Ngày 31/8/2023, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước thông tin một tàu cá Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết:

Các cơ quan chức năng Việt Nam đang khẩn trương làm rõ vụ việc.

khtauca.jpg
Ảnh minh hoạ

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với các tàu cá của Việt Nam hoạt động bình thường trên biển, đe doạ đến tính mạng và an toàn cũng như gây thiệt hại về tài sản và lợi ích của ngư dân, trái với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Theo đó, tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp như đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án và các tổ chức khu vực và quốc tế hoặc bất kỳ biện pháp hòa bình nào khác do các bên tự lựa chọn. UNCLOS năm 1982 đã tái khẳng định tinh thần của nguyên tắc này, đồng thời khéo léo kết hợp các biện pháp hòa bình để tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc thù của các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Theo đó, UNCLOS năm 1982 dành ưu tiên cho những thỏa thuận về các biện pháp giải quyết tranh chấp mà các bên đã thống nhất từ trước. Nếu không tồn tại thỏa thuận sẵn có về biện pháp giải quyết tranh chấp, UNCLOS năm 1982 yêu cầu các bên đàm phán trực tiếp thông qua quy định trao đổi quan điểm là một biện pháp bắt buộc. Bên cạnh đó, UNCLOS năm 1982 khuyến khích các bên sử dụng biện pháp hòa giải như là một lựa chọn tự nguyện nhằm tạo điều kiện cho đàm phán trực tiếp.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV