- Anh H không biết ngượng khi cho vợ 2 cái tát chỉ vì dám đòi về quê ngoại ngày 29 hay chiều mồng 1.
Bài tâm sự ra oai của anh H (Bắc Giang) khi anh cấm vợ mở miệng xin về ăn Tết quê ngoại, 10 năm lấy nhau thì cứ đều như vắt chanh cái lịch: ăn hết Tết bên nhà chồng, Tết vét ăn bên nhà ngoại.
Vì mồng 4, mồng 5 ở những vùng nông thôn là lúc bà con xuống đồng lo cho mùa vụ mới. Ngày Tết chính chỉ được xem là chính thức từ ngày tất niên đến hết mồng 3. Anh H còn không biết ngượng mồm khi cho vợ 2 cái tát vì dám mở mồm đòi về quê ngoại ngày 29 hay chiều mồng 1.
Anh còn gọi điện rao giảng chân lý với bố mẹ vợ. Xin lỗi, cái thói gia trưởng hèn kém của anh mà anh còn cao giọng tung hô. Vợ anh chẳng qua muốn yên cửa yên nhà nên mới ngậm ngùi chịu đựng anh thôi. Chứ không lẽ bỏ chồng vì không được về quê ngoại ăn Tết?
Ảnh minh họa |
Vợ chồng tôi không có kì nghỉ Tết kéo dài 9 ngày như mọi người mà vẫn đi làm ca kíp bình thường nên muốn nghỉ về quê phải kéo ban. Tôi thỏa thuận với chồng mồng 1 về quê nội đón Tết vì nhà ông bà nội cách nhà tôi 20 km nên đi về trong ngày, mồng 2 lên đi làm, mồng 3 - mồng 4 là kéo về bên ngoại.
Mồng 5 Tết lên đi làm trả mọi người. Quê ngoại cách nhà tôi 70 cây nên không thể đi về trong ngày. Bố mẹ tôi có 3 người con, anh trai cả định cư trong nam, em gái út còn đang cảnh con nhỏ bấn bíu. Năm nào vợ chồng tôi cũng cố gắng về ăn Tết với bố mẹ đôi ngày, ông bà mừng lắm. Trước Tết lúc nào bố mẹ cũng điện thoại hỏi bao giờ các con về?
Để không mang tiếng bên trọng - bên khinh, công việc bên nhà chồng lúc nào tôi cũng xăm xắn lo liệu. Trước Tết, 2 vợ chồng về quê đi tảo mộ, đi chợ sắm sửa đồ Tết cho ông bà, đơn giản như bày biện mâm ngũ quả, mua bánh kẹo, biếu bà chút tiền để bà sắm Tết. Tôi cũng ý tứ không bao giờ kể lể việc vợ chồng tôi về quê ngoại ăn Tết hẳn 2 ngày mà về quê nội có 1 ngày vì mẹ chồng tôi hay bắt bẻ, so bì.
Tôi thấy ngày Tết với đàn bà thật khổ, quay cuồng trong bếp để phục vụ cả gia đình nhà chồng ăn Tết, trường kỳ chịu trận mấy ngày dọn dẹp khổ ải, mệt bở hơi tai. Chỉ có mơ ước "nhỏ như con thỏ" là thỉnh thoảng được về quê ngoại ăn Tết với bố mẹ đẻ mà khó như "bắc thang lên giời" vậy. Mở mồm ra là bị chồng chửi, ăn tát rồi chỉ mặt dọa trả về nơi sản xuất. Từ anh tài đức lẫy lừng đến anh tài hèn sức mọn luôn trịch thượng như vua trong gia đình, đàn bà luôn phải lép vế phục tùng.
Năm nay cơ quan tôi giảm biên mà tôi lại làm trúng mồng 1 Tết. Tôi còn lên quyết sách với chồng là 3 bố con về quê nội đón Tết, tôi kéo ban mồng 1, mồng 2 Tết để mồng 3, mồng 4 cả nhà về ăn Tết bên ngoại. Chồng tôi gật gù tán thành, không một lời thêm bớt.
Ai cũng bảo tôi số đỏ, vớ được anh chồng hiền lành tử tế rồi ra chiều thương cảm chồng tôi phải chịu đựng mụ vợ "vừa xấu vừa ghê" như tôi. Tôi cười nhếch mép rồi chuồn thẳng, ai hơi sức đâu phân trần chuyện nhà mình cho mọi người châm chọc cơ chứ.
Tôi chả giỏi giang gì đâu mà chỉ là tôi biết kéo chồng về phía mình với những lập luận không thể chối cãi. Không thể lôi cái câu "con gái là con người ta" ra mà chỉ dạy vợ vì tôi có thua chồng tôi ở điểm nào không. Tôi đi làm, có thu nhập không ăn bám chồng cớ gì mà về quê với bố mẹ đẻ cũng phải xin xỏ, lạy lục chồng.
Chồng tôi từng dọa nạt tôi theo kiểu anh H (Bắc Giang) dọa ly dị để gây sức ép bắt vợ phải làm theo ý mình. Tôi cũng chả phải tay vừa, cho bay luôn vài cái bát mẻ ra ngoài sân rồi cao giọng dọa lại chồng "nếu giỏi thử đánh tôi xem, tôi viết đơn lên sếp cho anh mất ghế Đảng viên luôn nhé rồi ly dị một thể".
Không ngờ, cái trò "rung cây dọa khỉ" lại phát huy tác dụng đến thế. Chồng tôi không bao giờ còn hù dọa tôi nữa vì tôi đâu có sợ, ai hơi sức đâu cắn răng chịu đựng thói vô lý của đàn ông các anh cả đời chứ. Tôi chả dại!
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả)
Độc giả Hoàng Thảo