-Có thể thấy sự quyết đoán và cầu thị của tiền nhân trong việc từ bỏ cái cũ (kể cả đức tin) đã lỗi thời và vận dụng hiệu quả những cái hay từ bên ngoài vào xã hội và văn hóa Việt.

Tổ tiên người Việt tiến bộ hơn?

Khi học về “sự tích bánh chưng, bánh giầy” hẳn đa phần chúng ta được dạy rằng Hoàng tử Lang Liêu làm nên hai loại bánh này dựa trên ý tưởng mang đầy tính triết lý “Trời tròn, Đất vuông” đậm chất văn hóa lúa nước. Gần đây khi đọc lại câu chuyện này, tôi tự nhủ không lẽ người Việt cổ đã đi trước và tiến bộ hơn rất nhiều so với tổ tiên của người Hán(!)

Theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân (với công lao của Thánh Gióng), Vua Hùng Vương thứ 6 đã có ý định nhường ngôi cho con và nhờ hai chiếc bánh “đặc sản” này mà hoàng tử Lang Liêu đã được chọn.

Soi chiếu vào thực tế,  thì nhà Ân, chính là một giai đoạn của nhà Thương Trung Quốc, trị vì trước nhà Chu (Tây Chu & Đông Chu - từ TK 11 đến năm 256 trước Công nguyên). Và mãi đến thời Đông Chu (từ 770 trước Công nguyên) người Trung Quốc mới cho ra đời khái niệm "Trời tròn, Đất vuông" (Thiên viên, Địa phương) rồi đến tận thời Chiến Quốc (từ năm 476 trước Công nguyên) thuyết này mới cho ra đời các khái niệm về vòm trời và các cung trên trái đất (nhiều nguồn dẫn).

Như vậy, nếu bánh chưng, bánh giầy là biểu tượng của Đất, Trời thi tổ tiên chúng ta đã đi trước tổ tiên họ (người Hán) đến hàng nửa thiên niên kỷ vậy.

{keywords}

Triết lý “Trời tròn, Đất vuông” và đậm chất văn hóa lúa nước của VN.

Thắc mắc này của tôi chỉ được giải tỏa khi đọc một công trình nghiên cứu của cố GS. Trần Quốc Vượng.

Theo GS. Vượng, trong truyền thuyết ban đầu, bánh chưng vốn không có hình vuông như bây giờ mà mang hình trục giống như các loại bánh nếp của người Tày hay của các dân tộc khác. Sở dĩ có chuyện này là bởi dưới thời Hùng Vương dân tộc ta vẫn còn tôn thờ tín ngưỡng "Phồn thực" như nhiều bộ tộc khác ở Phương Nam.

Cũng theo GS. Vượng, chuyện bánh chưng hình vuông chỉ được đưa ra vào thời nhà hậu Lê, khi Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc hơn ở Việt Nam.

Vậy tại sao truyền thuyết này lại được điều chỉnh? Có nhiều cách giải thích khác nhau. Phải chăng bắt nguồn từ hai nguyên nhân: (i) định hướng người dân theo  đường lối chính trị của nhà cầm quyền (khi đó là Nho giáo) và (ii) nâng cấp tín ngưỡng hay nhân sinh quan của dân tộc theo đường hướng mà họ cho là tiến bộ(!)

Mặc dù chuyện này có thể khiến chúng ta hiểu sai tín ngưỡng tổ tiên (thời Hùng Vương), nhưng xét mặt tích cực, có thể thấy sự quyết đoán và cầu thị của tiền nhân trong việc từ bỏ cái cũ (kể cả đức tin) đã lỗi thời và vận dụng hiệu quả những cái hay từ bên ngoài vào xã hội và văn hóa Việt.

Sự thành công của việc chỉnh sửa “nhân sinh quan” trong câu chuyện này cho thấy truyền thống có thế thay đổi bằng công cụ truyền thông.

Trong trường hợp này truyền thông (theo kiểu cũ, áp đặt) đã thắng truyền thống.

