Tranh cãi vì mức tiêu hao nhiên liệu trên dán nhãn
Bắt đầu từ năm 2020, xe mô tô,xe gắn máy (xe mới) tại Việt Nam đều phải dán nhãn năng lượng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, mức tiêu hao nhiên liệu theo đơn vị lít/100km được in trên tem dán ở vị trí nổi bật và dễ quan sát nhất trên xe.
Đến nay, danh sách của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cập nhật cho thấy có khoảng 200 mẫu xe máy đã các doanh nghiệp lắp ráp và nhập khẩu công bố công khai.
Theo quy định mới, các xe máy bán ra thị trường đều phải dán tem nhãn năng lượng |
Tuy nhiên, trên một số diễn đàn xe, câu chuyện tranh cãi về sự chính xác của tem dán nhãn năng lượng vẫn còn khá nóng.
Anh Nguyễn Đức Thủy (Vĩnh Tuy, Hà Nội) là người rất hay đi “phượt” cho rằng với mức tiêu hao theo công bố của xe số hiện nay dưới 1,7 lít/100km và xe tay ga trên dưới 2 lít/100km có vẻ là con số “đẹp” so với thực tế.
“Tôi có chiếc xe 110cc mua cách đây 3 năm, cuối tuần hay chạy cùng bạn ra ngoại thành, để ý mức tiêu thụ nhiên liệu cũng phải gần 2 lít/100km. Còn nếu xe mới bảo dưỡng xong thì mức tiêu thụ có giảm một chút”, anh Thủy nói.
Cũng cho rằng số liệu công bố trên tem chỉ là quảng cáo, anh Trương Tuấn Tú (Kim Mã, Hà Nội) cho biết chiếc xe tay ga 125cc mua năm 2017 thường đổ bình hết 100.000 đồng khoảng 7 lít, cũng đi được 270 km trong một tuần, tính ra khoảng 2,6 lít/100km, vẫn cao hơn 0,35 lít so với công bố mới.
“Cách đây chưa lâu, một số nhà sản xuất ô tô thương hiệu Nhật, Hàn đã phải xin lỗi và đền bù khách hàng vì nói quá mức tiêu hao nhiên liệu thì làm sao tin được con số quảng cáo”, anh Tú nhận xét.
Ở quan điểm ngược lại, anh Nguyễn Đức Hậu (Sóc Sơn, Hà Nội), quản trị một diễn đàn về xe lại nghĩ khác. Anh Hậu nói: “Mức tiêu hao thực tế sẽ không thể đúng như tem dán vì còn nhiều yếu tố tác động, nhưng không thể sai lệch quá nhiều. Thông tin tiêu hao nhiên liệu công bố trên trang của Cục Đăng Kiểm thì phải dựa vào kết quả thử nghiệm theo một chuẩn nhất định”.
Dù còn khá tranh cãi, nhưng theo anh Nguyễn Quang Đức (trưởng đại lý một cửa hàng xe máy trên phố Lê Duẩn, Hà Nội), từ khi việc dán tem nhãn năng lượng là bắt buộc, thông số này giúp nhân viên bán hàng cũng dễ tư vấn cho khách xem xe hơn.
Người đi mua xe máy quan tâm mức tiêu thụ xăng như là một yếu tố quan trọng quyết định việc mua xe |
“Đa số khách hàng khi mua xe đều quan tâm đến mức tiêu hao nhiên liệu. Trước đây, nhân viên bán hàng nói bằng miệng nhưng khách dễ quên thậm chí họ cũng có ý ngờ vực nhưng nay trên tem dán nhãn năng lượng thể hiện rõ, trước mắt rất tiện lợi cho cả người án lẫn người mua”, anh Đức kể.
