Duy trì lợi nhuận tăng

VietinBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý II đạt gần 4.500 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ nhờ chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro giảm mạnh. Trong quý II, chi phí hoạt động của ngân hàng này giảm gần 10%, còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm gần 50%. Với lũy kế 6 tháng đầu năm, VietinBank báo lãi 7.460 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank báo lợi nhuận trước thuế đạt 10.981 tỷ đồng sau 6 tháng duy trì vị trí dẫn đầu dù chỉ số này đã bị giảm khoảng 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khối lợi nhuận lớn hàng trăm triệu USD từ hợp tác phân phối bảo hiểm chưa ghi nhận, dù lợi nhuận từ dịch vụ tiếp tục tăng hơn 7%.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Techcombank trong nửa đầu năm 2020 có lợi nhuận trước thuế đạt 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 51,5% chỉ tiêu  đề ra. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đạt 5,4 nghìn tỷ, tăng 19% so với mức 4,5 nghìn tỷ đồng của nửa đầu năm 2019. Techcombank vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 12 tháng gần nhất đạt 2,9%, chỉ số CAR theo Basel II đạt mức 16,9%. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ đạt 2 nghìn tỷ đồng với tăng trưởng 57%, đây cũng là một thế mạnh của ngân hàng này.

Còn lợi nhuận quý II/2020 của MB đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt 5.118 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng MB duy trì tốt nhờ tận dụng các cơ hội kinh doanh tốt từ thị trường 2, đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ.

Trong nhóm tăng trưởng lợi nhuận cao, LienVietPostBank (LPB) báo kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 1.004 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 59% kế hoạch năm (1.700 tỷ đồng). Thu dịch vụ của ngân hàng này tiếp tục khởi sắc, đạt 319 tỷ đồng, cao hơn 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đến hết ngày 30/06/2020, ABBANK đạt 628 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản đạt 95.481 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,13% trên tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối năm 2019 do tình hình khó khăn chung của thị trường. Các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của ABBANK được giữ ổn định với RoE đạt 15,7%; RoA đạt 1,3%

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, SeABank hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra với lợi nhuận trước thuế đạt 753,8 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, ngay trong nửa đầu năm 2020, SeABank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng.

Trước đó, VPBank sớm công bố đạt 6.600 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế sau 6 tháng, tương đương 64% kế hoạch lợi nhuận năm. Riêng ngân hàng mẹ đóng góp gần 4.200 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

{keywords}
 Lợi nhuận các ngân hàng tăng dù tốc độ thận trọng hơn do tác động của Covid-19.

Kết quả kinh doanh bán niên 2020 của TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.034 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ 2019. TPBank vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tín dụng khá với mức tăng gần 11% và vẫn đảm bảo chất lượng và kiểm soát tốt nợ xấu.

HDBank ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.300 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm. Trong năm 2020, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 13% so với năm trước.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, VIB cũng ghi nhận tổng doanh thu đạt 4.815 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.356 tỷ đồng, tương đương hơn 52% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt 1.022 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% tổng doanh thu.

Có thể thấy, dù đặt kế hoạch cho cả năm khá thận trọng vì những lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn được duy trì ổn định. Các ngân hàng có lợi nhuận tốt, các chỉ số tài chính đều thể hiện an toàn cao, cho thấy sự thận trọng của các tổ chức tín dụng.

Tiết kiệm chi tiêu, tăng dự phòng rủi ro

Dù kết quả khả quan, nhưng lường trước khó khăn còn kéo dài nên các ngân hàng đều có các biện pháp ‘phòng thủ’ thông qua việc đẩy mạnh tiết kiệm, cải thiện quản trị để nâng cao hiệu quả đồng thời thực hiện trích lập dự phòng cao để ứng phó với rủi ro.

{keywords}
 Các ngân hàng dự phòng rủi ro hàng nghìn tỷ để ứng phó diễn biến khó lường nửa cuối năm.

