Xếp hạng tín dụng xã hội của người dân tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều hành vi. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông địa phương, bên cạnh những quy chuẩn chung của hệ thống tín dụng xã hội tại Trung Quốc, tỉnh Chiết Giang muốn có thêm một số điều kiện riêng. Hành động chuyển đổi từ công việc này sang công việc khác "quá thường xuyên" sẽ khiến người dân mất uy tín.
"Nếu một người liên tục bỏ việc và tìm việc làm mới, đánh giá tín dụng xã hội của người đó chắc chắn sẽ có vấn đề", Ge Pingan, một quan chức tại Chiết Giang chia sẻ với các phương tiện truyền thông.
Ge không giải thích rõ mức độ "quá thường xuyên" nhắc tới ở trên sẽ được đánh giá như thế nào. Tuy nhiên, ông cho biết trong tương lai, hệ thống sẽ đặt ra một số hạn chế và quy định đối với từng công ty và người lao động.
Sau khi những thông tin trên được công khai, bài đăng trên trang Weibo chính thức của tỉnh Chiết Giang đã thu hút hơn 60 triệu lượt xem, trong đó hầu hết ý kiến đều tỏ ra bức xúc.
"Tôi nghĩ sau này họ sẽ trừ điểm của những người không kết hôn và không sinh con", một người dùng bình luận trên Weibo.
Trao đổi với các phương tiện truyền thông, chính quyền Chiết Giang cho biết hành động nghỉ việc "một cách bình thường" sẽ không ảnh hưởng đến tín dụng xã hội của người dân. Hệ thống chỉ nhắm mục tiêu vào những đối tượng "thường xuyên" làm việc này.
Hệ thống tín dụng xã hội Trung Quốc thu thập và lưu trữ hồ sơ của công dân từ một số phòng ban quản lý, sau đó đưa ra đánh giá để thưởng hoặc trừng phạt họ dựa trên các hành động ngoài xã hội và cả trên Internet.
Những người được đánh giá có tín dụng xã hội tốt sẽ được hưởng nhiều lợi ích, trong khi đó những người phạm pháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống.
Hệ thống này sẽ cộng điểm khen thưởng những hành vi có ích với xã hội như công việc tình nguyện, hiến máu và áp dụng các trừng phạt với những hành vị trái pháp luật như vi phạm luật giao thông.
Hệ thống này đã công khai tên của hơn 13 triệu người có tín dụng xã hội thấp trên một trang web riêng. Những người này sau đó đã bị cấm di chuyển bằng các phương tiện như máy bay, tàu cao tốc và sử dụng một số dịch vụ khác.
Chưa dừng lại ở đó, một số chính quyền địa phương đang tự thêm các điều khoản vào danh mục chấm điểm để quản lý người dân. Thạch Gia Trang, thành phố lớn nhất và là tỉnh lỵ tỉnh Hà Bắc, đã thiết kế riêng một ứng dụng có tên "Bản đồ con nợ" để cảnh báo công dân khi họ ở trong phạm vi 500 m gần những người không trả nợ.
Đài truyền hình Giang Tô cũng cho biết thành phố Ninh Ba đã xây dựng một trung tâm thông minh. Đây là nơi chứa cơ sở dữ liệu khổng lồ của hơn 10 triệu người. Hồ sơ bao gồm số lần thay đổi công việc của mỗi người hay thậm chí cả bệnh viện và thuốc mà họ sử dụng.
"Điều đó thật đáng sợ. Chúng tôi đâu có đồng ý với quy định này?", một người dùng bình luận trên Weibo.
Theo Zing