Cách Hà Nội khoảng 70km, cách trung tâm thành phố Ninh Bình chừng 35km, đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn (ở thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan) là điểm đến thu hút du khách ghé thăm dịp gần đây nhờ sở hữu cảnh quan xanh mát, thiết kế đẹp mắt như trời Âu.
Đan viện được xây dựng từ năm 1939, tọa lạc trên khuôn viên rộng gần chục ha, bao gồm nhiều hạng mục như nhà thờ Châu Sơn, dòng tu, vườn cầu nguyện Fatima... Đây là đan viện của dòng Xitô.
Cho đến nay, trải qua gần 80 năm, đan viện vẫn giữ gần như nguyên vẹn được những đường nét, chi tiết kiến trúc tinh xảo và chỉ tu sửa lại mái ngói đỏ bên ngoài vào năm 2014.
Nổi bật nhất ở đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn là khu vực nhà thờ cổ được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic với các cửa sổ, cửa chính đều có một đặc điểm chung là mái vòm cong vút, nhọn hoắt.
Bên ngoài nhà thờ xây bằng gạch mộc không tô vữa, tạo nên sắc đỏ trầm nổi bật giữa không gian. Khi xây dựng ngôi nhà thờ này, gạch được đặt làm riêng để tạo điểm nhấn bắt mắt.
Mái vòm của nhà thờ không phải làm bằng xi măng cốt thép mà được làm từ mật mía, bã mía và tre bổ ra đan vào nhau.
Thánh đường là nơi thờ chúa Jesus và cầu nguyện mỗi ngày. Mái vòm trắng cao 21m trong lòng thánh đường chính là công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga nhất ở đan viện.
Dọc hai bên hành lang nhà thờ là các cột được chạm khắc rất tinh xảo, xung quanh được tô điểm bởi các bức họa Chúa, các thánh, làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, linh thiêng.
Ngoài nhà thờ, vườn cầu nguyện Fatima cũng là một điểm nhấn đặc biệt của đan viện với hàng loạt tiểu cảnh, tượng Thánh, bãi trứng đá nhân tạo và giếng đá ong... Khu vực này cũng được trồng nhiều loại cây, hoa đa màu sắc, tạo cảnh quan xanh mát, đẹp nên thơ và được du khách ưu ái gọi bằng cái tên “khu vườn cổ tích”.
Ngay giữa vườn cầu nguyện Fatima là một giếng cổ. Để xuống được đây phải đi qua đường hầm xây hoàn toàn bằng đá ong. Đây là khu vực cầu nguyện thiêng liêng, không phải lúc nào cũng mở cửa để du khách có thể tham quan (Ảnh: Son Nguyen).
Bạn Ngô Tiến Đức – một nhiếp ảnh gia tự do cho biết, đường đi tới đan viện Châu Sơn khá thuận tiện. Nơi đây cũng có chỗ để ô tô và xe máy rộng rãi, không mất phí gửi xe hay vào cửa.
“Từ ngoài nhìn vào, mình đã phải xuýt xoa vì khung cảnh ở đan viện quá đẹp. Mình không thể ngừng cảm thán trước cảnh quan nơi đây, đẹp lạ và toát lên đầy vẻ trầm mặc, cổ kính”, Tiến Đức chia sẻ.
Những năm gần đây, đan viện Châu Sơn thu hút người dân đến chiêm ngắm nhiều hơn. Tuy nhiên, không nhiều du khách biết đến nơi này bởi đây không phải địa điểm du lịch mà là công trình công giáo tôn nghiêm, phục vụ hoạt động tu viện và cầu nguyện.
Theo quy định của đan viện, ngày thường sẽ có khung giờ mở cửa riêng so với ngày lễ (thứ 7 và Chúa Nhật). Đặc biệt, vào mùa Chay (mùa thương khó của người Công giáo) nơi đây không đón khách đến tham quan. Vì vậy, du khách muốn tới Đan viện nên xác nhận lại khung giờ có thể ghé thăm.
Bên cạnh đó, nếu có dịp tham quan đan viện Châu Sơn, du khách cần ý thức việc giữ gìn sự tôn nghiêm và cảnh quan chung như không gây ồn ào, mất trật tự và không xả rác, không ngồi hoặc giẫm lên những tảng đá trắng, cỏ cây.
Ngoài Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn, du khách tới Nho Quan, Ninh Bình có thể kết hợp khám phá, trải nghiệm một số địa điểm du lịch hấp dẫn của địa phương như hồ Đồng Chương, động Vân Trình, VQG Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang,… và thưởng thức các món đặc sản thơm ngon như thịt dê, cơm cháy,…
Phan Đậu - Ảnh: Ngô Tiến Đức