>> Người Việt có thông minh không?
>> "Tấm bằng tiến sĩ không làm tôi thông minh hơn..."
Từ "Người thông minh" đến đỉnh cao thời kim khí
Người nguyên thủy (người thông minh-Homosapien) có mặt trên lãnh thổ Việt Nam ngay từ thời đại đồ đá cũ mông muội, và trên hành trình dài dặc lần hồi sinh sống, tiến triển, đã lần lượt làm nên ba cuộc cách mạng kỹ thuật làm chuyển ngoặt thời đại, tương tự như nhân loại trên mọi vùng trái đất.
Cách mạng đá mới gắn liền với khai sinh nông nghiệp. Việt Nam có nét độc đáo là phát minh trồng trọt ngay từ buổi sơ khai của thời đá mới, với Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, được quốc tế công nhận, và đánh giá là một trong những cái nôi khai sinh nông nghiệp sớm nhất ở Đông-Nam Á.
Cách mạng kim khí, mà khởi đầu là luyện, đúc đồng, quãng trên dưới 4000 năm cách ngày nay, ở miền Bắc (tiêu biểu là các Văn hóa Phùng Nguyên, Hậu Lộc...), miền Trung (Văn hóa Sa Huỳnh), miền Đông Nam Bộ. Thời cực thịnh (chừng 2500-3000 năm trước), trống đồng Đông Sơn - kết tinh trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt cổ, được thế giới đánh giá là tuyệt phẩm không tìm thấy được trong khu vực và thế giới, đạt tới đỉnh cao cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn nghệ thuật tạo hình, trang trí đương thời, và có sức lan tỏa rộng, lan xa ra toàn khu vực.
Trống đồng Đông Sơn |
Vậy là Thời tiền sử đã hun đúc và chứng tỏ người Việt Nam có đủ các tố chất thông minh, cần cù, dũng cảm, sáng tạo. Để trên cái tầng nền các tố chất nhân bản có tính phổ quát nhân loại ấy, mà nẩy nở và phát triển nét đặc sắc Việt là khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên và tai ương xã hội, để sinh tồn và phát triển trường kỳ.
Khi trí thông minh Việt được tích hợp
Trí tuệ lãnh tụ là tiêu biểu, là sự tích hợp trí thông minh, tri thức, tài năng của cộng đồng, của nền văn minh xứ sở và thời đại trong từng hoàn cảnh lịch sử.
Khi trí tuệ người chèo lái cơ đồ đất nước ngày thường là sung mãn; thời cơ (hoặc nguy cơ tồn vong) đến, thì "xuất thần" với quyết định táo bạo mà số đông chưa kịp hiểu, thì thường là vận nước chuyển ngoặt phi thường. Lịch sử dân tộc ta liên tiếp làm sáng lên chân lý ấy.
Khúc Thừa Dụ, Hào trưởng Hồng Châu (vùng Ninh Giang, Hải Dương nay), nhạy cảm và sáng suốt chớp thời cơ chính quyền đô hộ nhà Đường gần như tan rã, đã phất cờ cứu nước, được dân chúng trong vùng hưởng ứng, tiến quân ra đánh chiếm phủ thành Tống Bình (Hà Nội), năm 905.
Ông tự xưng là Tiết độ sứ, xóa bỏ về thực chất chính quyền đô hộ, nắm lấy quyền cai quản, thiết lập thể chế chính trị tự chủ, giữ vững nền độc lập dân tộc, thực thi những chính sách mới mẻ của quốc gia.
Khúc Thừa Dụ trở thành người mở đầu Kỷ nguyên độc lập và phát triển lâu dài của đất nước. Với trí tuệ kiệt xuất của mình, họ Khúc đã sáng tạo tư tưởng chính trị riêng cho xứ sở, phi Phật, phi Nho - đó là nền chính trị có gốc rễ nhân văn. Chính sự họ Khúc "cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui" (Quốc sử quán triều Nguyễn-Cương mục).
Khi trí tuệ người chèo lái cơ đồ đất nước ngày thường là sung mãn; thời cơ (hoặc nguy cơ tồn vong) đến, thì "xuất thần" với quyết định táo bạo mà số đông chưa kịp hiểu, thì thường là vận nước chuyển ngoặt phi thường. Lịch sử dân tộc ta liên tiếp làm sáng lên chân lý ấy. |
"Bảo bối trị quốc" này được mọi thời kế thừa và phát triển, làm nên những võ công và thành tựu văn minh rực rỡ. Những buổi mạt triều, vua chúa vứt bỏ "phép thiêng" ấy, bỏ bễ triều chính và bỏ rơi dân chúng, chỉ chăm chăm vơ vét và hưởng lạc, nên vương triều sụp đổ.
Đinh Bộ Lĩnh, một hào trưởng lớn (sứ quân) ở Hoa Lư, thấy rõ nguy cơ loạn ly do 12 sứ quân tranh đoạt quyền lực, tất đẩy dân chúng vào thảm cảnh điêu linh, đẩy xứ sở đến bờ vực thẳm mất nước. Ông đã hô hào dân chúng thuận theo và đem quân bản bộ dẹp yên cơn loạn lạc, lập nhà Đinh, thu chính sự và đất nước về một mối.
Ông là người đầu tiên nêu tiền lệ và bài học trí tuệ cốt tử cho mọi thời, rằng phân ly là chết; thống nhất giang san, cố kết cộng đồng là trường tồn và phát triển.
