- Hàng tấn cá vược nổi trắng ao, đầm trong đợt rét kỷ lục khiến nhiều hộ dân ở Thái Bình đứng trước nguy cơ mất trắng.
Đợt rét kỷ lục đang diễn ra ở miền Bắc khiến nông dân các vùng điêu đứng. Nông dân vùng núi khóc ròng vì gia súc ốm chết, hoa màu hư hỏng thì nông dân vùng biển cũng đang đối mặt với nguy cơ nợ nần vì đầm tôm, cá chết lạnh, nổi trắng ao.
Tiền Hải và Thái Thụy là hai huyện nuôi cá vược trọng điểm ở Thái Bình. Nhiệt độ giảm sâu trong những ngày qua khiến cá chết hàng loạt. Theo ghi nhận của PV Tri thức trẻ tại các xã Nam Cường, Nam Thịnh, Đông Minh của huyện Tiền Hải, tổng diện tích người dân nuôi cá vược ở ao, đầm gần 18 ha.
Báo cáo sơ bộ của Phòng nông nghiệp huyện Tiền Hải cho biết, số lượng cá chết đã lên đến con số trên 16.700 tấn. Uớc tính ban đầu, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng và con số này còn tiếp tục tăng trong vài ngày tới.
Được biết, toàn bộ số cá vược ở các khu vực này chủ yếu nuôi để xuất khẩu. Cá vược hiện tại chỉ khoảng trên dưới 1kg, chưa đến kỳ thu hoạch thì chết rét.
Tình cảnh chung của các đầm cá vược ở Thái Thụy, Thái Bình (Ảnh C. Mai) |
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Lê Tiến Dũng, chủ đầm tôm ở Thái Đô, Thái Thụy cho biết đầm tôm nhà ông đã thu hoạch xong, chỉ còn sót lại một ít nên không ảnh hưởng nhiều. Nhưng các gia đình nuôi cá vược xung quanh thì gần như mất trắng.
“Trung bình hằng năm, tổng các đầm cá vược ở xã Thái Đô bán được khoảng 70-80 tỷ. Lãi không nhiều vì nuôi loại này không năng suất, gọi là gom góp tiền vào cuối vụ rồi lại quay vòng sản xuất thôi. Giờ cá chưa đến lúc thu hoạch đã chết hết. Bình thường bán 120-150 ngàn đồng/kg, giờ bán cá non, cá chết chỉ được 60-70 ngàn đồng/kg”, ông Dũng cho biết.
Chị Mai, Thụy Xuân, Thái Thụy cho biết, cả nhà mẹ đẻ và mẹ chồng chị đều có đầm nuôi cá vược, nông dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi cá. Giờ cá chết hàng loạt, nguy cơ mất trắng, nợ nần là không tránh khỏi.
“Gần như là mất trắng chị ạ. Tiền giống, tiền mồi, rồi công chăm sóc, sắp đến ngày thu thì cá chết. Như năm nay bà con mất hết, trắng tay còn nợ nần nữa”, chị Mai chia sẻ với phóng viên.
Người dân mang cá ra chợ địa phương tiêu thụ nhưng quá nhiều nên bán không kịp (Ảnh C. Mai) |
Nhiều sọt cá đắp ni lông đợi người mua, nếu không tiêu thụ được trong ngày, cá sẽ ươn, hỏng hết (Ảnh C. Mai) |
Trên một số diễn đàn mạng, nhiều người con Thái Bình đang làm việc ở Hà Nội kêu gọi cộng đồng chung tay mua cá vược cứu giúp nông dân.
Chị Nguyễn Ngọc Diệp, quê Thái Thụy, Thái Bình, hiện đang làm việc ở Hà Nội kêu gọi trên trang cá nhân: “Thời tiết mấy hôm nay lạnh giá quá, toàn bộ ao nuôi vược xuất khẩu khu vực Thái Bình quê em đều bị cóng nổi hết cả, cá yếu nổi hết lên mặt nước và dân quê em đang trắng tay, cá chỉ còn tươi trong hôm nay và ngày mai và số lượng trên quá nhiều từ 5 lạng 7 lạng 1 cân hơn cân thật sự là quá nhiều mà thương lái mua không kịp số lượng cá cóng nên mong các anh chị mua giúp phần nào”.
Chị Diệp cho biết, chị sẽ là người nhận trách nhiệm mua và ship cá đến cho mọi người, với mức giá 60.000 đồng/kg, tiền ship trả tùy tâm.
Kế hoạch ban đầu của chị là ở nhà sẽ thu gom cá rồi gửi xe khách lên cho chị bán, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng giờ xe khách không nhận chuyển, kế hoạch thất bại. Chị muốn thuê xe tải chở cá lên nhưng sợ không bán hết, cá ươn, vứt đi thì một mình chị không có đủ khả năng chi trả tiền xe thuê.
“Xe, khách buôn nhiều. Nhưng người tính không có lãi người ta từ chối không làm. Em được rất nhiều anh chị ngỏ ý hỗ trợ xe hỗ trợ buôn. Bên đông lạnh hỏi mua. Nhưng tính ra không lãi họ lại bỏ. Tính rủi ro cao họ cũng quay lưng. Hôm nay nếu em không mang được cá lên Hà Nội thì mọi thứ đều chấm hết. Tất cả các anh chị muốn buôn, muốn về tận vựa cá lấy xin vui lòng về Đồng Xuân, Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình. Hôm nay ngày mai không đi được cá thì hỏng hết vứt không ăn được nữa”, chị Diệp chia sẻ.
Ngay sau khi những thông tin trên được đăng tải, rất nhiều người hỏi mua giúp người nuôi cá Thái Bình. Chị Diệp cho biết, gia đình chị và nhiều nhà khác ở quê thiệt hại ít thì cả trăm triệu đồng, có hộ thiệt hại cả tỷ đồng.
Ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thái Thụy cho biết trên Tri thức trẻ, trước đợt rét hại này, huyện đã hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các biện pháp phòng chống rét như giữ kín cho ao nuôi, bảo đảm bờ chắc, ít bị rò rỉ nước; thả bèo tây trên 1/3 diện tích mặt ao về phía Bắc để chắn gió, ở những nơi có điều kiện thì che phủ bạt, nilon trên mặt ao.
Đồng thời khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch các đối tượng thủy sản chịu rét kém khi đạt kích cỡ thương phẩm... Tuy nhiên do nhiệt độ thấp nên đến nay nhiều diện tích ao nuôi đã xuất hiện tình trạng cá chết, có nơi tỷ lệ 10%, thậm chí có ao, đầm tỷ lệ cá chết là 80%. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng thiệt hại về kinh tế là khá lớn.
Kim Minh