“Bệnh nhân 17” từng khiến dư luận phẫn nộ vì giấu lịch trình di chuyển
Đầu tháng 3/2020, bệnh nhân N.H.N (27 tuổi) được xác định là ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại thành phố Hà Nội và là bệnh nhân thứ 17 của cả nước (Bệnh nhân 17). Ngay trong những ngày tiếp theo, cả nước đã liên tục ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới liên quan đến bệnh nhân này, bao gồm người nhà, người giúp việc và cả những hành khách ngồi chung chuyến bay với cô...
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, điều khiến dư luận và cư dân mạng phẫn nộ không phải vì N.H.N trở thành ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội sau một thời gian yên ắng, mà là vì cô gái này đã che giấu lịch trình di chuyển của mình để qua mặt cơ quan chức năng và tránh bị cách ly tập trung khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Hậu quả, con phố sầm uất nhất nhì Hà Nội- phố Trúc Bạch, nơi bệnh nhân 17 sinh sống, bị phong tỏa trong nhiều tuần. Sinh hoạt của toàn bộ cư dân trên con phố bị đảo lộn, nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng nề với giá trị khó đong đếm.
Trong khi bệnh nhân 17 không gặp tình trạng quá nặng khi mắc Covid-19 và nhanh chóng khỏi bệnh, thì bệnh nhân 19 (bác gái của nữ bệnh nhân 17 và lây nhiễm Covid-19 trực tiếp từ cô) lại diễn biến nặng và trở thành ca bệnh nặng nhất tại miền Bắc vào thời điểm đó, đã có lúc ngừng tim. May mắn, nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã giúp bệnh nhân 19 vượt qua “cửa tử” và phục hồi sau chuỗi ngày rất dài nằm điều trị.
Hành động khai báo không trung thực của BN17, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã thổi bùng làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội. Vào thời điểm đó, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những bình luận tiêu cực nhằm vào nữ bệnh nhân này.
Điều đáng nói là sau khi gây ra sự việc, “bệnh nhân 17” chưa từng một lần công khai gửi lời xin lỗi đến những người bị ảnh hưởng bởi sự vô ý thức của mình, hoặc gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ đã điều trị cho mình, dù là trên trang cá nhân hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Xuất hiện trên tạp chí Mỹ
Bẵng đi một thời gian, mới đây, “bệnh nhân 17” cùng chị gái lại tiếp tục “gây sóng” mạng xã hội khi bất ngờ xuất hiện trên tờ tạp chí The New Yorker (Mỹ), trong bài viết chia sẻ về những “nỗi khổ” của 2 nhân vật này trong thời gian chữa bệnh tại Việt Nam.
Trong bài viết, tờ The New Yorker đưa thông tin “bệnh nhân 17” đã bị tổn thương khi phải hứng chịu những sự chỉ trích và thậm chí là sỉ nhục của người dân tại Việt Nam, chỉ bởi vì cô là người mắc Covid-19.
Dù vậy, bài viết không hề đề cập gì đến chuyện cô gái đã khai báo gian dối để trốn cách ly, gây hậu quả nặng nề cho Việt Nam, mà đó mới chính là nguyên nhân khiến cô hứng chịu sự chỉ trích của dư luận.
Cư dân mạng quốc tế sục sôi phẫn nộ
Dường như nội dung của bài viết trên The New Yorker nhằm “tẩy trắng” cho nữ “bệnh nhân 17”, khi biến cô từ một người người khai báo gian dối, làm ảnh hưởng đến công cuộc chống dịch tại Việt Nam, thành “nạn nhân đáng thương” của những lời chỉ trích và châm biếm trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, nỗ lực này đã bất thành khi một lần nữa cô lại phải hứng chịu sự phẫn nộ của cư dân mạng. Đáng chú ý, khác với hồi tháng 3, lần này “bệnh nhân 17” còn phải hứng chịu sự chỉ trích của cả những cư dân mạng nước ngoài.
