- Đảng Cộng hòa đang rối loạn từ bên trong và điều đau khổ hơn là họ không biết làm sao để kiềm chế con “mãnh thú” mà chính họ đã tạo ra, có tên Donald Trump.
Mỗi một tuyên bố trắng trợn Trump lại tăng điểm
Diễn biến cuộc đua vào Nhà Trắng tại Hoa Kỳ năm nay không thể kịch tính hơn. Ứng cử viên “sáng giá” nhất của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, dường như “miễn dịch” đối với tất cả các hiệu ứng tiêu cực do các phát ngôn của ông này đưa ra.
Ông ta gọi người Mỹ gốc Mehico là đầu trộm đuôi cướp, đòi xây bức tưởng kiên cố giữa biên giới Mỹ và Mehico để chống nhập cư trái phép, và rằng sẽ “bắt Mehico trả tiền cho bức tường này”; công khai kêu gọi quân đội Mỹ bỏ bom rải thảm giết hết không những phiến quân Hồi giáo mà tất cả gia đình họ già trẻ lớn bé không trừ một ai; ông ta nhất định không chịu chối bỏ sự ủng hộ của Hội kín KKK (1), là một tổ chức khủng bố mà chính quyền liên bang Mỹ đã liệt vào dạng tội phạm.
Cứ mỗi lần Donald Trump đưa ra một tuyên bố trắng trợn như Hitler thời 1930, điểm của ông ta lại tăng lên. Gần đây nhất, một trong số những trợ thủ đắc lực của Trump là Jerry Delemus (2) đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI bắt giữ với nhiều tội danh, mà trong đó tội đầu tiên là “Âm mưu chống lại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.” Đảng Cộng hòa đang rối loạn từ bên trong và điều đau khổ hơn là họ không biết làm sao để kiềm chế con mãnh thú mà chính họ đã tạo ra, có tên Donald Trump.
|
Hillary Clinton miễn dịch trước tai tiếng
Bên phía Đảng Dân chủ, tình hình không kém phần gay cấn. Mới hơn một năm trước, Hillary Clinton gần như đã chạm tay vào chiếc mũ miện mà đảng này sẵn dành cho bà, nếu như Thượng nghĩ sỹ vô danh Bernie Sanders không xuất hiện, đột ngột như từ trên trời rơi xuống.
H. Clinton là người nổi tiếng và đầy quyền lực trong chính trường Mỹ, nhưng cũng không ít tai tiếng. Từ việc bà bị Đảng Cộng hòa trù dập vì đề xuất cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho toàn bộ dân Mỹ ngay từ những năm bà làm đệ nhất phu nhân, tới việc bà phải điều trần trước một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ để giải thích vụ đình đám ở Benghazi (Libya) khiến Đại sứ Mỹ tại nước này thiệt mạng.
Tuy nhiên, cũng như Trump, gần như H. Clinton hoàn toàn miễn dịch trước những tai tiếng. Nhưng lần này vụ điều tra của FBI về việc bà cựu Bộ trưởng Ngoại giao Clinton vi phạm nguyên tắc bảo mật trong việc dùng email có thể khiến cho chiếc vương miện tuột khỏi tay bà. Cũng như Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ đang làm mọi cách để cứu vớt nữ hoàng của họ, cũng như để “cuộc cách mạng chính trị” (3) mà Bernie đang dẫn đầu không đưa đến những hệ lụy họ không lường trước được.
Chính trường sinh-tử
Cho đến thời điểm hiện tại, Trump vẫn đang dẫn đầu bên phía Đảng Cộng hòa, bỏ xa ứng viên ở vị trí số 2 là Ted Cruz và số 3 là Marco Rubio. Vấn đề nghiêm trọng đối với Đảng Cộng hòa là họ không thích cả Trump lẫn Cruz.
Trump là đại diện cho tất cả những gì xấu xa nhất của Đảng này: Phân biệt chủng tộc, bảo thủ cực đoan, và hiếu chiến quân sự. Sau hàng thập kỷ tuyên truyền (dù với ngôn ngữ được đánh bóng cho mỹ miều) sự thù địch giữa các chủng tộc, chống phụ nữ, chống người đồng tính, chống các tôn giáo khác…, Đảng Cộng hòa đã tạo điều kiện cho sự nổi tiếng của Trump. Gieo gió gặt bão.
