- Trong khi một số công ty kinh doanh đa cấp đã bị các ngành chức năng "sờ gáy" - bao gồm cả Thiên Ngọc Minh Uy - thì ở những vùng quê nghèo, nhiều người dân vẫn đang chìm trong "giấc mộng làm giàu" mang tên đa cấp.
Lôi kéo cả mẹ chồng
Vẻ chân thật, cả tin của bà Nguyễn Thị Hằng (54 tuổi - tên nhân vật đã được thay đổi - PV), một nông dân thuần túy đang sống tại thôn Xy Thượng (xã Tân Lập, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) vẫn chưa mất đi, dù sau gần 2 năm tham gia mạng lưới đa cấp TNMU đã khiến khả năng “thuyết trình” của bà tăng lên rất nhiều.
Bà Hằng cho biết, đã thế chấp bìa đỏ thửa đất hơn 1.000m2 để vay 90 triệu đồng. Hợp đồng với ngân hàng ghi "vay vốn chăn nuôi bò và lợn thịt".
|
Vợ chồng bà Hằng, ông Thuận (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) tham gia mạng lưới đa cấp của TNMU với những mã hàng lên đến hơn trăm triệu đồng. |
"Gia đình tôi đã tham gia gần chục “mã”, tổng số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng. Số tiền mà tôi nhận được, tháng cao nhất lên tới gần 40 triệu, là tiền thù lao công ty trả cho tôi" - bà Hằng cho hay.
Ngoài hai vợ chồng, mẹ chồng, bà Hằng còn lôi kéo và hiện nay mạng lưới dưới bà đã lên đến gần 80 người. Bà Hằng đang ở vị trí Phó trưởng phòng, dù trình độ học vấn mới chỉ 7/10. Công việc chính mà bà vẫn làm gần hai chục năm nay là trồng lúa, buôn bán thóc gạo và gà thịt.
Khi chúng tôi tìm tới, bà Hằng đang "chủ trì" buổi họp các thành viên, có cả bà mẹ chồng 80 tuổi cũng chống gậy đi họp.
Chồng bà, ông Trần Văn Thuận (cũng là hội viên), ở nhà chăn nuôi gà vịt, trông coi chiếc máy xay xát, đã nhiệt tình gọi vợ về tiếp chuyện.
Hợp đồng được ký kết giữa công ty Thiên Ngọc Minh Uy và "nhà đầu tư" |
"Sáng nay tôi vừa đi dự hội thảo tri ân thành viên mãi dưới TP Vĩnh Yên. Tháng này tôi nhận được 2,5 triệu, vẫn còn niêm phong nguyên phong bì đây" - bà Hằng hồ hởi.
Bà Hằng cho biết, sau gần 2 năm, bà đã nhận được số tiền tri ân lên tới… 300 triệu đồng (!?). Tuy nhiên, khi PV hỏi thì bà không đưa được bằng chứng nào. Đồng thời, món nợ 90 triệu bà vẫn chưa trả ngân hàng và cho rằng: "Tôi còn phải làm nhiều việc khác. Hàng tháng tôi vẫn đóng lãi 800 ngàn đồng. Nếu như mạng lưới các thành viên phát triển tốt, năm nay tôi sẽ lên vị trí Trưởng phòng".
Bệnh nào cũng khỏi, không cần đi viện
Bà Hằng tham gia mạng lưới này vào khoảng tháng 4/2014. Khi đó, các đại lý của công ty TNMU bắt đầu rục rịch đổ bộ đến vùng quê để phát "phiếu chăm sóc sức khỏe miễn phí".
Điều khiến bà tin và mê muội sau đó là do khi nhận phiếu để chữa cánh tay bị đau không cử động được từ nhiều năm trước đó, chỉ 2 lần điều trị bà đã khỏi bệnh.
"Các nhân viên của TNMU mở trụ sở ở huyện Lập Thạch xoa bóp cho tôi mỗi lần khoảng 1 tiếng. Cô điều trị viên giỏi lắm, bảo tay tôi đau không cử động được là do… tim chứ không phải bệnh tật gì ở tay cả. Như thế, bệnh viện chẩn đoán sai hết”, bà Hằng hào hứng nhớ lại.
Không chỉ thế, chồng bà Hằng bị viêm đa khớp, hai chân tê gần như liệt, không đứng thẳng được; bà mẹ chồng ngót 80 tuổi bị bệnh gout, cứ trái gió trở trời là người ê ẩm, đau nhức, cũng được bà Hằng "phó thác" vào TNMU.
Khỏi về xương khớp, bà Hằng tiếp tục mua thêm các mã để cả nhà chữa bệnh… dạ dày.
