm của các quy định về tài chính", Duncan Clark, Chủ tịch công ty tư vấn công nghệ BDA China, có trụ sở tại Bắc Kinh nói với CNN.
Ông Clark cho rằng chính quyền Trung Quốc muốn góc nhìn của mình về vụ việc Ant Group phủ sóng truyền thông, và Jack Ma hay các lãnh đạo của Ant Group cũng biết rõ phản đối quyết định này sẽ không có lợi.
"Dù vậy, cũng phải nói là sự im lặng này thật đáng ngạc nhiên", ông Clark nhận xét.
Trong khi Jack Ma chưa xuất hiện trở lại, hình ảnh của ông đối với công chúng đang dần xấu đi. Nhiều bình luận về bài viết của ông trên Weibo vào tháng 10 chỉ trích cách ông sử dụng từ ngữ để mô tả học sinh Trung Quốc.
Sự cố của một nhân viên nền tảng Pinduoduo mới qua đời vì làm việc kiệt sức càng khiến làn sóng chỉ trích hướng tới nhà sáng lập Alibaba. Trong quá khứ, Jack Ma từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ văn hóa làm việc 996, cống hiến hết mình cho công việc.
“Còn trẻ mà không làm theo lịch 996 thì bao giờ mới làm? Các bạn nghĩ không phải làm việc vất vả mới là cái đáng khoe à? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công", Jack Ma nói trong một cuộc họp của Alibaba vào tháng 4/2019, khi ông vẫn còn giữ cương vị CEO công ty này.
Năm 2019, Jack Ma từng bị phản đối vì cổ vũ văn hóa làm việc 996. Ảnh: Xinhua. |
Chỉ trong 1 ngày, có thêm hàng trăm bình luận về văn hóa này trong bài viết cũ của Jack Ma.
"996 tốt thật đấy nhỉ. Nó khiến người ta mệt mỏi và đột tử luôn", một người dùng bình luận.
"Đừng có đạo đức giả. 996 chỉ tốt cho doanh nghiệp của ông thôi, và đe dọa cuộc sống của người khác" là một bình luận khác.
Đầu năm 2019, một nhóm lập trình viên Trung Quốc đã khởi tạo kho lưu trữ mang tên 996.ICU trên GitHub nhằm chỉ trích lịch trình làm việc không hợp lý của các công ty công nghệ trong nước, bao gồm cả Youzan và JD.com. Không lâu sau, các chủ đề về 996 đã thổi bùng lên làn sóng tranh luận trên khắp Trung Quốc.
Ngoài Jack Ma, nhà sáng lập JD Richard Liu Qiangdong cũng từng chia sẻ ông “không coi những kẻ lười biếng là anh em”, và kêu gọi mọi nhân viên cùng mình cống hiến.
Theo Luật Lao động Trung Quốc, nhân viên được phép kéo dài thời gian làm việc lên đến 3 giờ vì những lý do đặc biệt, tuy nhiên, nhân viên không được phép làm thêm quá 36 giờ/tháng.
Theo Zing
Cổ phiếu Alibaba tăng giá sau thông tin Jack Ma không ‘mất tích’
Jack Ma không ‘mất tích’, ông chỉ đang ở ẩn, theo nhà báo David Faber của CNBC.