- Hội thảo khoa học quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị nhân văn và phát triển” quy tụ gần 60 tham luận tập trung phân tích làm sáng tỏ những luận điểm, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng giá trị nhân văn, phát triển.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo TƯ, Văn phòng TƯ Đảng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sáng nay tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015). Hội thảo có sự tham gia của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm hoàn thiện và sâu sắc. Ảnh: VOV |
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đảng ta nhận định tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm hoàn thiện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam.
Giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tỏa sáng trong những trước tác, trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, với nhân dân, đất nước và nhân loại, nhất là nhân dân các dân tộc bị áp bức.
"Hồ Chí Minh chủ trương và suốt đời phấn đấu xây dựng một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, người già yếu hoặc tàn tật được nhà nước giúp đỡ, chăm nom, mọi người đều có điều kiện để phát triển, phát huy năng lực, sở trường của mình..." - ông Đinh Thế Huynh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, giá trị nhân văn trong hệ thống các giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung ở hai nội dung cơ bản: Trong tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; và trong xây dựng XHCN, đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa các tốt và cái xấu, giữa cái cũ lạc hậu với cái mới tiến bộ, văn minh qua mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng nhấn mạnh: Giá trị nhân văn và phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh về động lực của cách mạng Việt Nam chính là nhân dân.
"Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân", Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò tổ chức, tập hợp lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói.
"Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu quả nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân", GS.TS Tạ Ngọc Tấn chỉ ra.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra những nguy cơ khi Đảng không còn gắn bó với nhân dân: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
"Người cũng tiên liệu những nguy cơ của một đảng cầm quyền là quá trình ngày càng gia tăng của sự thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... của đội ngũ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, đó là những trở lực của sự phát triển. Vì vậy, Người yêu cầu Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, đẩy lùi mọi biểu hiện thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền", GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
"Thực tiễn luôn thay đổi không ngừng, bản thân Người đã từ biệt chúng ta về với thế giới người hiền nhưng giá trị nhân văn và phát triển trong tư tưởng của Người vẫn đang tỏa sáng cùng với dân tộc và thời đại", GS.TS Tạ Ngọc Tấn kết bài.
Chung Hoàng