VietinBank chú trọng quản trị hiệu quả về chi phí, bao gồm cả chi phí vốn, chi phí kinh doanh, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Ngân hàng đã kiểm soát chi phí hoạt động dịch vụ giảm 0,6% so với cùng kỳ, chi phí hoạt động giảm 4,6% khiến tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động giảm từ 34,2% cùng kỳ năm 2019 xuống còn 30,9%.

Đáng chú ý, hết tháng 6, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank đã giảm 10,7% so với cùng kỳ do kiểm soát chất lượng nợ và triển khai hiệu quả các biện pháp đồng hành, hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng này tiếp tục trích lập thêm dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC nhanh hơn nhiều so với lộ trình theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm, VietinBank đã mua lại thêm hơn 6.000 tỷ đồng nợ bán VAMC, nâng tổng giá trị nợ mua lại từ thời điểm bán nợ tháng 12/2018 đến nay lên gần 6.800 tỷ đồng, số còn lại VietinBank cũng đã trích dự phòng rủi ro khoảng 50% giá trị khoản nợ. Đến nay, VietinBank tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu cho vay riêng lẻ ở mức 1,69%. 

Với Vietcombank, chi phí hoạt động của ngân hàng này được tiết giảm hiệu quả. Trong quý II/2020, chi phí hoạt động của Vietcombank chỉ là 3.118 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, chi phí hoạt động giảm 5% so với cùng kỳ.

Tại Techcombank, chi phí dự phòng của nửa đầu năm 2020 tăng lên mức 1,2 nghìn tỷ đồng so với mức 239 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, nhằm chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Tại thời điểm 30/06/2020, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,9%, thấp hơn mức 1,1% tại 31/03/2020 và 1,8% tại 30/06/2019. Tỷ lệ nợ xấu giảm do Ngân hàng đã chủ động xử lý nợ xấu trong nửa đầu năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm 30/06/2020 là 108,6%. 

Với MB, đáng chú ý, sau khi tăng mạnh trích lập dự phòng trong quý I, sang quý II chi phí dự phòng có phần chững lại. Cụ thể, chi phí dự phòng quý II/2020 của MB ở mức 1.216 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, chi phí dự phòng đạt 3.309 tỷ đồng, tăng tới 40% so với cùng kỳ. 

Tại VPBank, 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã thu hồi nợ hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó, kiểm soát nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank tính đến cuối tháng 6 đã giảm xuống mức 2,71%, từ mức 2,95% cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống còn 2,07%. Trong nửa đầu năm nay, chi phí dự phòng của VPBank tăng 8,6%. Tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ là gần 30,4%...  Đây được coi như là một bước chuẩn bị tiềm lực tài chính phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh khi nền kinh tế đang ở giai đoạn khó lường.

Trong quý II năm 2020, LienVietPostBank đã hoàn thành việc trích lập dự phòng và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đã bán VAMC. Điều này cho thấy, LPB tập trung việc nâng cao chất lượng tài sản, tạo đà tăng trưởng, đồng thời cũng thể hiện những tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính và tình hình kinh doanh.

Ông Lê Hải – Q. Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: “Toàn ngành ngân hàng vẫn phải gồng mình trước sức ép từ đại dịch và dự báo 6 tháng cuối năm khi thị trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ngân hàng phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tái cơ cấu và không ngừng cải tiến các chính sách vận hành sao cho phù hợp với tình hình thị trường. Đặc biệt chú trọng việc kiểm soát khẩu vị rủi ro để vừa tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh vừa đảm bảo phát triển an toàn, ổn định và bền vững.”

Tình hình hoạt động trong nửa đầu 2020 cho thấy hầu hết các ngân hàng gặp khó khăn do tín dụng tăng chậm lại, nợ xấu tăng lên... Mặc dù có kết quả kinh doanh tốt trong quý II nhưng áp lực cũng tăng dần đối với các ngân hàng. Lãi suất có xu hướng giảm mạnh, nợ xấu ở nhiều ngân hàng gần đây có chiều hướng tăng lên, trích lập dự phòng giảm đi. Thời gian tới, đại dịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó tác động xấu đến hệ thống ngân hàng.

 Mạnh Hà