Chiều nay (1/3), Báo VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với 3 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
3 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 tham gia giao lưu với độc giả Báo VietNamNet gồm: Nguyễn Tuấn Phong (sinh năm 2005, lĩnh vực Học tập); Lê Thế Văn (sinh năm 1989, lĩnh vực An ninh trật tự) và Nguyễn Thị Thu Hoa (sinh năm 1992, lĩnh vực Kinh doanh – Khởi nghiệp).
Quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho 3 khách mời vào địa chỉ: [email protected].
Nguyễn Tuấn Phong
Nguyễn Tuấn Phong (sinh năm 2005, quê Bắc Ninh) là sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá của ĐH Bách khoa Hà Nội. Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh được biết tới là học trò đầu tiên của tỉnh giành Huy chương Vàng quốc tế. Trước đó, Phong cũng “bỏ túi” loạt thành tích ở môn Vật lý tại các cuộc thi quốc gia và khu vực.
Với những thành tích xuất sắc trong học tập, Tuấn Phong được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2023. Hiện Phong ấp ủ ước mơ giành được học bổng để theo học tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Thu Hoa
Cô gái dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa được biết tới là CEO Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hoa lập gia đình. Dù đã làm đủ mọi việc nhưng chị vẫn không thấy nghề nào phù hợp. Sau đó, Hoa nhận ra người Mường ở Thanh Sơn (Phú Thọ) quê mình có món thịt chua khá hấp dẫn nhưng chưa nhiều người biết đến. Vì thế, chị quyết định khởi nghiệp với món thịt chua – một đặc sản của quê hương.
Năm 2022, cô gái dân tộc Mường giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp cấp quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng năm, chị cũng đạt giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng.
Lê Thế Văn
Lê Thế Văn (sinh năm 1989), công tác tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an với vai trò trực tiếp tham gia nắm tình hình hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ; kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của đất nước.
Với những đóng góp của mình, năm 2023, anh nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân năm 2023; Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 03 năm liên tục 2020, 2021, 2022.
Trong 2 năm 2022-2023, anh nhận 4 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu.
Giới thiệu khách mời
Nguyễn Thị Thu Hoa
CEO Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods
Lê Thế Văn
Công tác tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an
Nguyễn Tuấn Phong
Sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá của ĐH Bách khoa Hà Nội
tất cả câu hỏi
Tình yêu với môn Vật lý của Phong bắt đầu từ khi nào và được em nuôi dưỡng ra sao?
Nguyễn Tuấn Phong
- Kể từ khi tham gia vào đội tuyển Vật lý, em càng thêm yêu thích môn học này. Đặc biệt, mỗi lần được vào phòng thí nghiệm của trường, em thích mày mò và nghịch các bộ thí nghiệm điện. Em luôn tự hỏi những câu hỏi đơn giản như “Tại sao ma sát lại tạo ra điện?”. Em không ngờ, môn Vật lý lại có nhiều điều thú vị đến thế.
Đến khi bắt đầu tham gia các cuộc thi nhỏ của trường hay làm các bài kiểm tra hàng tháng và đạt được những thành tích nhất định, em thấy mình có khả năng học môn này. Từ đó, em càng học say mê.
Bạn có chia sẻ thời gian đầu phải tìm tòi, thử nghiệm và từng phải thử đi thử lại nhiều lần, thậm chí có giai đoạn rất nhiều sản phẩm hỏng phải bỏ đi. Bạn có thể chia sẻ rõ hơn thời gian đầu bạn đã phải tìm tòi, thử nghiệm về điều gì khi sản phẩm vốn đã có sẵn công thức (Nguyễn Trung, 55 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội).
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Thịt chua vốn có từ lâu đời của dân tộc Mường, tuy nhiên trước đây sản phẩm này mới chỉ được tạo ra một cách nhỏ lẻ, chưa có công thức cụ thể mà chỉ bằng kinh nghiệm áng chừng. Để sản xuất hàng loạt mà vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng cũng như ổn định về chất lượng của sản phẩm này, em đã phải mất nhiều thời gian tìm tòi và thử nghiệm.
