Quốc hội đang thảo luận về Dự án Luật tiếp cận thông tin trên hội trường. Đây là một trong những dự án luật được quan tâm nhất tại kỳ họp lần này. Nhưng thông tin xa hay gần tầm với của nhân dân, vẫn là câu hỏi ngỏ với bản dự thảo mới nhất.
Bắc thang lên hỏi văn phòng
Trong suốt 5 năm, người bệnh và người nhà bệnh nhân ở bệnh viên Đa khoa Đăk Nông phải đi thang bộ dù nơi này có hệ thống thang máy trị giá 6,9 tỷ đồng. Sản phụ đi đẻ phải leo thang bộ, người bệnh cấp cứu, cũng phải leo thang bộ. Hệ thống thang máy tiền tỷ vừa lắp đã không thể hoạt động.
Trong trường hợp này, nếu có Luật về quyền thông tin, người ta hy vọng những người có trách nhiệm sẽ phải giải trình tiền mua thang máy đã được giải ngân thế nào, tại sao hỏng, đã sửa bao nhiêu lần,... Tóm lại là tiêu 6,9 tỷ sao bệnh nhân vẫn leo thang bộ?
Nhưng câu hỏi phức tạp hơn thế: những bệnh nhân đang cơn đau kia, những người nhà đang tay xách phích nước nóng, nước mắt ngấn trên mi, lòng đau thắt thời gian đâu, tâm trí nào đi làm đơn yêu cầu cung cấp thông tin về cái thang máy?
Đó là một kịch bản tiêu biểu cho quyền tiếp cận thông tin của nhóm yếu thế.
Cách đây vài tháng, một nhóm các VĐV khuyết tật tại Hà Nội nghi ngờ tên mình vẫn đang bị một trung tâm TDTT lợi dụng để lấy trợ cấp. Những VĐV này đến trung tâm đó yêu cầu xem bản danh sách các VĐV khuyết tật đang nhận trợ cấp. Nhưng vì "văn phòng ở tầng 2 mà em không thể lên được, nên em chỉ đến được một lần" – anh Lâm, một người khuyết tật nặng ngồi xe lăn kể.
Anh Khánh Lâm, người khuyết tật đi đòi thông tin: "Văn phòng ở tầng 2 mà em không leo tầng được". |
Chuyện của những chiếc cầu thang ở bệnh viện đa khoa Đăk Nông và trung tâm TDTT nọ nói lên vấn đề của quyền thông tin, không hoàn toàn là dân hỏi-cơ quan nhà nước trả lời. Người dân "trăm cái bận hàng ngày nhay mắt", không thể đi đòi cung cấp thông tin từng vấn đề nhỏ.
Vấn đề là nhà nước vẫn phải chủ động cung cấp thông tin. Tiếng Latinh gọi điều này là "suo motu" – tức là tự làm mà không theo yêu cầu của ai. Nhà nước càng chủ động bao nhiêu, thì 2 bên càng đỡ mệt bấy nhiêu.
Chuyện ở những bản làng
Từ trước tới nay, Luật tiếp cận thông tin được mô tả nôm na: ở nhiều nước, chỉ cần có yêu cầu, người dân sẽ được tiếp cận mọi thông tin mà nhà nước đang nắm giữ. Họ có thể xem chi tiêu ngân sách ở mọi lĩnh vực, có thể biết được lịch đi công tác của quan chức... và từ các thông tin này, dễ dàng tham gia vào công tác giám sát, xây dựng chính sách.
Đó chỉ là một nửa bức tranh. Người dân không phải lúc nào cũng có điều kiện để "yêu cầu thông tin". Hãy hỏi những đồng bào người Mông, người Lô Lô sống trên lưng chừng núi ở huyện giáp biên Bảo Lạc, Cao Bằng. Họ không biết tiếng Kinh, không có điện, đường giao thông rất khó khăn. Thậm chí họ cũng không biết chính sách gì, quyết định nào đang tác động lên đời sống để mà đi hỏi.
Anh Sùng A Tọa, người Mông: "Không nhớ tên chương trình thì hỏi làm gì" |
Anh Sùng A Tọa, người Mông ở xã Phan Thanh, Bảo Lạc than, không biết được hỗ trợ con giống gì, chỉ cảm giác là... được cấp xuống không đủ. Nhưng anh không đi hỏi. Vì “hỏi chúng cũng chẳng trả lời đâu, và mình chẳng nhớ được tên chương trình hỗ trợ thì hỏi làm sao được”.
Không trách được anh Tọa vì không nhớ tên chương trình hỗ trợ của nhà nước. Vì sáng dậy ăn sáng rồi lên nương kiếm củi, anh cũng không biết đọc. Cũng không ai trách anh Tọa khi nghi ngờ cán bộ 'ăn bớt'–chuyện từng diễn ra.
Từ năm 2010-2012, tại xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, có 310 triệu đồng tiền các chương trình của nhà nước không thể đến tay người dân. Nó rơi rớt ở khâu nào, cơ quan điều tra đang làm rõ để xử lý. Nhưng cho dù xử lý thế nào, thì người dân cũng đã thiệt. Thậm chí họ không biết mình đang thiệt.
Hỏi anh Tướng, bí thư xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, rằng có biết dân đã bị ăn chặn. Anh trả lời: không. Làm công tác kết nối giữa chính quyền và đồng bào nhưng anh cũng chỉ hiểu nôm na, 'có 10 con bò thì người ta chỉ đưa xuống 7, 3 con họ ăn mất'…
Anh Tướng, người Lô Lô: "Có 10 con bò người ta chỉ đưa xuống 7 con". |
Luật tiếp cận thông tin văn minh là một luật tính đến cả những nhóm đối tượng yếu thế nhất. Tiếc rằng, điều này chưa được thể hiện trong các dự thảo được trình ra.
Các cán bộ xã ở vùng cao Bảo Lạc, sẽ vẫn vò đầu bứt tai khi làm việc với dân. Thậm chí, nếu có đồng bào lên làm việc, họ sẽ phải chạy ra đầu đường nhờ người phiên dịch. Hú họa. Vì sự cung cấp thông tin cho bà con chưa được luật hóa.
Người dân lam lũ, bận quanh năm, vì vậy sự chủ động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước mới là thứ có thể tạo ra tính minh bạch và thực thi quyền thông tin. Nếu chờ người dân đi hỏi, thì có thể mọi thứ đã quá muộn, nếu nhìn vào 10 con bò và 7 con bò ở xã vùng cao Kim Cúc.
Đức Hoàng