Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam? Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Khi Đảng mắc sai lầm, khuyết điểm, hư hao, có lúc quên dân, xa rời dân, thì dân vẫn không quay lưng với Đảng, vẫn mong Đảng sửa sai, để lại xứng đáng là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Dân ơn Đảng
Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Được mùa, sắm thêm con trâu cày, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, “Đảng tốt thật”.
Vài ba chục năm lại đây, mỗi khi Đảng ban hành chủ trương chính sách mới, ích nước lợi nhà, người dân cho tới cộng đồng doanh nghiệp được cởi trói, ăn nên làm ra, đều không tiếc lời “nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ”...
Một giai đoạn lịch sử dài lâu, dân ta sống trong cảnh nô lệ, nước mất nhà tan, một cổ hai tròng, binh đao máu lửa. Từ khi Đảng phất cờ, tập hợp toàn dân làm cuộc cách mạng thành công, nhiều điều trước đây không nghĩ, không tưởng và không thể, những “trời cao, đất rộng bao la”, những “bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người” thành hiện thực. Cũng từ lâu, một thời, cái câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trở thành câu nói hàng ngày, rất hiện thực, cụ thể, sinh động.
Dân ơn Đảng cũng có cái lý của nó.
Dân ơn Đảng một cách vô tư, hồn nhiên, khi cuộc sống ngày ngày mang đến cho đại đa số dân chúng nhiều hơn những cơ hội học hành, mưu sinh, nuôi ước mơ tương lai.
Nhiều khi những thành quả, nguồn lợi có được không liên quan mấy đến vai trò của Đảng, Chính phủ, nhưng người dân vẫn không quên nghĩ đến công ơn của người lãnh đạo trực tiếp, toàn diện - đứa “con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”. Cả khi bị lũ cường hào ác bá cũ, mới chèn ép, hiếp đáp hay gặp chuyện oan khuất, người dân thường chỉ còn nghĩ đến Đảng, trông cậy vào Đảng, luôn nghĩ chỉ có Đảng mới đem lại công bằng cho họ.
Có được nhân dân nghĩa tình, son sắt niềm tin như thế, làm sao Đảng không một đời tận tuỵ, phấn đấu hy sinh vì dân vì nước!
Thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, thậm chí một thời gian dài sau khi Người qua đời, mỗi khi có được những thành công trong cuộc sống hay được hưởng thành quả của chế độ, người dân vẫn không quên cất lời “ơn Cụ Hồ”.
Cụ Hồ là biểu tượng, là hình ảnh tiêu biểu của Đảng, của chế độ vì nước vì dân, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Đảng mang nặng ơn dân
Trong rất nhiều diễn văn kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tôi ấn tượng với diễn văn mà Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đọc tại buổi lễ mừng Đảng tròn 30 tuổi cách nay 59 năm.
Ấn tượng không hẳn ở văn phong một bài diễn văn rất chính luận nhưng giản dị, ngắn gọn, hình ảnh mà hàm súc, mà chính là câu chuyện nghĩa tình giữa Đảng với Dân. Ngay những dòng đầu tiên của diễn văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “thay mặt Đảng gửi lời khen ngợi và cảm ơn toàn thể đồng bào”. Người nhắc đến vai trò của Đảng: “Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.
Người nhắc đến nhiệm vụ rất cụ thể của Đảng: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành nền kinh tế, văn hoá tiên tiến; đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”. Lại đề cao trách nhiệm của Đảng trước số phận người dân: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”.
Vì đâu người đứng đầu của Đảng, của nước đau đáu nhiệm vụ, trách nhiệm trước dân? Phải chăng từ khi Đảng ra đời đã mang nặng món nợ ơn dân? Phải chăng sức mạnh của dân tạo nên sức mạnh Đảng?
Nhà thơ Việt Phương từng nhìn ra cội nguồn sức mạnh của Đảng: “Đảng là máu,nước mắt, mồ hôi dân nghèo mình tụ lại/Thành những cánh rừng vùng lên đi, những ruộng đồng bừng lên nói (...)Đảng là sức đau tận cùng nỗi đau người nghèo khổ/ Sức dâng của nước và sức bừng của lửa”( Đảng/ Cửa mở/ Việt Phương)
Cũng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Tố Hữu, nhà thơ lớn của đất nước- “Người phát ngôn của Đảng” có bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Đó thực sự là cuốn lịch sử Đảng bằng thơ, với cảm hứng chủ đạo ngợi ca cội nguồn làm nên sức sống lâu bền của Đảng, đó là Lòng dân.