Thời gian đầu, em chỉ làm thủ công bằng áng tay và bán lẻ từ 20-30 hộp mỗi ngày. Khi khách hàng trải nghiệm ăn thử, đã cho nhiều phản hồi khác nhau về hương vị, độ mặn nhạt... Cũng vì có những trải nghiệm khác nhau đó, người thì tiếp tục ủng hộ, nhưng cũng có một số không mua lại. Thậm chí, có những người còn bày tỏ thái độ tiêu cực và “một đi không trở lại”.
Từ những phản hồi tích cực, lẫn những ý kiến còn chưa hài lòng càng khiến em thêm quyết tâm phải tìm ra được một công thức chuẩn.
Thời gian từ lúc bắt đầu nảy sinh ý tưởng cho đến khi chốt công thức cuối cùng, em đã phải thử nghiệm vài chục công thức (tỷ lệ, thời gian, nhiệt độ ủ thịt) khác nhau, nhiều lần và quá trình này kéo dài gần 1 năm. Có những lần thử nghiệm, dù sắp công thức, nhưng vì sự nóng vội, sản phẩm hỏng và em phải bắt đầu lại từ đầu.
Được biết Phong từng muốn học sâu về môn Toán nhưng không thành công trong kỳ thi chọn đội tuyển của trường. Em có thể chia sẻ cảm xúc lúc đó và động lực nào khiến em đứng lên bước tiếp?
Nguyễn Tuấn Phong
Năm lớp 6, em tham gia đội tuyển bồi dưỡng Toán của trường để tạo nguồn học sinh giỏi. Tuy nhiên, đến lớp 7, em không lọt được vào top 12 bạn của đội tuyển Toán. Khi ấy, em cũng khá buồn và thất vọng.
Nhưng lúc đó em mới chỉ là học sinh lớp 7, còn chặng đường dài phía trước để tiếp tục học tập. Bên cạnh môn Toán, em nhận thấy còn các môn Khoa học tự nhiên khác cũng rất thú vị. Chính thầy giáo Vật lý đã định hướng và khơi gợi tình yêu môn học này trong em. Em chính thức theo đuổi môn Vật lý từ lúc ấy.
Bắt đầu muộn hơn các bạn, em cũng phải cố gắng để bắt kịp. Lúc đầu khá khó khăn vì các bài học lúc đó đã nâng cao hơn so với kiến thức trên lớp. Đôi lúc kiến thức mới khá khó hiểu, nhưng nhờ sự trợ giúp của thầy và các bạn, em đã vượt qua được và dần đạt những kết quả đầu tiên.
Tôi có con chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và rất yêu thích ngành công an. Cháu mong muốn thi ngành An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Học viện An ninh nhân dân. Tôi băn khoăn ngành này có đòi hỏi phải hiểu biết nhiều về công nghệ không và cơ hội việc làm ra sao, mong anh giải đáp giúp.
Lê Thế Văn
- Ngành làm việc này yêu cầu cán bộ, chiến sĩ công an hiểu sâu về công nghệ, kỹ thuật để biết rõ về mánh khoé của đối tượng, đưa ra hướng xử lý. Nếu muốn theo học, các em học sinh nên tìm hiểu sớm, tự trang bị kiến thức cơ bản về CNTT, không để bản thân và gia đình bị lừa, tránh được những mánh khoé lừa đảo trên mạng. Các em cần biết phân biệt tin giả, xây dựng kiến thức về xã hội trên nền tảng học tập tại trường THPT.
Khi theo học chuyên ngành này, các em sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về an toàn bảo mật thông tin, các kiến thức chuyên sâu về tội phạm mạng, an ninh mạng.
