“Việt Nam thừa sức tìm ra con đường phát triển đất nước. Nhưng vấn đề là cơ chế để vận dụng và phát huy các trí tuệ còn thiếu”, PGS.TS Phan Xuân Biên.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu tiếp kỳ 2 cuộc trò chuyện với PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM, hiện là Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Phó trưởng ban tổ chức TW góp ý cho xây dựng văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.

Kỳ 1: "Vào Đảng, nhờ Đảng giúp mình sống tốt hơn"

Thưa PGS.TS Phan Xuân Biên, chúng ta có thể hiểu rằng, đảng cầm quyền mạnh mẽ ở hai “cột trụ”, có chủ trương đúng và có đội ngũ cán bộ tốt. Ở phần trước chúng ta đã phân tích mổ xẻ về sự cần thiết của công tác chống tham nhũng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, giờ chúng ta hãy bàn về chủ trương. Ông có thể nói rõ hơn vế này trong thực tiễn cách mạng nước ta.

PGS.TS Phan Xuân Biên: Thực tế cách mạng nước ta 80 năm qua chứng minh rõ ràng, sự lãnh đạo đúng đắn của đảng là nhân tố hàng đầu cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là sự nhạy bén, nắm bắt kịp thời thực tiễn.

Ngay từ đầu, chỉ 15 năm thì với sự lãnh đạo, tức đường lối, giai đoạn 1939 – 1945, nếu không chỉ đạo chiến lược kịp thời mà cứ theo cương lĩnh những năm 1930 thì không thể thành công.

Cương lĩnh năm 1930 nêu ra 2 nhiệm vụ cách mạng song song là đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc. Nhưng từ 1941 khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về lãnh đạo thì rõ ràng có sự chuyển biến chỉ đạo chiến lược, tức đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Nếu lúc này không giải quyết được vấn đề dân tộc thì vấn đề giai cấp, vấn đề dân nghèo vạn năm sau cũng không giải quyết được! Đó là dấu ấn lần thứ nhất.

Lần thứ hai là trận Điện Biên Phủ. Hồi đầu, cố vấn Trung Quốc tư vấn ta “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhưng sau đó, dưới sự chỉ đạo của đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng là thể hiện sự lãnh đạo của đảng, chúng ta đã chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”! Nếu không có sự chuyển hướng này thì đội quân chủ lực non trẻ của chúng ta đã bị nướng hết!

{keywords}
Đảng mạnh nhờ chủ trương đúng và cán bộ tốt

Giai đoạn  1958 – 1959, chúng ta chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, thực hiện hiệp định Geneve. Nhân dân chở che cán bộ. Chú Sáu Dân (cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể: “ Nhân dân nói “nếu các ông quay lại đánh thì chúng tôi chứa các ông. Còn các ông quay lại để trốn thì chúng tôi không chứa nữa !” Sự bức xúc của nhân dân lúc đó đã lên cao độ như thế đấy. May lúc đó chúng ta có Đề cương Cách Mạng miền Nam và Nghị quyết TW XV ra đời kịp thời. Cuộc đấu tranh vũ trang bắt đầu, phong trào Đồng Khởi nổi lên.

Năm 1960 nếu chúng ta không đề ra 2 chiến lược cùng một lúc, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì làm sao có thắng lợi vĩ đại năm 1975?  Miền Bắc là hậu phương lớn có vai trò quyết định nhất. Còn miền Nam là tiền tuyến lớn có vai trò quyết trực tiếp. Không có miền Bắc XHCN nối dài với các nước XHCN, Liên Xô và phong trào hòa bình thế giới thì chúng ta không thể thắng lợi….

Chúng ta còn rất nhiều ví dụ khác để thấy rõ vai trò của chủ trương ở sự lãnh đạo của Đảng 80 năm qua có vai trò quan trọng như thế nào.

Chúng ta thường chỉ xác định chủ trương đúng hay sai sau khi đã trải qua thực tiễn để kiểm chứng! Nhưng yêu cầu đặt ra ngay từ đầu là phải có chủ trương đúng! Vậy làm cách nào có được chủ trương đúng? Thực tiễn của nước ta dưới sự lãnh đạo của đảng đã cho chúng ta bài học, khi một chủ trương quyết sách mới ra đời chúng ta đều cho là “đúng đắn”, “kịp thời”… Song đôi khi qua vận hành vào cuộc sống thì chưa hẳn như vậy? Chúng ta cũng có rất nhiều minh chứng cho điều này… Theo các vị, phải làm sao để có thể hạn chế tối đa sai lầm như đã từng xảy ra?

PGS.TS Phan Xuân Biên: Tôi xin nhắc lại, Lenin nói, có nhiều nguy cơ, nhưng có 2 nguy cơ lớn nhất, một là đường lối sai, hai là sự suy thoái của cán bộ, tổ chức.

Về đường lối, chúng ta đang đúng, đảm bảo. Đường lối Đổi mới của chúng ta là đúng. Nhưng quan trọng như Lenin nói, phải được đại đa số nhân dân thừa nhận đường lối đó đúng chứ không phải chỉ mình nói là đúng! Trong đường lối Đổi mới của chúng ta có nhiều cái đúng nhưng chủ trương cụ thể chưa chắc đã đúng và chưa được nhân dân thừa nhận. Thực tế có những cái chưa đem lại hiệu quả. Cho nên ta phải kiểm điểm.

