Xã Ngọc Chiến (Sơn La) có đến 7 cây di sản được người dân bảo tồn, song song với việc bảo vệ môi trường sinh thái, và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của địa phương, phát triển du lịch.
Cách nhà máy thủy điện Sơn La khoảng 40km và cách thành phố Sơn La gần 80km theo đường TL106, Ngọc Chiến hiện ra như một bức tranh tuyệt đẹp, nằm nép mình trong những dãy núi cao hùng vĩ được bao phủ bạt ngàn cây xanh, trong đó xã có đến 7 cây di sản được công nhận năm 2023.
Theo hồ sơ, 7 cây được công nhận cây di sản, gồm: Cây số 1 là cây du sam núi đất, ở bản Nà Tâu; cây số 2, 3, 4 là 3 cá thể đa tía tạo thành 1 quần thể đa, tại bản Lướt; cây thứ 5 là cây gạo nằm ở trung tâm bản Phày; cây thứ 6 và 7, là 2 cây sồi tại bản Mường Chiến.
Theo các cụ cao niên trong xã kể lại, những cây di sản này đều có tích truyện linh thiêng của thời kỳ đầu khai phá mở mang xây dựng xã Ngọc Chiến, là những minh chứng lịch sử, mang yếu tố tâm linh đem lại may mắn, mưa thuận gió hòa trong quá trình sản xuất của nhân dân trong vùng.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết: Xã có 7 cây được công nhận di sản Việt Nam tạo sức hút cho du khách khi trải nghiệm du lịch Ngọc Chiến không chỉ bởi cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa độc đáo mà còn hấp dẫn bởi những câu chuyện linh thiêng gắn liền với các cây di sản. UBND xã phối hợp với các ngành chức năng để tiếp tục có biện pháp chăm sóc, bảo tồn cây di sản bảo vệ nguồn gen, duy trì và phát triển bền vững hệ sinh thái, quần thể các loài thực vật, đồng thời, giữ được nét văn hóa tâm linh của xã Ngọc Chiến, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Không chỉ có tuổi đời lớn, các cây cổ thụ tại xã Ngọc Chiến còn gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm, hoặc những bậc tiền nhân có công khẩn hoang, lập bản lập mường. Hàng năm vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, người dân khắp bản gần, làng xa lại làm lễ cúng thần cây, để cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Điều đặc biệt, khác với các cây di sản ở những vùng khác, mỗi cây di sản ở Ngọc Chiến đều được nhân dân dựng nhà thờ và phân công người trông coi. Bởi theo truyền thống và quan niệm của đồng bào Thái khu vực này, những cây gỗ lớn tồn tại hàng trăm năm tuổi được cho là nơi trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi trú ẩn của những linh hồn người đã khuất. Việc tác động hay chặt hạ những cây cổ thụ được cho là rất kiêng kỵ và không được phép xâm hại, nếu không sẽ gặp điều không may mắn.
Chiếc cổng đá có gắn đàn Tính (đàn Tính Tẩu) tượng trưng cho văn hoá đồng bào dân tộc Thái, Khèn tượng trưng cho văn hoá đồng bào dân tộc Mông, và chum đá là biểu tượng cho chum rượu cần Lẩu Xá của đồng bào dân tộc La Ha. Biểu tượng đoàn kết của 3 dân tộc có dân số lớn nhất xã Ngọc Chiến.