Sau khi The New Yorker chia sẻ bài viết về “bệnh nhân 17” trên trang Facebook chính thức của mình, bài viết đã thu hút hơn 32 ngàn lượt bày tỏ cảm xúc, trong đó đa phần là cảm xúc “phẫn nộ”, hơn 11 ngàn bình luận, trong đó đều là những bình luận chỉ trích “bệnh nhân 17” vì đã không kể đúng sự thật trong bài viết.
Ngoài ra, truy cập vào fanpage của tạp chí này trên Facebook, không khó để nhận ra người dùng mạng để lại bình luận bày tỏ sự phản đối trong nhiều bài viết khác. Trong số các tài khoản bình luận câu chuyện, có hàng trăm lượt bình luận đến từ những người nước ngoài.
Dù các ý kiến bình luận đến từ nhiều người dùng khác nhau, nhưng tất cả đều chung sự bức xúc trước nội dung sai sự thật.
“Bài viết đã bỏ qua sự thật rằng cô ấy đã nói dối để tránh bị cách ly bắt buộc theo yêu cầu của chính phủ”, một cư dân mạng bình luận trong bài viết của The New Yorker và nhận được rất nhiều sự đồng tình.
“Cô gái này xứng đáng nhận được giải Oscar khi đóng vai nạn nhân. Lẽ ra cô ấy phải bị nhốt lại và không được đối xử tốt sau những gì cô ấy đã làm với đất nước. Nếu cô ấy không nói dối về lịch sử du lịch của mình và tuân thủ các quy tắc cách ly, chúng tôi sẽ không giận cô ấy, bất kể cô ấy giàu có hay địa vị xã hội ra sao. Làm ơn hãy đi khỏi Việt Nam và đừng bao giờ quay lại nữa”, một người dùng Facebook khác bình luận và nhận được hơn 9 ngàn lượt bày tỏ cảm xúc.
“Đất nước, con người Việt Nam đã hết lòng cứu chữa cho cô ấy, để rồi giờ đây cô ấy quay ra trách móc mọi người ở Việt Nam và cho rằng chỉ vì cô ấy giàu có nên mới bị như vậy? Thật đáng hổ thẹn. Hy vọng cô ấy sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam nữa”, một cư dân mạng khác nhận xét.
“Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Đừng để mọi người phải phẫn nộ với những bài viết sai sự thật như thế này. “Bệnh nhân 17” đã không khai báo về tình trạng sức khỏe và thông tin liên quan đến chuyến đi của mình, khiến Việt Nam phải vất vả hơn trong quá trình chống dịch. Thêm vào đó, cô ấy và người thân đã được chữa trị miễn phí. Vậy cô ấy còn muốn đòi hỏi gì?”, một người dùng Facebook khác bình luận.
“Thật nực cười vì cô ấy cho rằng mình bị ganh tị vì sự giàu có. Không ai ganh tị với cô ấy cả, mọi người chỉ đang tức giận vì sự dối trá của của cô ấy. Không chỉ một, cô gái này đã nói dối hai lần, một lần khi nhập cảnh vào Việt Nam và giờ đây là trên báo chí của Mỹ. Cô ấy thật tệ và không xứng đáng quay trở lại Việt Nam”, một cư dân mạng bày tỏ sự bức xúc.
Hiện bài viết về “bệnh nhân 17” trên trang Facebook của The New Yorker vẫn tiếp tục nhận được một lượng bình luận lớn từ người dùng mạng xã hội trong và ngoài nước, với lượng tương tác vượt trội so với các bài viết khác trên trang. Đa phần trong số đó vẫn là những bình luận bày tỏ sự phẫn nộ với những thông tin thiếu sự thật mà “bệnh nhân 17” đã chia sẻ.
(Theo Dân Trí)
Chế giễu món phở, nhà hàng Canada bị dân mạng Việt kêu gọi tẩy chay
Cố tình sử dụng tên món phở để xuyên tạc sang những từ ngữ mang nghĩa nhạy cảm, nhà hàng Canada vấp phải phản ứng gay gắt và nhận nhiều đánh giá 1 sao.