Nguồn cung căn hộ cao cấp mức giá trên dưới 2 tỷ tại TP.HCM đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, căn hộ giá vừa túi tiền, trên dưới 1 tỷ đang ngày càng khan hiếm.

Thống kê từ một số công ty nghiên cứu thị trường cho biết, tính riêng trong quý III/2015 có 10.114 căn mở bán mới, tăng 74% so với cùng kỳ quý III/2014. Tổng nguồn cung căn hộ tính từ đầu năm đến hết quý 3/2015 có khoảng 24.000 căn tăng đến 81% so với cùng kỳ năm trước.

Về nguồn cung, phân khúc cao cấp chiếm 37%, phân khúc trung cấp chiếm đa số với hơn 50%, phân khúc căn hộ giá rẻ chỉ giữ tỉ lệ khiêm tốn khoảng 13% số lượng căn hộ bán ra trong quý.

{keywords}

Dân Sài Gòn mỏi mắt tìm căn hộ dưới 1 tỷ. (Ảnh minh họa)

Sự lệch pha cung cầu là một trong những điểm yếu của thị trường BĐS TP.HCM. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng, đang có sự tăng trưởng rất mạnh trong phân khúc bất động sản cao cấp; nhưng cũng đang xuất hiện tình trạng thiếu nguồn cung dự án và sản phẩm trong phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán hợp túi tiền của người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị.

Người đứng đầu HoREA cũng nhận định, mặc dù đà hồi phục đang được tăng cường không thể đảo ngược nhưng chưa thật sự vững chắc, sức mua cũng còn hạn chế. Kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn thấp, còn chậm và chưa đạt như kỳ vọng nên chưa hỗ trợ được nhiều cho người tiêu dùng.

Sự khan hiếm căn hộ giá rẻ là một trong những yếu tố làm chậm tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ. Theo khảo sát của VietNamNet, tại TP.HCM, số sự án có căn hộ dưới 1 tỷ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong đó, có thể kể đến các dự án: Căn hộ 8X Rainbow (gần khu Đầm Sen); Căn hộ The Avila, đường An Dương Vương, quận 8; Khu “compound” Dream Home Palace, quận 8; Depot Metro Tham Lương, quận 12.

Dòng sản phẩm Ehome 3 của Nam Long trước đây cũng có căn hộ giá dưới 1 tỷ. Tuy nhiên, hiện môi giới cho biết các sản phẩm này đã được khách mua hết và giá thấp nhất hiện nay cũng khoảng 1,1 tỷ/căn. Tương tự, dự án First Home Premium quận 9, block đầu tiên cũng không còn mức giá dưới 1 tỷ, block tiếp theo vẫn chưa có giá chính thức.

Lý giải về hiện tượng nhiều doanh nghiệp chạy theo phân khúc giá cao, các chuyên gia cho rằng, biên độ lợi nhuận khi làm căn hộ cao cấp thường hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mạnh nhiều người đặt ra lo ngại sức mua của thị trường sẽ không đủ hấp thụ.

Về nguy cơ “bong bóng”, Ông Phạm Nhật Vinh, Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, đánh giá, khó có thể xảy ra bởi 4 yếu tố.

Thứ nhất: nguồn cung hiện tại trên thị trường rất phong phú, nhà đầu tư có cơ hội lựa chọn sản phẩm từ nhiều chủ đầu tư khác nhau vì vậy thị trường BĐS đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng sản phẩm, về giá bán... Mặc dù 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm khách hàng có nhu cầu cao về nhà ở song nguồn cung của thị trường BĐS nhiều nên giá sẽ bình ổn vì vậy nguy cơ bong bóng bất động sản sẽ không thể diễn ra.

Thứ 2: Theo Ngân hàng Nhà Nước, tính đến hết qu‎y‎ 3/2015 tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng 8,3% tổng tín dụng toàn hệ thống và phục vụ nhu cầu thực vì vậy nguy cơ bong bóng bất động sản hoàn toàn chưa đáng lo ngại.

Thứ 3: Hiện các ngân hàng thận trọng hơn trong việc cho vay BĐS bởi họ đã rút ra được từ các bài học đắt giá trước đó khi nợ xấu tăng mạnh.

Thứ 4: Tình trạng bong bóng BĐS thường xảy ra khi giá bán nhà ở tăng quá cao nhưng hiện nay mức giá trên thị trường chỉ tăng từ 3 - 5% thì hoàn toàn không có bong bóng.

Thị trường BĐS đã trải qua nhiều cơn nóng lạnh và lịch sử đã cho thấy, thị trường càng nóng thì giấc mơ có nhà của người nghèo càng xa vời vợi.

Quốc Tuấn