Một anh chàng ngập ngừng mãi mới dám hỏi chuyên viên tư vấn hôn nhân: “Làm thế nào để biết một cô gái có còn trinh hay không?”. Tôi hỏi lại anh ta: “Thế còn bạn, chắc bạn vẫn “còn “zin” nhỉ?”. Anh ta cười: “Đàn ông 30 tuổi còn "zin" có mà hâm”.
Thì ra đàn ông vẫn tự cho mình cái quyền “ăn tạp”, “ăn bậy”, “ăn cơm trước kẻng” còn phái đẹp thì cứ phải hoàn toàn trinh trắng cho đến đêm tân hôn?
Nói chuyện một lúc mới biết anh ta đã trải qua 3 mối tình mà cuộc tình nào cũng “đi đến tận cùng” cả. Thế mà bây giờ lấy vợ vẫn kén gái trinh. Lấy đâu ra nhiều gái trinh thế cho anh ta lấy khi cứ yêu lại đòi "tới bến"?
Tỷ lệ nữ giới trong các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay ngang hàng với nam giới. Nhiều ngành nghề mà trước đây cho rằng chỉ kén đàn ông như phi công, lái xe, kỹ sư kỹ thuật… giờ chị em cũng không hiếm.
Hiện nay, nam và nữ đều được đào tạo như nhau, phụ nữ ngày nay có thể làm được tất cả những gì mà nam giới làm được từ kỹ sư bác sĩ đến Thủ tướng, Tổng thống, thậm chí cả Bộ tưởng Bộ quốc phòng.
Nhưng rõ ràng trong lĩnh vực yêu đương, hôn nhân gia đình, thậm chí cả chuyện tình dục, còn lâu mới có bình đẳng.
Dư luận xã hội hiện nay còn đầy định kiến. Một anh con trai thay người yêu như thay áo còn khoe là mình “có số đào hoa”. Nhưng một người con gái cứ thử thế xem, lập tức họ bị chụp ngay cho cái mũ “lẳng lơ”, nếu chưa phải là những cái mũ khác còn nặng hơn nhiều.
Ngay trong phái nữ cũng có nhiều người chấp nhận sự bất bình đẳng như là một điều dĩ nhiên phải thế. Chẳng hạn chỉ có nam giới có quyền chủ động trong chuyện tỏ tình, còn phụ nữ không được "cầm đèn chạy trước tàu hoả". Tức là ngày nay vẫn nghĩ chỉ có "trâu đi tìm cọc chứ cọc không được đi tìm trâu", phụ nữ vẫn là bông hoa để ong bướm đến tìm mà không được quyền đi tìm ong bướm.
Ai làm khác đi là "ngược đời", thử hỏi như thế có bình đẳng không?
Đến cả những giây phút vợ chồng trong chốn phòng the, nam giới cũng là người “dẫn dắt cuộc chơi”, còn phái yếu đóng vai trò thụ động. Còn nhiều thí dụ khác nữa khó có thể kể hết.
Nói chung trong quan niệm yêu đương của chúng ta, phụ nữ bao giờ cũng là người chịu thiệt thòi, không được ngang hàng với nam giới.
Đặc biệt trong lĩnh vực ngoại tình, cho đến nay cái quan niệm: “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên chỉ có một chồng” dường như vẫn ám ảnh trong đầu óc nhiều người. Không ít ông chồng vẫn nghĩ đàn ông “bồ bịch” là chuyện thường, có thể tha thứ được nhưng vợ thì không.
Tháng trước tôi mới tư vấn cho một anh bỏ nhà đi xây nhà khác ở với nhân tình, bị vợ theo dõi đến tận nơi bắt quả tang còn cãi rằng đó chỉ là “vui chơi với gái qua đường” nhưng vẫn tròn trách nhiệm với vợ con là được.
Trong khi vợ đi học khiêu vũ thì anh ta đến tận nơi bắt về không cho học vì gái có chồng không có nhảy nhót gì hết. Chị ta ức quá đòi ly hôn nhưng mẹ đẻ cũng khuyên rằng đàn ông thời nào chẳng thế, ghen tuông làm gì, lơ đi cho yên cửa yên nhà.
Điều này không chỉ diễn ra ở nước ta mà ở cả nhiều nước phát triển trên thế giới.
Theo khảo sát của nhà tâm lý học Mỹ, Bonnie Eaker Weil chuyên gia về hôn nhân và gia đình của Hoa Kỳ, khoảng 50 - 70% đàn ông ngoại tình, trong khi con số ấy ở phụ nữ chỉ bằng một nửa, khoảng 25 - 40%.
Các nhà khoa học đưa ra nhiều cách lý giải về hiện tượng này. Người ta cho rằng trong vài thập kỷ gần đây ngày càng nhiều người thất vọng với hôn nhân, khiến cho tỷ lệ ngoại tình gia tăng và cùng với nó, tỷ lệ ly hôn cũng gia tăng.
Ngoại tình như một cách “cơi nới” để cố gắng níu giữ ngôi nhà hôn nhân đã quá chật chội, cả hai cùng thấy bức bối. Khi kinh tế càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ của con người càng cao và càng phức tạp. Sự khác nhau trong các nhu cầu càng xa thì mâu thuẫn càng nhiều, so với khi cuộc sống còn đơn giản.
Sở dĩ nam giới ngoại tình nhiều hơn còn vì so với phụ nữ họ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn vì họ họ ít phải làm nội trợ và chăm sóc con cái hơn. Nói chung họ có thời gian sống ngoài gia đình và tham dự những cuộc vui và giao tiếp nhiều hơn.
Ngày nay nam nữ cùng làm việc, cùng vui chơi giải trí, cùng đi công tác xa với nhau là thường, đôi khi còn ăn sáng, ăn trưa cùng nhau. Họ trở nên những người bạn khác giới thân thiết và từ tình bạn đến tình yêu đâu phải con đường xa lạ?
Thế nhưng nam giới ngoại tình vẫn dễ được tha thứ hơn chỉ bởi lý do “đàn ông mà” nhưng nếu phụ nữ dính vào tội ấy bị gọi là “lăng loàn”, “mất hết không còn gì” và không thể tha thứ được.
Thế thì bình đẳng ở đâu khi mà cùng một tội lỗi người này được tha thứ còn người kia phải trừng phạt thật nặng chỉ vì họ là đàn ông hay đàn bà?
Yêu nhau mặn nồng nhưng bạn trai vẫn tìm gặp đàn ông vì cơn 'say nắng'
Em chấp nhận quá khứ và cả giới tính 'mập mờ' của bạn trai vì em yêu anh ấy. Nhưng có lẽ anh ấy không trân trọng mối lương duyên này.
Theo Dân Việt