Mạng xã hội ngày càng phát triển, các hình thức tội phạm mạng ngày càng phong phú, tinh vi, cần có lực lượng cán bộ, chuyên viên có kiến thức sâu rộng, có bản lĩnh để điều tra, xử lý. Do đó, ngành An ninh mạng rất cần các bạn trẻ cống hiến, đồng nghĩa với việc rất nhiều cơ hội nghề nghiệp đang mở rộng.
Anh và gia đình đã bao giờ bị lừa trên không gian mạng chưa và cách xử lý ra sao ạ?
Lê Thế Văn
Tôi chưa từng bị lừa trên không gian mạng nhưng đã có một số bạn bè và người thân từng mắc bẫy của những đối tượng này. Tôi thường khuyên mọi người lưu giữ lại các chứng cứ, các màn hình giao dịch. Khi phát hiện bị lừa, nạn nhân ngay lập tức báo với cơ quan công an gần nhất để ghi nhận sự việc. Tôi luôn dặn người thân, bạn bè phải chủ động trang bị kiến thức, tỉnh táo trước những thông tin bất thường như những món lợi mà đối tượng đưa ra tránh tình huống xấu.
Em là một học sinh THCS, rất thích môn Vật lý và mong muốn được dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế giống như anh. Vậy bây giờ, em nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào để theo đuổi môn học này để đạt tới đỉnh cao như anh ạ?
Nguyễn Tuấn Phong
- Để được tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế, em cần chia nhỏ hành trình và đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn. Trước hết, em hãy cố gắng tham gia vào đội tuyển của trường/huyện/tỉnh để cọ xát, lấy kinh nghiệm và có được những nền tảng ban đầu. Vào cấp 3, em hãy cố gắng thi vào các trường chuyên của tỉnh/ thành phố bởi đây là “cái nôi” giúp mình phát huy khả năng.
Với những môn tự nhiên như Vật lý, mình cần phải nắm rõ bản chất của vấn đề. Nếu chỉ chăm chăm giải quyết mà không tự đặt ra các câu hỏi như “Tại sao lại như thế?", "Có thể phát triển lên được không... mình sẽ chỉ giải được những bài tương tự. Cho nên, em hãy thử chứng minh những định luật, định lý để hiểu rõ hơn thay vì chỉ áp dụng nó.
Sau cùng, em cần phải giữ được sư đam mê, cố gắng, chăm chỉ. Trên hành trình “chạm tay” tới huy chương, chắc chắn sẽ có những lúc em cảm thấy nản chí, mệt mỏi, nhưng những lúc như thế, hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu để tiếp tục cố gắng.
Cơ duyên nào để anh trở thành một chiến sĩ công an công tác ngành An ninh mạng và phòng chống tội phạm như hiện nay?
Lê Thế Văn
- Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã lựa chọn ngành CNTT của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tại đây, tôi được học nhiều kiến thức về an toàn thông tin, mật mã... Điều này giúp tôi có niềm yêu thích và đào sâu tìm hiểu về lĩnh vực này.
Sau khi tốt nghiệp đại học, biết Bộ Công an đang tuyển dụng cán bộ ngành An ninh mạng, tôi đã quyết tâm nộp hồ sơ và vượt qua các vòng thi tuyển, trở thành Thiếu uý chuyên lĩnh vực an ninh mạng. Càng làm việc tôi càng cảm thấy hứng thú, yêu thích và muốn gắn bó lâu dài với công việc này.
Rất hiếm học sinh đạt giải quốc tế lựa chọn ở lại Việt Nam học đại học. Lý do vì sao Phong lại quyết định ở lại trong nước, theo học tại Bách khoa thay vì đi du học như các bạn khác?
Nguyễn Tuấn Phong
- Thời điểm sau khi tốt nghiệp THPT, em cảm thấy vẫn chưa sẵn sàng với việc đi du học. Em lựa chọn Bách khoa vì đây là ngôi trường “có tiếng” trong lĩnh vực Kỹ thuật mà em mong muốn theo đuổi. Em nghĩ rằng quãng thời gian học tại đây sẽ giúp em có được những nền tảng thuận lợi cho việc phát triển khả năng chuyên môn sau này.