Hiện tại theo công bố trên cổng thông tin Cục ĐKVN, ở nhóm xe tay ga, 3 mẫu xe đứng đầu là Yamaha Grande (1,69 lít/100km), Yamaha Latte (1,8 lít/100km) và Yamaha Janus (1,87 lít/100 km) chiếm 3 vị trí cao nhất. Tiếp sau là 2 mẫu xe của Honda gồm: Vision (1,87 lít/100km) và SH Mode (1,9 lít/100 km)…
Ở nhóm xe số (không bao gồm xe 50cc), dẫn đầu là Yamaha Jupiter Fi (1,55 lít/ 100km) và Yamaha Sirius Fi (1,57 lít/ 100 km). Tiếp sau là các mẫu xe Honda Blade (1,60 lít/ 100 km) và Honda Ware Alpha (1,6 lít/ 100km)…
Đối với các dòng xe máy phổ thông dưới 175cc, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình dao động từ 1,8 đến 2,23 lít/100km. Với các dòng xe phân khối lớn, mức tiêu hao nhiên liệu phổ biến từ 3,2 đến 7 lít/100km.
Thông số trên tem nhãn năng lượng có chính xác?
Để tìm hiểu vấn đề này, VietNamNet đã trao đổi với ông Yano Takeshi, Chủ tịch Yamaha Motor Việt Nam. Ông cho hay: “Về mặt kỹ thuật, Yamaha và Cục Đăng Kiểm có phương thức đo hoàn toàn giống nhau, từ đó mới có thể đánh giá, so sánh và đưa ra kết quả chính xác nhất”.
Vị chủ tịch thông tin thêm, con số công bố trên nhãn năng lượng ở tất cả các xe máy hiện nay là số liệu đo kiểm của Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Do đó kết quả này là hoàn toàn khách quan.
Tất cả các xe máy đều phải dán tem năng lượng từ 1/1/2020 |
Cũng giống Yamaha, đại diện của Công ty Honda Việt Nam cho biết kết quả đo thử nghiệm nhiên liệu đều áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới QCVN 77:2014/BGTVT.
Theo ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc NETC, mức tiêu thụ nhiên liệu công bố được áp dụng theo quy chuẩn chung, được thực hiện bằng các phép thử loại I, loại II và phép thử bay hơi nhiên liệu như hướng dẫn của QCVN 77:2014/BGTVT. Trong đó, đối với nhiên liệu xăng phải có trị số ốc tan RON nhỏ nhất là 95.
Một chuyên gia marketing lâu năm trong ngành xe máy cho rằng, trong tương lai, quy định về công khai mức tiêu thụ nhiên liệu qua việc phải dán tem có thể hình thành một cuộc đua giữa hãng xe trong việc đầu tư công nghệ, cải tiến động cơ cũng như thiết kế khí động học để tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Theo đại diện Yamaha Motor Việt Nam, trong các thị trường mà hãng đang bán thì mới có Việt Nam đưa quy định bắt buộc dán nhãn tiêu thụ nhiên liệu.
Trước Việt Nam, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có quy định bắt buộc về tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu cho xe hai và ba bánh, áp dụng từ ngày 1/1/2010. Nước này quy định, tất cả các xe bán ra không được vượt mức tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu. Ví dụ, xe máy từ 50 - 100cc không quá 2,3 lít/100km, từ 100 - 150cc không quá 2,5 lít/100km. Hiện quốc gia này đang xây dựng giai đoạn 2 của tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu nhưng chưa rõ lộ trình công bố.
Dù câu chuyện mức tiêu hao nhiên liệu “trên giấy” còn tranh cãi, các chuyên gia cho rằng mức tiêu hao thực tế sai khác chủ yếu do ảnh hưởng từ một số yếu tố khách quan như: tình trạng sử dụng xe, kỹ năng lái xe, môi trường giao thông, loại nhiên liệu sử dụng,…
Đình Quý
Thái Lan tặng tiền cho người dân mua xe mới
Các chủ xe đã sử dụng trên 15 năm sẽ được tặng phiếu mua hàng trị giá 100.000 baht khi mua xe mới. Đây là biện pháp Thái Lan kích cầu nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.