Còn Cruz được mệnh danh là “người được toàn bộ Washington căm ghét” – không hẳn vì đường lối chính trị của ông ta mà vì tính cách nhỏ nhen và đáng ghét. Ngoài ra, giới chóp bu của đảng Cộng hòa đã nhìn thấy trước một cuộc kiện cáo kéo dài vào phức tạp về sự “chính danh” của Cruz nếu ông này được đề cử: liệu ông ta có phải là công dân Mỹ để đủ điều kiện làm tổng thống khi mà ông ta sinh ra ở Canada. Mặc dù có mẹ là người Mỹ, hiện tại vẫn chưa rõ ràng liệu mẹ ông ta có còn giữ quốc tịch Mỹ vào thời điểm sinh ra Cruz.
Do đó, Marco Rubio là niềm hi vọng sáng giá nhất của đảng này, nhưng tình hình không hề sáng sủa khi mà trong cuộc bầu cử ngày Thứ ba Trọng đại (Super Tuesday) hôm 1/3 Rubio chỉ thắng trong một bang là Minnesota.
Lãnh đạo Đảng Cộng hòa vô cùng lo lắng về khả năng Trump trở thành người đại diện cho Đảng này, bởi hai lý do. Thứ nhất, không ai biết Trump sẽ đưa đảng này đi theo đường nào. Trump, nói theo ngôn ngữ dân dã, là “thằng trọc đầu”; ông ta tự dùng tiền và bộ máy truyền thông của ông ta để quảng bá và vận động tranh cử – do đó không ai trong Đảng Cộng hòa có thể gây sức ép. Thứ hai, rất khó có khả năng Trump thắng cử trong cuộc đấu với ứng viên Đảng Dân chủ, trừ khi ứng viên Đảng Dân chủ là… Hillary Clinton.
Nếu như công chúng chỉ theo dõi các kênh truyền thông lớn ở Mỹ như CNN, ABC, NBC, CBS, người ta sẽ không cảm nhận được sự bấp bênh mà cự ngoại trưởng Clinton đang phải đối mặt trong cuộc đua này (cũng dễ hiểu bởi chủ sở hữu các kênh này đều đóng góp hàng trăm nghìn đô-la cho bộ máy vận động tranh cử của bà Clinton).
Ít người biết rằng trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến tại Mỹ trong nhiều tháng qua, bà đều thua điểm Trump, Cruz, thậm chí cả Rubio; không phải là thua 1-2 điểm mà có khi thua trên 10 điểm. Nếu như có lãnh đạo nào phía Dân chủ bị Đảng Cộng hòa ghét bỏ hơn Obama và sẵn sàng làm mọi cách, kể cả các độc chiêu bẩn thỉu nhất để bôi nhọ, thì người đó chỉ có thể là H. Clinton.
Chỉ cần nhìn vào cuộc điều trần kéo dài 11 tiếng đồng hồ hồi tháng 10 năm ngoái trước Quốc hội Hoa Kỳ mà phía Cộng hòa dựng lên nhằm hạ bệ H. Clinton thì sẽ thấy rõ. Benghazi là sự việc nghiêm túc; việc cá nhân và riêng tư như vụ lộn xộn của Bill Clinton với cô thực tập sinh Monica Lewinsky lúc ông còn tại chức chắc chắn cũng sẽ trở thành mục tiêu cho các trò bàn tán. H. Clinton không những bị cử tri Cộng hòa ghét bỏ, mà cử tri “độc lập” (những người không theo đảng phái nào, hoặc đảng xanh) cũng không ưa gì.
Họ cho rằng các phát ngôn của H. Clinton chỉ vì động cơ chính trị - bà sẵn sàng thay đổi lập trường miễn là thấy có lợi cho mình. Ví dụ, trong các cuộc tranh luận gần đây, bà tuyên bố là sẽ thắt chặt hoạt động của thị trường chứng khoán và các ngân hàng lớn vì họ là nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế.
Nhưng trong các cuộc gặp riêng với các đối tượng này thì lại biểu dương họ và đổ lỗi cho người dân Mỹ khi hàng triệu người mất nhà và mất việc.
Nên nhớ rằng các tập đoàn trả cho H. Clinton khoảng 300 nghìn đô-la cho mỗi lần bà này phát biểu trong 1 tiếng đồng hồ; chỉ riêng trong năm 2015, Clinton đã kiếm được hàng chục triệu đô-la từ việc “phát biểu” trong các cuộc gặp với các tỉ phủ. Khó mà tin được rằng với mức tiền này chính sách của bà cựu ngoại trưởng sẽ không chịu ảnh hưởng bởi giới tài phiệt. H. Clinton đã khen ngợi TPP không dưới 40 lần, nhưng đến giờ thì quay ra nói “phải xem xét lại.” H. Clinton kỳ thị người đồng tính, đã từng cấm người đồng tính không được kết hôn; nhưng tới giờ thì “nhất định ủng hộ.” Bà cũng đã thay đổi lập trường (ít nhất là trong tuyên bố công khai) về các vấn đề liên quan tới môi trường như đường ống dẫn dầu Keystone XL hay việc sử dụng công nghệ fracking trong khai thác dầu.