Với thành tích của Phong, chắc hẳn có thể lựa chọn vào những ngành "hot" nhất bây giờ, chẳng hạn Công nghệ thông tin. Lý do vì sao em lại không chọn ngành này? Em có lời khuyên gì cho những bạn đang băn khoăn nên lựa chọn ngành học "hot" hay ngành học mình yêu thích hay không?
Nguyễn Tuấn Phong
- Năm 2023, khi giành huy chương trong cuộc thi quốc tế, em được tuyển thẳng vào các trường đại học trong nước. Nhiều người cũng khuyên em nên học Công nghệ thông tin vì đây đang là ngành "hot", có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Tuy nhiên, em muốn phát triển theo thế mạnh và niềm đam mê của mình hơn là những thứ liên quan đến kỹ thuật. Vì thế, ngành em lựa chọn là Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá. Đây cũng là một ngành “top” của Bách khoa.
Em nghĩ các bạn nên cân bằng giữa việc lựa chọn ngành học "hot" và ngành học yêu thích. Nếu chọn ngành "hot" nhưng không yêu thích và không phải là thế mạnh cũng khó gắn bó lâu bền. Ngược lại, nếu chọn ngành mình yêu thích nhưng không phù hợp với khả năng thì cũng không thể phát triển và có sự thăng tiến trong công việc.
Do đó em nghĩ các bạn trước hết nên liệt kê ra danh sách những ngành học mình yêu thích và có năng lực, sau đó xem những ngành nào phù hợp với sự phát triển của xã hội, từ đó có thể đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp nhất.
Anh Phong có dự định xin học bổng ở trường nào để học tiếp sau đại học chưa ạ? Nếu có, anh sẽ tiếp tục theo học ngành kỹ thuật chứ ạ?
Nguyễn Tuấn Phong
- Sau khi tốt nghiệp đại học, anh dự định sẽ tìm học bổng tiến sĩ tại một trường châu Âu. Lĩnh vực anh mong muốn theo đuổi chắc chắn vẫn là ngành kỹ thuật.
Là người trực tiếp xử lý các vụ án liên quan đến an ninh mạng, mỗi khi người dân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt số lượng lớn tiền với những chiêu trò lừa đảo khác nhau, cảm xúc của anh như thế nào?
Lê Thế Văn
- Có những trường hợp cụ thể khiến tôi cảm thấy khá buồn và bức xúc như mình mới là người trong cuộc. Nhiều người vì thiếu hiểu biết và lòng tham nên bị lừa một số tiền rất lớn, có thể là tiền chữa bệnh, tiền lương hưu hoặc tiết kiệm tích góp cả đời. Hoặc có những bé gái chưa thành niên, không đủ kiến thức kinh nghiệm để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua mạng khiến các em gặp bế tắc về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Chào Hoa, tôi năm nay 40 tuổi, không biết khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, bối cảnh thị trường các sản phẩm tương tự này như thế nào rồi?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Lúc em bắt đầu khởi nghiệp, ở huyện Thanh Sơn - Phú Thọ đã có không ít hộ dân tự làm và bán nhỏ lẻ, một số đã có tiếng nhất định trong huyện. Có những hộ đã sản xuất và bán được đến 200 kg thịt (khoảng 800-1000 hộp) mỗi ngày. Lúc nào em cũng nghĩ đến làm thế nào để một ngày mình có thể sản xuất được nhiều như vậy. Thậm chí, khi đó mẹ em còn can “thôi con ơi, đó là chuyện viển vông, cứ tập trung vào lo cơm áo gạo tiền là được”.
Bắt tay vào phát triển thị trường, em mới biết rằng thịt chua là món ăn còn quá mới mẻ với mọi người.Không biết rõ thị trường trên cả nước diễn biến như thế nào nhưng chỉ những người dân ở huyện Thanh Sơn và một số huyện lân cận biết đến món ăn này. Ngay như ở TP Việt Trì, rất ít người biết đến món thịt chua.
