Từ ngày 1/6 tới đây, Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua năm ngoái sẽ bắt đầu có hiệu lực và điều nhiều bậc phụ huynh quan tâm là việc nguy cơ bị xử phạt khi đăng ảnh trẻ em lên Facebook.

Luật gồm 7 chương với 106 điều, trong đó về Quyền bí mật đời sống riêng tư (Điều 21), Luật quy định như sau: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trong khi đó, một trong những hành vi bị cấm là: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Luật cũng có hẳn một mục quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 54).

Thực tế hiện nay các bậc cha mẹ vẫn thường đăng ảnh khoe con trên Facebook một cách khá thoải mái và vô tư. Tuy nhiên theo Luật Trẻ em 2016 nêu trên thì ngay cả việc cha mẹ đăng ảnh con lên Facebook cũng có thvi phạm pháp luật.

picsart_05-28-09.03.19.jpg

Giải thích thêm về điều này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định trên báo chí: Nếu đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ thì sẽ là phạm pháp.

Tất nhiên không phải cứ đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật, mà ở đây muốn nhấn mạnh về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.

Theo mô tả cụ thể trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP mới ban hành ngày 9/5 vừa qua về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Với những thông tin trên của trẻ em nếu cha mẹ vô ý đăng tải lên mạng xã hội thì rất có thể sẽ vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người,… vẫn đang âm thầm theo dõi trên mạng Internet.

Hơn nữa sẽ có những hình ảnh, thông tin cha mẹ đăng lên Facebook mà trẻ có thể không muốn công khai với bạn bè.

Về trách trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của cộng đồng xã hội, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Hiện nay đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với các em bằng cách gọi điện đến tổng đài quốc gia về trẻ em 1800.1567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vận hành.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động, theo Nghị định 56 quy định.