Kể từ khi xảy ra vụ ầm ĩ liên quan đến vợ của mình là Lê Hoàng Diệp Thảo (năm 2015), ông Đặng Lê Nguyên Vũ chưa từng lên tiếng biện hộ, phản bác... và các nhân viên của Trung Nguyên cũng từ chối nói bất cứ điều gì có liên quan đến sự vụ này.
Mới đây, dư luận một lần nữa dậy sóng trước thông tin ông Đặng Lê Nguyên Vũ bị “tước bỏ quyền lực” tại CTCP Cà phê hoà tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) bởi quyết định của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương: huỷ bỏ quyền đại diện pháp luật của ông và khôi phục lại giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 của công ty này với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Nhưng, trái với sự ồn ào của dư luận và báo chí, ông Vũ vẫn im lặng.
Một nguồn tin thân cận với ông Vũ nói với chúng tôi: “Khi hai vợ chồng xảy ra chuyện, Vũ không lên tiếng bởi Vũ không muốn nói bất cứ một điều gì không tốt về vợ mình cho dù chị vợ có nói, làm gì đi chăng nữa. Cũng vì thế, có thể Vũ sẽ gặp bất lợi khi thông tin không được giải thích, bao gồm cả những thông tin thất thiệt. Tuy nhiên, đó là lựa chọn của Vũ”.
Ông Vũ và bà Thảo thời kỳ còn "cơm lành canh ngọt" |
Nhưng, nếu ở một góc nhìn khác, có thể ông Vũ im lặng vì thực chất quyền lực vẫn đang ở trong tay mình và mọi vấn đề vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Bởi, người đại diện pháp luật, theo quy định của luật Doanh nghiệp hiện hành, chỉ là cá nhân được HĐQT công ty chỉ định, giao quyền hạn và nhiệm vụ chứ không phải là người nắm thực quyền quyết định. Trên thực tế, nếu HĐQT muốn, người đại diện theo pháp luật có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Trung Nguyên IC gồm có 3 thành viên HĐQT, gồm bà Thảo, ông Vũ và đại diện CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) với tỉ lệ nắm giữ vốn lần lượt là 5% - 10% và 85%.
Với 85% vốn tại Trung Nguyên IC, người đại diện cho Trung Nguyên Group hầu như có toàn quyền quyết định quan trọng. Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không phải là người có tiếng nói quyết định ở công ty chiếm 85% vốn Trung Nguyên IC.
(Theo Trí thức trẻ)