Ứng xử trong thế giới phẳng

Trong một thế giới đang ngày càng phẳng hơn, khi sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa thuận tiện hơn bao giờ hết khiến nhiều giá trị truyền thống đang ngày càng bị mai một thì việc bảo tồn các phong tục, tập quán và các lễ hội cổ truyền là rất cần thiết và nên làm.

Khi quyền tự do, tôn giáo, tín ngưỡng đang được bảo vệ bằng Hiến pháp và sẽ không ai có quyền tước bỏ tín ngưỡng của người dân thì sự can thiệp của chính quyền để chấm dứt một tập tục văn hóa là khó có thể xảy ra.

Do yếu tố địa lý và lịch sử, trước kia người Việt thường sống bó hẹp trong “làng, xã” nên các tập tục văn hóa của mỗi cộng đồng thường được bó hẹp trong một phạm vi nhỏ và không gây tác động hay mâu thuẫn với các cộng đồng khác. Ngày nay chúng ta tương tác với nhau nhiều hơn nên các phong tục tập quán cũng cần được sàng lọc và thay đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh mới. Hơn nữa, có một số phong tục, tập quán không còn phù hợp, như lễ hội săn voi, do nếu thực hành sẽ vi phạm pháp luật thì chắc chắn cần phải loại bỏ.

Cũng giống như các mâu thuẫn giữa “Bảo tồn” và “Phát triển”, tìm được sự hài hòa và thỏa mãn được hết tất cả các cộng đồng, các nhóm người trong xã hội khi muốn thay đổi một vấn đề nào đó là không hề dễ. Quan trọng là cần đưa ra giải pháp tối ưu thông qua phân tích đa chỉ số cùng một tiến trình quản trị minh bạch, dân chủ. Để làm được điều này, một lần nữa truyền thông lại vẫn là công cụ hữu hiệu để các bên ngồi lại cùng nhau và  rút ngắn các khác biệt.

Những ầm ĩ xung quanh “lễ hội chém lợn” ở Bắc  Ninh có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước nhất là do chúng ta chưa thể đưa tất cả các vấn đề tranh luận vào trong cùng một hệ quy chiếu.

Thật khó mà thuyết phục lẫn nhau khi một bên nói về các ảnh hưởng lên “Tâm lý trẻ em” trong khi bên còn lại đưa ra các biện hộ liên quan đến “Tín ngưỡng phồn thực” hay “Bề dày lịch sử”,v.v.

Câu chuyện sẽ càng khó ngã ngũ nếu các bên tiếp tục đưa các tiêu chí về “Quyền con người”, “Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng” và những thứ tương tự vào cuộc tranh biện này. Vấn đề chỉ có thể giải quyết một khi các bên đặt lợi ích của cả cộng đồng lên trên thay vì khăng khăng tranh đấu cho riêng cộng đồng/ tổ chức mình. Muốn làm được điều này, một lần nữa vai trò của truyền thông lại càng quan trọng.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin đa chiều và ý kiến các bên liên quan với vai trò trung gian như hiện nay, giới truyền thông cần định hướng các tranh biện về cùng các nhóm vấn đề chủ chốt đồng thời đóng vai trò hỗ trợ để mọi người hiểu về nhau hơn thay vì chia rẽ. Trên hết lợi ích và hình ảnh quốc gia nên được coi là các ưu tiên quan trọng.

Truyền thông sẽ thật sự thăng hoa và phát huy đúng tinh thần cao đẹp trong vai trò kết nối khi mỗi người làm việc không chỉ để tên tuổi của cá nhân mình, tờ báo của mình được biết đến nhiều hơn mà còn để giúp hạn chế sự khác biệt, cổ súy cho các đồng thuận và hướng tới một cộng đồng văn minh, đoàn kết.

Hơn hết thảy, hãy cùng nhau tạo nên một nền tảng thông tin minh bạch trong mỗi sự kiện để các thế hệ sau có thể hiểu đúng về cha ông mà không cần những nhà nghiên cứu lịch sử như GS. Trần Quốc Vương trong câu chuyện bánh chưng, bánh giầy kia.

Được như vậy, truyền thông sẽ làm nên truyền thống!

Trần Văn Tuấn