Thời gian đầu, để bán được hàng, em luôn phải mất rất nhiều thời gian để giải thích “thịt chua” là gì. Việc này đã khó, việc để người ta tin rằng thịt chua an toàn và nhớ đến thương hiệu của mình lại còn khó hơn.
Tính mới trong ý tưởng khởi nghiệp của bạn là gì, đâu là điểm bạn nghĩ có thể cạnh tranh lúc đó? (Trần Hùng, 40 tuổi).
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Có thể nói, tính mới trong ý tưởng khởi nghiệp của em gồm 3 điểm: sản phẩm, cách bán hàng, truyền thông.
Về sản phẩm, thông thường thịt chua chỉ bảo quản được từ 5-7 ngày. Còn sản phẩm của em, sau khi cải tiến, ngoài việc giữ được chất lượng ổn định, mà còn bảo quản được 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh dù không cần đến chất bảo quản. Điều này giúp cho chúng em mở rộng được hệ thống đại lý, bởi đơn giản, càng dễ bảo quản thì các đại lý càng muốn nhập sản phẩm của mình.
Về cách bán hàng, em thấy nếu chỉ một mình bán thì dù có giỏi đến mấy, thì giỏi lắm mỗi ngày cũng chỉ bán được từ 200-400 hộp. Vì vậy, em đã thay đổi cách thức bán hàng, bằng việc mời nhiều nhà phân phối, thương lái cùng tham gia bán hàng. Em cũng đưa ra mức chiết khấu 20-30% tiền thu được từ doanh số.
Về truyền thông, có thể nói đây là yếu tố chiếm một nửa thành công của em ngày hôm nay. Em là người đầu tiên trong “làng thịt chua” thực hiện việc in tem màu để dán lên các hộp thịt cho bắt mắt. Rồi em tìm cách đặt thêm biển hiệu quảng cáo mặt hàng của mình tại các điểm bán, đại lý. Lúc đó, đã có những người bảo em “làm màu”, “không biết bán được bao nhiêu mà biển với hiệu”. Thời điểm đó, có thể nói, em cũng là một trong số những người đầu tiên đưa thông tin về thịt chua lên mạng để thuận tiện cho khách hàng tìm hiểu.
Anh có thể cho biết một số hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng hiện nay không? Các đối tượng ở Việt Nam hay nước ngoài?
Lê Thế Văn
- Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng vô cùng đa dạng. Chúng có thể ở Việt Nam, nhưng gần đây chuyển hướng hoạt động sang nước ngoài, dùng thủ đoạn thuê người Việt sang nước ngoài để thực hiện những hành vi lừa đảo người dân trong nước. Điều này khiến cơ quan điều tra rất khó xử lý, cần sự phối hợp với cơ quan pháp luật bên nước bạn hoặc tổ chức quốc tế.
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là đánh vào lòng tham của người dân, hoặc tâm lý e sợ phải dính đến pháp luật. Chẳng hạn, chúng giả danh thành các cán bộ công an, kiểm sát viên, những người có chức vụ, thẩm quyền để dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền. Sau khi lấy được tiền, chúng ngay lập tức chuyển số tiền này đến các tài khoản khác hoặc dùng để mua tiền ảo để gây khó khăn trong công tác truy tìm của công an.
Ngoài ra, có những đối tượng xây dựng tài khoản không có thật, sử dụng thông tin và hình ảnh của người khác để lừa người quen của chính chủ. Lại có những đối tượng kiếm tiền online, thu hút sự chú ý của người dân bằng cách tung tin giả, tăng tương tác cho các kênh mạng xã hội… Mục đích tư lợi nhưng gây ảnh hưởng rất lớn khi khiến người dân hiểu sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, rối loạn trật tự công cộng. Ví dụ trong đợt dịch Covid-19, nhiều fanpage bán quần áo lại lan truyền tin giả về các điểm dịch gây hoang mang, khiến công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Phức tạp hơn, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, đối tượng đưa ra thông tin sai lệch về đường lối chính sách, thông tin về các lãnh đạo.. để chống phá Đảng, Nhà nước. Lúc này, ngoài cán bộ công tác tại lĩnh vực an ninh mạng, chúng tôi cần rất nhiều sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khác để điều tra, xử lý.