Rất nhiều ký ức được khơi dậy, nhắc nhớ: “Nhớ những lúc hầm sâu địch hậu/ Nhớ những đêm theo dấu đường dây/ Giặc lùng giặc quét giặc vây/ Có dân có Đảng đêm ngày vẫn vui”. Còn nữa: “Chín năm nắng núi mưa ngàn/ Có dân có Đảng cơ hàn vẫn vui”. Và đây nữa: “Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta/ Thương người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”.
Đâu chỉ dân mang ơn Đảng. Đảng thực sự mang nặng ơn dân!
Dân tặng Đảng huân chương
Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam? Đảng trưởng thành, lớn mạnh, giữ vững phẩm chất “là đạo đức là văn minh”, dân tin tưởng, đã đành. Khi Đảng mắc sai lầm, khuyết điểm, hư hao, có lúc quên dân, xa rời dân, thì dân vẫn không quay lưng với Đảng, vẫn mong Đảng sửa sai, để lại xứng là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Trọng dân là chìa khoá tạo nên sức sống lâu bền của Đảng.
Có một câu khẩu hiệu, mỗi năm vào dịp tết đến xuân về, vẫn được trưng lên khắp nơi, từ công sở tới phố phường, thôn quê. Đó là câu “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Sao lại chỉ là mừng Đảng mừng Xuân? Phải là “Đón Xuân, mừng Đất Nước đổi mới, mừng Nhân Dân hạnh phúc, mừng Dân Tộc trường tồn” chứ? Câu khẩu hiệu cũ mòn không phản ánh bản chất nghĩa tình, trọng dân của Đảng ta, lại khiến nhân dân cả nghĩ, chạnh lòng.
Gần 20 năm trước, Đài Tiếng nói Việt Nam phát một phóng sự có đầu đề Tặng cho Đảng cái bằng khen của nhà báo Trần Thiên Nhiên.
Phóng sự kể câu chuyện về ông Tư Ngán, một nông dân vùng Đồng Tháp Mười mở lòng khen Đảng có chủ trương đổi mới, cởi trói, kinh tế hộ gia đình phát triển, mùa vụ bội thu. Ông nhắn gửi nhà báo: “Bây về Hà Nội nhờ nói giùm, đề nghị Quốc hội tặng cho Đảng cái bằng khen”.
Nhà báo hỏi: “Sao lại bằng khen, phải huân chương chứ?”, thì ông già Nam Bộ lý giải: “Đảng có công đổi mới, đua đất nước đi lên. Nhưng Đảng cũng có lỗi, để dân khổ 10 năm. Trừ đi một nấc, bằng khen là vừa đó bây”.
Nhân dân đời nào cũng nghĩa tình, độ lượng và công bằng. Giờ đây, nếu ông Tư Ngán trong phóng sự gần 20 năm trước còn sống, với những thành công của Đảng trong công cuộc phòng chống tha hoá, tham nhũng, tiêu cực và ổn định chính trị, phát triển kinh tế, ông sẽ lại mở lòng khen Đảng, sẽ lại “uỷ quyền” cho Quốc hội tặng thưởng cho Đảng.
Nhưng là bằng khen hay huân chương đây?
Tôi nghĩ, nếu Đảng tiếp tục cầm trịch cuộc đấu tranh phòng chống tha hoá, tiêu cực, tham nhũng, thanh lọc đội ngũ đến cùng; nếu Đảng kiên trì tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, đổi mới tư duy, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nếu Đảng biết dựa vào dân tinh tường chọn lựa lớp cán bộ thay thế vị trí rường cột nước nhà thật sự trí tuệ, xem “danh dự là điều thiêng liêng nhất”, xem “lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng”; nếu...; thì chắc chắn, không chỉ ông Tư Ngán, mà toàn dân, không chút đắn đo, tặng Đảng cái huân chương!
Uông Ngọc Dậu