Trên trang cá nhân của mình, người dùng có tên Q.C, hiện sống tại TP.HCM kêu gọi bạn bè ghé qua địa chỉ tại thành phố Đà Nẵng để check in và tạo địa điểm mới có tên “nhà kẻ biến thái dâm ô”.

Đây là địa chỉ nhà của người được xác định là có hành động sàm sỡ với bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM.

Bài viết kêu gọi của anh Q.C trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Theo chia sẻ trên bài viết, anh C. cho biết mục đích kêu gọi là vì sau khi có nhiều người tới check in, Google Maps và Facebook sẽ tạo một địa điểm mới với tên như vậy. Sau này, mọi dịch vụ dùng bản đồ của 2 nền tảng này như dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn… đều hiện cái tên mà mọi người tạo ra.

Bài viết kêu gọi được đăng từ ngày 4/4, sau đó đã bị báo cáo và xóa 1 lần. Anh C. tiếp tục đăng tải một bài viết khác vào tối ngày 4/4, hiện đã được hàng trăm lượt thích và trên 100 lượt chia sẻ.

Khi tìm trên Google Maps với từ khóa "Nguyễn Hữu Linh", nhiều ảnh chế, ảnh chụp nhà ông Linh hiện lên. Ảnh chụp màn hình.

Theo ghi nhận của Zing.vn vào sáng 5/4, khi tìm địa chỉ nhà theo số nhà và phố thì Google Maps vẫn hiển thị bình thường. Tuy nhiên khi tìm theo tên ông Nguyễn Hữu Linh, Google Maps hiện ra nhiều bài viết, ảnh check in tại nhà của ông này.

Anh Lê Bách, một người từng cộng tác trong cộng đồng Google Maps Maker Việt Nam cho biết Google sẽ sửa đổi dữ liệu của Google Maps khi có nhiều yêu cầu từ cộng đồng.

"Khi nhiều người yêu cầu thì Google sẽ thực hiện đổi, nhưng cũng có một số giới hạn. Ví dụ, các địa điểm liên quan đến lịch sử thì họ sẽ không sửa tự động. Ngoài ra, với các địa điểm thông thường thì họ cũng có hệ thống AI để nhận biết việc sửa đổi có ý tiêu cực hay tích cực, nhằm hạn chế những sự thay đổi mang ý nghĩa tiêu cực", anh Bách nói với Zing.vn.

Trong trường hợp như nhà ông Linh bị sửa tên, theo anh Bách thì hầu như không thể liên hệ trực tiếp với Google để sửa lại tên.

"Một khi tên đã bị sửa rồi thì rất khó thay đổi. Hiện tại cộng đồng dữ liệu Google Maps không còn, nhưng vẫn có cộng đồng Local Guides (những hướng dẫn viên địa phương). Dù vậy không phải cứ liên hệ với họ là sửa được. Google họ rất coi trọng dữ liệu cộng đồng", anh Bách chia sẻ.

Một số bản đồ như Google Maps cho phép người dùng góp ý, thậm chí thay đổi dữ liệu bản đồ và sửa địa điểm nếu có đủ số lượng yêu cầu. Tính năng này từng được một số người chơi Pokemon Go tận dụng để sửa các địa điểm nhằm tiện cho việc chơi game.

Năm 2016, trên dữ liệu Google Maps tại Việt Nam, công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) từng bị “chuyển” về một nơi khác hẳn. Người dùng thậm chí còn tạo một địa điểm mới như Đại học Pokemon để có cơ may gặp được nhiều Pokemon quý. Điều này đã khiến cộng đồng xây dựng dữ liệu Google Maps tại Việt Nam bức xúc và lên tiếng phản đối.

Một sự việc tương tự từng xảy ra ở Mỹ năm 2015. Ông Walter Palmer, một nha sĩ tại Minnesota đi săn và giết chết 1 con sư tử tại Zimbabwe. Điều này khiến cộng đồng mạng phẫn nộ và tìm cách “trả đũa” ông này trên mạng.

Địa chỉ phòng khám của ông Palmer trên Yelp bị nhiều người dùng vào đánh giá tiêu cực. “Tôi mang con sư tử của mình tới khám và kết quả thật kinh hãi”, một bài đánh giá viết. “Tôi muốn nhổ răng, nên bác sĩ Palmer đã bắn một mũi tên vào cổ tôi, rồi đuổi theo tôi trong 40 giờ”, một người khác viết.

Tuy nhiên không phải bài đánh giá nào cũng mang ý nghĩa hài hước. “Mày là một kẻ vô dụng. Tao hi vọng sẽ có người săn mày với một cái cung, bắt mày nằm đó đau đớn trong 40 giờ, sau đó kết liễu bằng một khẩu súng”, một người dùng để lại lời nhắn trên địa chỉ Yelp của ông Palmer. “Thật éo le là Yelp đã chuyển từ một kiểu mẫu Web 2.0 hướng tới dân chủ thành một nền tảng để tấn công người khác”, trang Slate nhận xét.

Theo Zing