Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Tư lệnh tổ chức Lực lượng dân quân tổng động viên (PMF) ở Iraq nằm trong số những quan chức Iran và Iraq thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ nhằm trừ khử Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1.
Các tay súng PMF tại trụ sở của tổ chức dân quân này ở thành phố thánh địa Najaf, Iraq. Ảnh: Reuters |
Sau sự cố, PMF đã lớn tiếng khẳng định sẽ trả thù "tội ác" của người Mỹ. Jawad Al Telbawi, chỉ huy một nhóm trực thuộc PMF tuyên bố với báo Independent rằng: "Mọi biện pháp trả đũa đều đang được cân nhắc ... Không có lằn ranh đỏ nào cản trở sự trả thù của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm chấn động mặt đất dưới chân quân đội Mỹ ở Iraq. Đây không phải là khẩu hiệu mà là điều chúng tôi tin sẽ thành hiện thực".
Chỉ huy PMF không chỉ hướng đe dọa tới chính quyền ông Trump và quân đội Mỹ mà còn cả với dân thường Mỹ. Ông Telbawi kêu gọi các công dân Mỹ gây áp lực buộc Washington phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Iraw "trước khi PMF gửi trả các lính Mỹ trong những chiếc quan tài.
Theo chỉ huy dân quân Iraq, nếu người Mỹ tái bầu ông Trump làm tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, điều đó đồng nghĩa họ ủng hộ "các tội ác" của lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm và có thể làm thay đổi quan điểm của PMF đối với dân Mỹ, khiến "mọi lợi ích của Mỹ trong khu vực đối mặt rủi ro".
PMF được thành lập năm 2014 sau khi các lãnh đạo người Shiite kêu gọi những tình nguyện viên ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. PMF đã được chính phủ Iraq chính thức công nhận vào năm 2016 và hiện quy tụ 40 nhóm dân quân nhỏ hơn với tổng cộng khoảng 150.000 thành viên.
Theo báo RT, thái độ chống Mỹ dường như đang trỗi dậy ở Iraq khi một đám đông người biểu tình tại đây đã cố gắng tràn vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào ngày cuối cùng của năm 2019. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang nghiêm trọng sau vụ Mỹ sát hại tướng Soleimani, nhân vật được tin có quyền lực số hai ở Iran và có vai trò rất lớn trong việc giúp đánh bại IS ở Iraq cũng như các khu vực khác tại Trung Đông.
Sau cái chết của ông Soleimani, Quốc hội Iraq đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính phủ chấm dứt sự hiện diện của quân Mỹ và binh lính nước ngoài tại quốc gia này. Hôm 6/1, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã thảo luận với Đại sứ Mỹ Matthew Tueller về "tầm quan trọng của sự hợp tác qua lại trong việc thực hiện rút binh lính nước ngoài" cũng như ngăn chặn "việc sa lầy vào một cuộc chiến mở".
Tuy nhiên, cả Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đều nói quân đội nước này chưa sẵn sàng rời khỏi Iraq và rằng người Iraq cũng muốn họ ở lại.
Tuấn Anh