Kỳ này Đại hội cũng kiểm điểm rất nhiều. Ví dụ mục tiêu của chúng ta đã đề ra là tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Giờ ta chưa tạo ra nền tảng mà lẽ ra giai đoạn 2011- 2015 phải tạo ra rồi. Còn 5 năm năm nữa nên phải “sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp”. Vậy “sớm” là gì? Nghĩa là không phải trước năm 2020 mà phải sau đó, có thể sau 2030 hoặc trước đó. Rõ ràng mục tiêu của chúng ta đặt trước là hơi quá lớn, giờ phải điều chỉnh. Tôi không nói là sai nhưng rõ ràng là chưa chuẩn xác. Báo cáo chính trị dự thảo có nêu phần này.

Đường lối rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phải được nhân dân đồng tình và thừa nhận là đúng.

Dù vậy, cơ bản chúng ta tin tưởng không thể có sai lầm như sau 1975 bởi vì chúng ta đã có bài học kinh nghiệm. Lúc đó chúng ta còn lệ thuộc, quan hệ quá chặt với hệ thống thì phải chịu những sự ràng buộc nhất định. Và chúng ta nhận thức về CNXH, con đường đi lên CNXH còn duy ý chí, nhầm lẫn giữa lý tưởng CNXH và CNXH hiện thực. Cho nên khi CNXH hiện thực 70 năm bị sụp đổ thì mô hình không còn gì noi theo nữa mà phải trên cơ sở nguyên lý cơ bản, cơ sở biện chứng thì chúng ta mới lần mò tìm ra con đường đi lên CNXH của chúng ta.

Con đường này bao nhiêu năm rồi đảng ta nói ngày càng rõ hơn. Cương lĩnh năm 1991 đưa ra 6 đặc điểm, cương lĩnh năm 2011 đưa ra 8 đặc điểm. Nhưng mà đây cũng chỉ là những vấn đề cơ bản, còn đường bước đi như thế nào là việc hết sức khó khăn.

Tôi nhất trí với nội dung trong báo cáo: “Nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn…” Điều này có nghĩa là việc cung cấp cho vấn đề hoạch định đường lối còn bị hạn chế. Đường lối của chúng ta hiện nay không sai, nhưng lại chưa thể tạo ra đột phá nhất định, tức là để tạo ra động lực lớn.

Thực tế sự lãnh đạo đúng đắn là quan trọng nhất. Theo tôi đây không phải là việc khó, nhưng phải tìm cơ chế.

Tại sao nghiên cứu lý luận của chúng ta bất cập. Nhiều vấn đề thực tiễn chưa có lý luận hay lý luận chưa giải  thích, soi rọi, dẫn đường, chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn. Vì sao? Có phải chúng ta thiếu những người giỏi không? Theo tôi là không! Việt Nam thừa sức tìm ra con đường phát triển đất nước. Nhưng vấn đề là cơ chế để vận dụng và phát huy các trí tuệ có lẽ còn thiếu.

Ví dụ vấn đề dân chủ trong nghiên cứu Khoa học xã hội, chúng ta đã xây dựng trên 10 lần rồi mà vẫn chưa quyết định được. Mãi gần đây Ban Bí thư mới bàn tới vấn đề dân chủ trong nghiên cứu lý luận, nhưng triển khai chưa được nhiều.

Lý luận luôn có nhiều nguồn. Nhưng có 2 nguồn quan trọng đó là nguồn nghiên cứu về lý thuyết, kinh điển và nguồn tổng kết thực tiễn và phải theo quy luật. Đại hội VI của chúng ta ĐỔI MỚI là bước đi “trở lại quy luật”, một chuyện rất đơn giản. Hay chuyện lấy “dân là gốc” cũng vậy. Ông cha ta, các bậc minh quân đã nói như thế này “chở thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân”. Trần Hưng Đạo cũng khẳng định “phải khoan sức dân”, “lấy dân làm gốc”…

Ông Huỳnh Văn Niềm: Theo tôi, chủ trương hay Nghị quyết cần phải có điểm nhấn rõ ràng để có thể đi vào cuộc sống.

Tại các kỳ Đại hội trước chúng ta cũng nói về thay đổi mô hình sắp xếp lại cơ cấu, giờ cũng nói vậy. Công cuộc ĐỔI MỚI cũng vậy, luôn xác định là “toàn diện”, “đồng bộ” cứ lặp lại hoài và có đặc điểm là còn chung chung. Trong ĐỔI MỚI cần làm rõ cái gì phải đi sâu, có nội dung cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Ví dụ nói về thành phần kinh tế tư nhân, lâu nay người dân hiểu còn mơ màng. Và, vẫn còn thiếu sự thống nhất, nhất quán ngay từ đầu và trong quá trình triển khai thực hiện.

Kỳ này vấn đề kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng.

Yêu cầu phát triển đất nước đặt ra là kinh tế nhà nước chỉ làm những gì kinh tế tư nhân không làm được. Vì vậy phải làm sao phát huy mọi năng lực của mọi người dân, mọi thành phần trong xã hội. Người nào cũng có thể tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Chủ trương và chính sách phải dứt khoát và đồng bộ như vậy. Chứ mình nói chỗ này thế này chỗ kia giựt lại… thì sao làm dứt khoát và thành công được. Nói thật, lâu này chúng ta  nói về kinh tế tư nhân, kinh tế nhiều thành phần đâu có dứt khoát. Chúng ta vẫn coi kinh tế tư nhân như con ghẻ, con nuôi. Chuyện đó cứ tồn tại cho đến nay. Bởi vậy, cần phải thay đổi triệt để từ đại hội này.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe các vị khách mời.

Duy Chiến – Đặng Ngọc Chính