Anh Phong ơi, từng trải qua các kỳ thi quốc tế, anh đánh giá việc giành huy chương ở cuộc thi châu Á hay quốc tế sẽ khó hơn ạ? Anh có bí quyết gì để đạt thành tích cao trong các cuộc thi này không ạ?
Nguyễn Tuấn Phong
- Đối với cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, độ khó của kỳ thi ngoài các kiến thức vật lý còn yêu cầu thêm kỹ năng xử lý toán học và thường được đánh giá khó hơn kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.
Ngoài ra, quy tắc xét giải của kỳ thi châu Á cũng khác với kỳ thi quốc tế vì có sự tham chiếu với kết quả của 3 học sinh đạt điểm cao nhất.
Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lại hướng đến tư duy vật lý nhiều hơn và giải thưởng dựa vào tỷ lệ % số học sinh, chẳng hạn 8% học sinh đầu bảng sẽ giành được Huy chương Vàng.
Muốn đạt thành tích cao trong các kỳ thi này, em hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng, rèn khả năng chịu áp lực và tâm lý phòng thi vì những kỳ thi này thường kéo dài suốt 5 tiếng, cần sự tập trung tối đa.
Ngoài ra, trong quá trình làm bài, cần phải trình bày càng rõ ràng các bước làm càng tốt. Cho dù không đi đến được kết quả cuối cùng, ban giám khảo vẫn chấm điểm các bước em đã làm.
Ở phần thực hành, em cần tuân thủ các bước, cẩn trọng trong đo đạc, số liệu rõ ràng, sạch sẽ, ưu tiên phần dễ để lấy điểm, làm phần nào chắc phần đó, không “nhảy” bài hay “fake” số liệu.
Anh có lời khuyên gì cho giới trẻ hiện nay khi sử dụng mạng xã hội không?
Lê Thế Văn
- Mạng xã hội phát triển có thể gây ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực cho người dùng. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ rất năng động, thông minh, có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức rộng lớn trên không gian mạng. Nếu các bạn biết trau dồi bản lĩnh, nghiêm túc trang bị kiến thức và có thái độ đúng đắn thì càng tiếp nhận được nhiều lợi ích mà mạng xã hội đem lại. Tuy nhiên, nếu không chịu đầu tư, rèn luyện, tư tưởng thụ động thì sẽ dễ bị mạng xã hội ảnh hưởng xấu, bị các đối tượng xấu lôi kéo, hình thành tư duy sai lệch.
Chào chị Hoa, em là một người trẻ đến từ Hà Tĩnh. Em muốn hỏi ngày trước chị có học các môn văn hóa giỏi không? Chứ em thấy giờ nhiều anh chị học xong đại học ra thất nghiệp chứ chưa nói đến khởi nghiệp. Chị có tư vấn cho em gì không trong việc lựa chọn con đường học hay lao vào kinh doanh ngay từ khi còn trẻ?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Chị rất vui về câu hỏi này từ một người trẻ. Thực tế, ngày học phổ thông, chị không phải là một học sinh giỏi, chỉ là một học sinh rất bình thường trong lớp. Nhưng em thấy đấy, khả năng học các môn văn hóa có lẽ cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến tư duy khởi nghiệp, khả năng kinh doanh của mỗi người.