“Không cần uống thuốc, họ chỉ xoa bóp lục phủ ngũ tạng, thế là bệnh dạ dày khỏi hết. Bệnh nào cũng khỏi, không cần đến bệnh viện điều trị. Gần hai năm nay, cả nhà tôi đều mạnh khỏe, hết tiệt bệnh tật" - bà Hằng quả quyết.
Hỏi trình độ chuyên môn của các điều trị viên, bà Hằng xuýt xoa: "Giỏi lắm. Các cô ấy cũng là người dân địa phương tôi cả thôi. Nhưng họ được đưa sang đào tạo ở nước ngoài những ba tháng, sau đó về thì chữa được bệnh. Mà họ (công ty TNMU - PV) chỉ nhận các cô từ hai con trở xuống, không nhận người lớn tuổi".
|
Sản phẩm nồi cơm điện, đai chữa bệnh giá hàng chục triệu đồng. Để mua những “gói điều trị sức khỏe” này, vợ chồng bà đã thế chấp cả bìa đỏ để vay ngân hàng lấy tiền “chơi” đa cấp. |
Theo bà Hằng, một “gói trị liệu” tương đương với một “mã” có giá 9,8 triệu đồng (năm 2014), tăng lên hơn 12 triệu (năm 2015) và 13,7 triệu (năm 2016). Người mua được 12 lần “điều trị”/thời gian 3 tháng, mỗi tháng 4 lần, một lần/ một tuần.
Như vậy, một lần “xoa bóp” thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ, mỗi “bệnh nhân” như người nhà bà Hằng phải trả trên dưới 1 triệu đồng. Số tiền này tương đương với gần 2 tạ thóc mà những người nông dân ở Sông Lô phải chờ đợi mấy tháng ròng mới được thu hoạch.
Không chỉ mua mã trị liệu, vợ chồng bà Hằng còn bỏ 10 triệu đồng để mua một nồi cơm điện và bếp từ xuất xứ Đài Loan; 15 triệu mua máy sục ô-zôn cho con gái để cô được vào “mạng lưới” của mình.
Ông Thuận quả quyết: “Họ (TNMU) bảo hành suốt đời cho chúng tôi.”. Còn bà Hằng cũng vội giới thiệu "chiếc đai năng lượng, chỉ cần quấn lên bụng là mệt mỏi tiêu tan. Đàn bà thì tan mỡ bụng, đàn ông thì uống rượu không biết say”.
Ngoài ra, sản phẩm áo lót ngực nano có giá hàng chục triệu đồng cũng được bà Hằng hồ hởi giới thiệu. Theo bà Hằng, áo này trên cả tuyệt vời, giúp hút mỡ dư thừa từ bụng lên để cho người nào có ngực bé thành ngực to; ngực to, nó tỏa năng lượng để làm tiêu tan mỡ. Còn quần lót nữ có tác dụng là trị cả những bệnh phụ khoa, bệnh phụ nữ, điều hòa kinh nguyệt…
Trong khi ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhiều bà con nông dân đang say sưa với mộng làm giàu cùng TNMU thì ở ĐBSCL, hồi cuối năm ngoái, 6 cơ sở thuộc công ty này đã bị ngành chức năng phạt cả tỷ đồng vì kinh doanh đa cấp sai phép.
Đại lý của Thiên Ngọc Minh Uy từng bị phạt hơn 1 tỷ đồng Tháng 11/2015, UBND tỉnh Vĩnh Long đã xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở bán hàng đa cấp thuộc công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Mỗi cơ sở bị phạt 140 triệu đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền mà không có giấy phép hoạt động. Đồng thời, công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cũng bị xử phạt 180 triệu đồng về hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện khuyến mãi; mỹ phẩm ra thị trường kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm; mỹ phẩm ghi nhãn không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy mỹ phẩm. Trước đó, cuối tháng 10, 4 cơ sở bán hàng của Thiên Ngọc Minh Uy ở Đắk Lắk cũng đã bị Sở Công thương Đắk Lắk đã xử phạt với tổng số tiền 18 triệu đồng vì sai phạm kinh doanh hàng hóa nhập khẩu bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hàng hóa có nhãn nhưng thông tin sai sự thật. |
Nếu bạn biết thông tin về những trường hợp người thân, người quen của mình bị lừa đảo bởi kinh doanh đa cấp, hãy gửi thông tin tới VietNamNet qua email [email protected]. Chúng tôi sẽ mời luật sư tư vấn miễn phí cho bạn. |
Kiên Trung - Hoàng Sang
Bài 4: Giám đốc đa cấp 8x đưa dự án tỷ đô lòe người nghèo