Lý Công Uẩn đã sáng suột nhận lãnh ngôi vua do quần thần tiến cử và suy tôn, khi nhà Tiền Lê đã suy vong tột đỉnh và đất nước đã kiệt quệ.
Trên ngôi vị đứng đầu xã tắc, ông ra ngay quyết định sáng láng chuyển ngoặt thế địa- chính trị, từ thiên về thu mình, phòng giữ với kinh đô Hoa Lư của một thời, ra Đại La (và đổi gọi Thăng Long) là trung tâm và là vùng giầu có của đất nước, xứng đáng là đế đô của mở mang, hưng thịnh muôn đời. Ông cũng là trí tuệ kiệt xuất thiết kế và vận hành bộ máy hành chính và chính sách qui mô, toàn diện, do kế thừa và phát triển nền chính trị nhân văn di sản từ triều Khúc.
Các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông do bản lĩnh phi thường và trí tuệ trác việt, đã quyết chí và quyết đoán "sát Thát" theo ý chí của dân Đại Việt. Tổ chức tài giỏi và cùng các Vương hầu thao lược, quân đội thiện chiến, nhân dân quả cảm, đã 2 lần liên tiếp bôn tẩu bỏ lại kinh đô cho giặc phá, để 2 lần phản công toàn thắng trong 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên-Mông hùng mạnh từng chinh phục một nửa thế giới (1285, 1288).
Hai cha con, hai vị vua Anh hùng giữ nước. Trần Nhân Tông còn là một trí tuệ bác học, Anh hùng văn hóa trên cương vị Phật Hoàng.
Tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Với bản lĩnh người thủ lĩnh và tài năng quân sự, và với trí tuệ trác việt của Bộ chỉ huy quân nghĩa mà nổi bật là quân sư Nguyễn Trãi, trải "mười năm nếm mật nằm gai", bao phen điêu đứng, hiểm nguy, thoát chết trong gang tấc, sự nghiệp đại nghĩa, chí nhân của Lê Lợi đã thắng hung tàn, ách đô hộ và đồng hóa tàn bạo của nhà Minh sụp đổ, "trăm họ cùng ca khúc thái bình''.
Nguyễn Huệ, nhà chính trị, nhà ngoại giao lỗi lạc, thiên tài quân sự, thương gia buôn chuyến đường dài hàng trầu cau Bình Định cùng lâm thổ sản Tây Nguyên, giong thuyền đi bán cho khách buôn trong nước, nước ngoài tại cảng Qui Nhơn. Thấy rõ bi kịch, hậu quả thê thảm và nguy cơ mất nước bởi nội chiến, tranh đoạt quyền lực triền miên 2 thế kỷ Trịnh (Đàng Ngoài)-Nguyễn (Đàng Trong), đã cùng anh Nguyễn Nhạc, em Nguyễn Lữ giương cờ nghĩa Tây Sơn, nhanh chóng trở thành lãnh tụ kiệt xuất của sự nghiệp nhân dân.
17 năm (1771-1787) Nam chinh Bắc chiến, Nguyễn Huệ lãnh tụ luôn luôn làm tướng tiên phong, chưa từng đánh thua một trận. Hết phá bỏ thế lực nhà Nguyễn lại diệt nhà Trịnh, thu lại giang sơn về một mối. Và trên thế thắng, quân Tây Sơn liên tiếp đánh bại 2 cuộc xâm lăng ở cả 2 đầu đất nước: Diệt 2 vạn quân Xiêm trên dòng Rạch Gầm-Xoài Mút (Tiền Giang) năm 1785. Quét sạch gần 30 vạn quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, mùa xuân 1789.
Nguyễn Huệ quả là trí tuệ và tài năng kiệt xuất và công lao độc đáo. Một đời làm tướng chiến chinh luôn luôn thắng; Anh hùng dẹp nội chiến, thống nhất đất nước. Người là 2 lần Anh hùng thắng ngoại xâm.
Và Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, một con người Việt Nam yêu nước, đã rất sáng suốt nhận ra sự khủng hoảng đường hướng cứu nước, sau thất bại của hàng loạt khởi nghĩa vũ trang trước và trong Phong trào Cần Vương. Cũng như sự vô vọng của các xu hướng cải lương của Phan Chu Trinh, xu hướng dựa vào tư bản nước ngoài của Phan Bội Châu với Phong trào Đông Du...
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh |
Với vai trò và trí tuệ Lãnh tụ kiệt xuất, Hồ Chi Minh dẫn dắt toàn dân tộc làm nên những bước ngoặt lịch sử: Cách mạng tháng Tám 1945 xóa bỏ xích xiềng nô lệ, giành lại độc lập, thống nhất đất nước, lập nền Dân chủ Cộng hòa. Chiến thắng "'hai đế quốc to là Pháp và Mỹ", giành trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn.
Những thành tựu vĩ đại trên mỗi chặng đường lịch sử gắn liền với tên tuổi các lãnh tụ- những con "Người thông minh" như thế, đã minh chứng bằng thành quả rực rỡ, và tạo ra xung lực mới của sự thăng hoa trí thông minh, sức quật khởi phi thường và sức sáng tạo, làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Kỳ sau: Lực cản phát triển và trí thông minh một dân tộc (II)