Tuy nhiên, sau này, khi nhìn lại, chị thấy rằng những kiến thức mình học được có thể giúp mình vận dụng vào nhiều tình huống, vấn đề trong cuộc sống và ngay cả trong hành trình khởi nghiệp và kinh doanh. Ngay bản thân chị và cả những nhân viên, người đồng hành của chị giờ đây vẫn đang tiếp tục học mỗi ngày, chỉ khác ở hình thức và cách thức học, bổ sung kiến thức mà thôi.
Về việc lựa chọn con đường học hay lao vào kinh doanh ngay từ khi còn trẻ sẽ không có một tư vấn mang tính tuyệt đối. Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của cá nhân và gia đình em.
Do đó, việc đầu tiên em cần xác định rõ mục tiêu hướng đến của mình là gì, đặc biệt cần làm tốt vai trò ở thời điểm hiện tại.
Còn nếu muốn thử sức mình ở lĩnh vực kinh doanh, em có thể vừa học vừa làm nhưng vẫn phải đảm bảo không ảnh hưởng quá nhiều đến nhiệm vụ chính lúc này là việc học. Hãy nhớ một điều, khi chúng ta dành sự tập trung, thời gian và sức lực đúng nghĩa vào việc gì thì nó đều mang lại kết quả, bài học nhất định và ngược lại.
Khi tham gia các cuộc thi, lúc làm bài, Phong có đặt ra nguyên tắc nào cho mình để hoàn thành tốt các phần thi không?
Nguyễn Tuấn Phong
- Với mỗi cuộc thi, em đều có các chiến lược cụ thể. Chẳng hạn, nếu mục tiêu muốn đạt giải Nhất, Nhì, em thường cố gắng xử lý tất cả các câu hỏi trong bài thi, dù đúng hay sai vẫn sẽ cố gắng làm hết.
Ngược lại, có một số cuộc thi, em lại cố gắng làm phần dễ để kiếm điểm, làm đến đâu chắc đến đó trước khi làm tới những phần khó hơn.
Em thường làm mỗi bài ra một tờ giấy riêng. Khi làm xong hết phần dễ của bài này, nếu còn thời gian, em sẽ dễ dàng quay lại hoàn thiện nốt những phần khó mà trước đó chưa hoàn thành.
Em được biết anh có rất nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trên không gian mạng. Theo anh, yếu tố nào giúp anh đạt được những thành công nhất định trong công việc?
Lê Thế Văn
- Tôi vinh dự được công tác ở lĩnh vực yêu thích, đúng chuyên môn, vì thế được làm việc với niềm say mê, hứng khởi. Điều may mắn là tôi có được sự chỉ bảo tận tình của các lãnh đạo và đồng nghiệp đi trước, nhờ đó mà học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Các lãnh đạo luôn tạo cơ hội cho chúng tôi được phát huy khả năng của mình. Không chỉ tôi mà các anh em đồng nghiệp đều cố gắng sử dụng năng lực chuyên môn để đóng góp, cống hiến cho đất nước. Khi nhận được nhiệm vụ, chúng tôi luôn giữ thái độ nghiêm túc, tập trung hết mình để đạt hiệu quả công việc tốt nhất.
Trong quá trình làm ra được sản phẩm cuối cùng như ngày hôm nay, khó khăn nào là lớn nhất mà Hoa đã từng phải trải qua?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Khó khăn lớn nhất có lẽ là giai đoạn đầu khởi nghiệp. Lúc đó, tôi không vốn, không kinh nghiệm, không người định hướng. Có thể nói, tất cả đều là con số 0. Với một cô gái lúc đó mới chỉ 18 tuổi, mọi việc đều mới mẻ và đầy áp lực. Thời gian đầu vào việc, tôi còn nghĩ tại sao mình làm gì cũng sai, việc nào cũng khó. Nhưng cái chính là tôi đã vượt qua được chính mình và dám hành động. Tôi gặp rất nhiều vấn đề, nhưng càng vì thế càng phải tìm giải pháp. Cứ khi nghĩ ra một hướng giải pháp nào, dù chỉ dám chắc ít phần trăm đúng hướng, tôi vẫn thực hiện và quyết tâm tìm ra phương án giải quyết đến cùng trước khi bỏ cuộc.