Chưa kể tới việc bà liên tục ủng hộ các cuộc can thiệp quân sự và chính trị nhằm gây đảo chính hoặc lật đổ các chính phủ ở Trung Đông và Mỹ La-tinh. Người nổi tiếng thường là tâm điểm của sự đàm tiếu, nhưng rõ ràng trong sự nghiệp chính trị của mình, bà Clinton đã tạo điều kiện thuận lợi để sự chỉ trích đối với bà chỉ tăng, không giảm.
Nhưng tất cả các vụ ì xùm trên đây không thể nghiêm trọng bằng việc bà vi phạm nguyên tắc bảo mật khi dùng emails: tự ý gửi các tài liệu mật và tuyệt mật của Bộ Ngoại giao Mỹ bằng hộp thư cá nhân của mình chứ không phải bằng hệ thống được bảo vệ nghiêm ngặt của Bộ Ngoại giao.
Mới đây nhất, FBI đã dành cho Bryan Pagliano – người lập nên hệ thống email của Clinton – “thân phận miễn trừ” (immunity) để người này có thể làm nhân chứng trong cuộc điều tra này mà không bị xử lý sai phạm. Điều đáng nói là, đây là quyết định của FBI – cơ quan đang làm việc dưới chính quyền Obama. Do đó, khác với vụ Benghazi khi mà các nghị sỹ Đảng Cộng hòa cố ý dựng chuyện chống lại H. Clinton và bôi nhọ cả Đảng Dân chủ, quyết định này của FBI cho thấy vụ việc này nghiêm trọng hơn công chúng tưởng rất nhiều. Cứ cho rằng sự việc chưa ngã ngũ khi dân Mỹ đi bầu vào tháng 11 năm nay, thì việc ra tranh chức tổng thống trong khi bị FBI điều tra là điềm vô cùng xấu đối với Clinton. Khả năng bà thua Donald Trump là hoàn toàn có thật.
Tuy nhiên, tất cả dự báo này chỉ đúng nếu H. Clinton trở thành người đại diện của Đảng Dân chủ. Cho đến thời điểm hiện tại, không ai chắc chắn được là H. Clinton sẽ đánh bại Bernie Sanders trong cuộc đua giành vị trí đứng đầu Đảng Dân chủ.
Minh Nguyệt, từ Oregon, Mỹ
---
(1) KKK là tên viết tắt của một hội kín có tên Ku Klux Klan, được thành lập từ thời nước Mỹ còn chế độ chiếm hữu nô lệ ở nhiều bang miền Nam. Sau khi tổng thống Mỹ Abraham Lincoln tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ, nhiều bang miền Nam nước Mỹ thành lập các chi nhánh của KKK để khủng bố những người da đen mới được tự do.
Thành viên của KKK thường mặc vải trắng trùm kín từ đầu tới chân, với chóp trên đầu nhọn. Người da đen và gia đình con cái họ thường bị vây ráp vào buổi tối, nhà cửa bị đốt phá, người bị tra tấn tới chết và treo cổ ở nhưng nơi công cộng, đơn giản vì phạm những “tội” như “nhìn trộm phụ nữ da trắng” hoặc chỉ vì có nước da đen. Mặc dù chính quyền liên bang Mỹ đã coi tổ chức này là một tổ chức khủng bố ngoài vòng pháp luật, tùy vào từng môi trường chính trị nước Mỹ mà KKK có mở rộng hay không.
Trong thời điểm này khi mà ứng cử viên nặng ký nhất của Đảng Cộng hòa là Trump công khai ủng hộ các biện pháp cực đoan như của Đức Quốc xã thời thế chiến thứ hai, thì mạng lưới KKK đã mở rộng và thậm chí thành viên của KKK đã ngang nhiên công khai đi tới các điểm biểu tình ủng hộ Trump.
(2) Jerry Delemus là đồng chủ tịch của hội “Cựu chiến binh ủng hộ Trump”. Ông này cũng là một lãnh đạo tầm trung của một liên minh của những người cực hữu dẫn đầu là Cliven Bundy. Nhóm này có vũ trang kỹ lưỡng, tự lập nên các điểm kiểm tra an ninh ở những vùng Trung Tây hẻo lánh của Mỹ, chiếm đất, và sẵn sàng đụng độ vũ trang với chính quyền liên bang. Năm 2014, nhóm này đã đối đầu với FBI ở Nevada, và đầu năm nay lại tiếp tục chiếm đất và đụng độ với FBI ở Oregon.