Đàn ông 40 tuổi mới lấy vợ, có muộn không? Nếu ai hỏi tôi câu đó, tôi sẽ trả lời chẳng có gì là muộn. Sớm hay muộn không phụ thuộc vào tuổi tác của một người, nó phụ thuộc vào ý chí, bản lĩnh, nghị lực và kinh tế của người đó.
Tôi từng chứng kiến một người bạn lấy vợ sớm ở tuổi 25. Hai người yêu nhau từ thời sinh viên. Bạn gái có bầu trước và rồi nhanh chóng cưới. 26 tuổi, cậu ấy đã là ông bố trẻ. Vợ đẹp, con xinh, ai nhìn vào cũng thích. Chàng là hotboy của trường, nàng cũng là hoa khôi ưu tú. Thế nhưng bên trong sự hào nhoáng ấy là thực tế chỉ có họ hiểu.
Gia đình lúc nào cũng “bóng nhoáng” xuất hiện trên mạng xã hội nhưng đằng sau lại liên tục cãi cọ nhau vì kinh tế. Vợ trẻ, chồng trẻ, chưa ai có kinh nghiệm làm cha mẹ cũng không có bản lĩnh để đối diện khó khăn. Trước đây, họ quen được khen ngợi nhưng bây giờ, hễ ai chê bai, họ lại nhụt chí, không muốn phấn đấu. Tiền bạc nuôi con cũng phụ thuộc vào bố mẹ. Thứ mà người ta tưởng là một gia đình hạnh phúc, vợ chồng sung túc thực ra là một mớ hỗn độn, khó giải quyết.
Và rồi 3 năm sau, họ ly hôn. Cuộc hôn nhân của một mối tình thời sinh viên đầy lãng mạn kết thúc chóng vánh là minh chứng cho việc lập gia đình sớm nhưng không tự chủ về kinh tế, không tự lo được cho mình.
Mới hôm qua, tôi lại đọc được câu chuyện cậu con trai lấy vợ nhưng để bố mẹ lo toàn bộ chi phí đám cưới, cỗ bàn. Anh ta chỉ có tiền đủ mua chiếc nhẫn và chụp ảnh cưới. Để rồi trong đêm tân hôn, vợ chồng cãi vã vì mẹ chồng giữ hết tiền mừng cưới, kể cả tiền bạn bè các con mừng. Cô vợ không cam lòng, mang chuyện nói khắp nơi. Cô mang bộ mặt khó chịu để ứng xử với mọi người trong gia đình chồng.
Anh chàng tâm sự, từ ngày cưới vợ, anh chưa có một ngày vui. Hôn nhân tưởng chừng hạnh phúc lại đang trên đà rạn nứt chỉ bởi vài tờ tiền mừng cưới. Anh buông lời trách vợ không biết điều, lại chẳng dám hé răng nói với mẹ. Bởi cả cái đám cưới này, anh có chi một đồng nào đâu?
Anh chồng trách cứ người vợ ích kỉ, nhỏ nhen nhưng lại không biết, lỗi là do mình. Một người đàn ông muốn lập gia đình nhưng lại không lo nổi tiền làm cỗ đám cưới, hỏi anh ta có xứng đáng là đàn ông? Anh ta thừa nhận: “Tôi mới đi làm mấy năm, thanh niên nên không biết tiết kiệm, lương tháng nào tiêu hết tháng đó”. Vậy mà anh ta lại “dám” lấy vợ?
Mấy chục năm được bố mẹ nuôi, lớn lên đi làm tháng nào tiêu hết tháng đó, chắc hẳn anh ta cũng chưa từng đưa đồng lương nào cho bố mẹ? Vậy mà anh ta lại quyết định lấy vợ nhẹ nhàng như không? Vậy anh dự tính sẽ nuôi con, lo cho gia đình nhỏ của mình bằng cái gì?
Đọc câu chuyện mà tôi thấy buồn thay. Ở nước ngoài, con cái đủ 18 tuổi đã ra ngoài sống riêng, bắt đầu cuộc sống tự lập. Sau này, các nàng dâu cũng chẳng lo chuyện sống chung với bố mẹ chồng, cũng không nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có khi sống nhiều thế hệ trong một nhà.
Thiết nghĩ, đàn ông Việt cũng cần học tự lập khi đủ tuổi, cần ra ngoài bươn chải, tự lo cho bản thân mình. Khi đủ trưởng thành, khi đủ kinh tế hãy nghĩ đến chuyện cưới xin. Khi đó, bạn nên rời xa bố mẹ hoàn toàn, đừng tơ tưởng chuyện bấu víu vào những người đã cần được nghỉ ngơi.
Đừng bận tâm chuyện tuổi tác khi lấy vợ, cũng đừng sợ lấy vợ muộn quá bị người ta chê cười. Nếu bạn lấy vợ ở tuổi 40 nhưng lo được cho vợ con cuộc sống đàng hoàng, người đời sẽ khen ngợi bạn. Sẽ chẳng ai tung hô một người lấy vợ sớm nhưng rồi con cái nheo nhóc, vợ con vất vả đủ đường. Khi bạn đủ điều kiện kinh tế, con cái bạn sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn, việc chăm con cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Tôi hi vọng bố mẹ mình có thể sống vui vẻ, an nhiên lúc già. Ai cũng có cuộc sống riêng, ai cũng phải có trách nhiệm lo cho mình, gia đình riêng của mình. Đừng gieo gánh nặng lên cha mẹ những người đã cả đời vất vả vì con cái.
Độc giả