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong hành trình khởi nghiệp của Hoa?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Kỷ niệm khó khăn nhất với tôi vào năm 2018- giai đoạn có thể coi là “đỉnh vinh quang, thành công” trong 8 năm đầu khởi nghiệp của em.
Năm đó, em đầu tư toàn bộ vốn liếng và vay ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, xe hàng đông lạnh... Thế nhưng, chỉ sau mấy tháng, trận lũ lịch sử ở huyện Thanh Sơn đã nhấn chìm toàn bộ cơ đồ đó cùng hàng hóa.
Thiệt hại lên đến gần 10 tỷ đồng. Lúc đó, em vừa buồn vừa nản chí. Tuy nhiên, nhìn nhân viên của mình càng thương hơn. Cứ đi vào nhà xưởng, thấy nhân viên, nghĩ đến đồng lương của họ, em lại rớt nước mắt. Nghĩ vậy, em không cho phép mình được buồn, được nản nữa để động viên, thúc giục mọi người cùng nhau sản xuất để khắc phục thiệt hại.
Cho tôi hỏi: bạn tên là Hoa, dân tộc Mường, tại sao lại đặt tên Công ty “Trường Foods”?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Tôi khởi nghiệp từ năm 2010, sau đó 5 năm, tức là năm 2015 mới thành lập Công ty CP Sản xuất và thương mại Trường Foods.
Cái tên này chỉ đơn giản là: “trường” với mong muốn sự phát triển trường tồn, “foods” là thực phẩm. Tôi mong muốn có một thương hiệu thịt chua trường tồn.
Chị Hoa ơi, em cũng rất muốn thử một lần khởi nghiệp. Khởi nghiệp có tốn nhiều tiền không ạ? Để khởi nghiệp, ban đầu chị bỏ ra bao nhiêu tiền? Em rất lo lắng, nếu không thành công thì mình phải làm sao? (Lê Thanh, Nam Định)
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Như câu chuyện của chị, việc khởi nghiệp không phải lúc nào cũng phải mất nhiều tiền. Cơ bản, em có thực sự quyết tâm với hai từ “khởi nghiệp” hay không mà thôi. Chuyện khởi nghiệp của chị, ban đầu chỉ từ vài kg thịt (cười).
Muốn khởi nghiệp thì việc đầu tiên em phải dám làm, thoát được tư duy sợ thất bại. Hành động đi, đúng thì mình sẽ nhận kết quả, sai thì em sẽ có những bài học cho riêng mình ở những hành trình tiếp theo.
Theo bạn, nên chọn những công việc gì để khởi nghiệp và nên khởi nghiệp theo những tiêu chí nào để dễ thành công?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Việc khởi nghiệp không phải chỉ đến từ những công việc hay ý tưởng to lớn mà có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Như với cá nhân tôi thì đó là thịt chua - một sản phẩm quen thuộc của dân tộc, địa phương mình.
Bạn có thể nhìn nhận lại điểm mạnh, kinh nghiệm của chính bản thân là gì và có thể khởi nghiệp ngay từ những thế mạnh đó.
Hoa có thể cho biết hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới? (Ngọc Long, Hòa Bình)
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất thêm những sản phẩm cùng kênh phân phối của mình như nem chua, xúc xích...
Hoa có thể chia sẻ dự định trong tương lai gần? Liệu bạn có định ra mắt thêm những dòng sản phẩm mới?
Nguyễn Thị Thu Hoa
- Chúng tôi sẽ phát triển thêm dòng sản phẩm thịt chua cao cấp làm từ thịt lợn mán - đặc sản của dân tộc Mường (hiện nay thịt chua đang được làm từ thịt lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP).
Đồng thời, tôi muốn mở rộng quy mô công ty và hệ thống nhà phân phối để tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cũng như việc làm cho người dân trong và ngoài địa phương.