Theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, cá nhân có nhu cầu tích hợp Giấy phép lái xe (GPLX) mô-tô và ô tô vào chung một GPLX thì đăng ký vào Đơn đề nghị, sát hạch để được cấp GPLX tích hợp, hoặc làm thủ tục đổi GPLX.
Trong trường hợp điều khiển một trong hai loại phương tiện và vi phạm hành chính mà bị tước GPLX tích hợp thì vẫn có thể điều khiển loại phương tiện còn lại.
Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, quy định khi lập biên bản vi phạm hành chính Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ ghi rõ các nội dung chủ yếu sau đây:
- Thời gian, địa điểm lập biên bản;
- Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;
- Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;
- Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;
- Quyền và thời hạn giải trình.
Như vậy, trường hợp cá nhân vi phạm luật giao thông, CSGT sẽ ghi rõ vào biên bản loại GPLX bị tạm giữ, có phải là loại giấy phép lái xe tích hợp hay không.
Người vi phạm sau đó vẫn có thể điều khiển loại phương tiện còn lại trong GPLX tích hợp đã bị tạm giữ và phải mang theo biên bản xử phạt vi phạm hành chính để xuất trình trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra.
Theo Dân trí
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!