"Khách hàng là thượng đế" được xem như tôn chỉ trong ngành dịch vụ để đem đến cho người sử dụng sự thoải mái nhất. Tuy nhiên, các "thượng đế" đôi khi cũng lạm quyền khiến những bên cung cấp dịch vụ như khách sạn hay homestay... phải tức điên.
Nhiều trường hợp khách hàng "cậy" là người trả tiền thuê phòng đã tự cho mình quyền xả rác, bày bừa thỏa thích, mặc cho những người phục vụ sau đó phải oằn lưng dọn dẹp...
Đánh giá homestay 1 sao vì bị phàn nàn ở bẩn
Các tín đồ du lịch Đà Lạt gần đây đang xôn xao trước các hình ảnh "bẩn không tả nổi" của một nhóm khách hàng do tài khoản Duy Nguyen đăng tải. Theo người này, đoàn khách đã thuê nguyên căn một homestay tại Đà Lạt từ 22-25/7.
Thay vì giờ check-in lúc 14h, chủ nhà đã cho đoàn khách tới từ 9h và trả phòng muộn không phụ phí. Tuy nhiên, khi nhận lại phòng, phía homestay đã phải bàng hoàng trước cảnh tượng nhìn thấy. Các vị khách vứt rác bừa bãi khắp phòng, dùng khăn tắm làm giẻ lau, sử dụng nồi đến mức cháy đen... Theo Duy Nguyen, phía homestay đã yêu cầu những người này phải bồi thường thiệt hại. Sau khi giải quyết ổn thỏa, nhóm khách lại đánh giá 1 sao cho homestay.
Homestay Đà Lạt bị nhóm khách ở bẩn đánh giá 1 sao. Ảnh: Duy Nguyen. |
Sau khi được đăng tải, câu chuyện trên đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng mạng. Nhiều người dùng thừa nhận "cạn lời" trước ý thức quá kém từ các bạn trẻ. "Người ta đã đối tốt với mình mà lại đi đâm sau lưng, đánh giá xấu về homestay. Tôi không hiểu những người này đang nghĩ gì", tài khoản Tùng Nguyễn bày tỏ quan điểm.
Ngay sau đó, nhóm khách này cũng đã lên tiếng xin lỗi phía homestay vì hành động của mình. Vinh Khánh, người đã đánh giá 1 sao homestay, cho biết mình đã sai khi hành xử như vậy. Người này cũng cảm ơn homestay "vì đã cho mình một bài học đắt giá". Phía homestay Đà Lạt cho biết họ chấp nhận lời xin lỗi từ khách hàng bởi "chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không muốn đánh người chạy lại".
Khách hàng ở 5 sao cũng bẩn
Hồi tháng 6, nhiều cư dân mạng cũng chán nản trước "độ ở bẩn" của một nhóm khách khá giả. Được biết, những người này thuê một khách sạn sang trọng ở Hạ Long. Tuy nhiên, khi rời đi, họ bỏ lại cho các nhân viên dọn phòng một "bãi chiến trường" ngập rác.
Theo chủ nhân bài viết, phòng của nhóm khách này thực sự là nỗi kinh hoàng với đủ loại rác thải từ mì tôm đến chai nhựa. Các vật dụng trong phòng cũng mỗi thứ một nơi khiến nhân viên dọn dẹp tìm mỏi mắt.
"Có tiền nhưng không mua được ý thức", Nguyễn Hoàng bức xúc. Đồng quan điểm, tài khoản Hoàng Giang cho rằng: "Nhìn khách sạn này cũng thuộc dạng sang xịn ở Hạ Long đấy. Khách hàng có tiền thuê nhưng lại thiếu tiền đi học ý thức. Thật sự chán với những người đến giờ vẫn còn suy nghĩ bỏ tiền ra là mình thành thượng đế".
Ý thức kém của nhóm người thuê khách sạn xịn tại Hạ Long. Ảnh: Đào Khánhh. |
Người dùng Khánh An lại tỏ ra thông cảm với nỗi khổ của nhân viên dọn phòng sau đó. "Cuối cùng, khổ nhất vẫn là nhân viên dọn phòng. Cũng biết nghề của họ là vậy nhưng phen này mệt đấy. Ai bắt mình dọn đống này chắc ngất ra luôn", cô chia sẻ.
Những con sâu làm rầu nồi canh
Năm 2015, cộng đồng mạng Việt Nam từng được phen dậy sóng với bài chia sẻ của một nữ nhân viên dọn phòng khách sạn 4 sao ở Singapore. Theo người này, những khách hàng Việt Nam trong mắt họ "vô cùng bê bối".
Tác giả bài viết cho rằng người Việt khi ở khách sạn đa phần có thói quen bày bừa, xả rác lung tung dù phòng có thùng rác. Nữ nhân viên này còn kêu gọi khách Việt "hãy thương lấy những người dọn phòng".
Thời điểm đó, bài đăng đã được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhiều tài khoản cũng "góp thêm" không ít câu chuyện ngán ngẩm của một bộ phận dân Việt Nam thiếu ý thức khi du lịch nước ngoài.
Nhân viên dọn phòng nhiều nơi cảm thấy ngán ngẩm với ý thức của khách Việt Nam. Ảnh minh họa. |
"Trường hợp tôi gặp không phải trong khách sạn như bạn nữ này kể nhưng cũng ngán ngẩm chẳng kém. Hôm đấy, tôi đang ngồi ăn ở nhà hàng tại Las Vegas (Mỹ) thì có đoàn khách nước mình bước vào, cười nói ầm ầm. Nhiều người xung quanh tỏ ra ngán ngẩm, phải đứng lên và yêu cầu nhân viên gói đồ ăn dở vào hộp. Khi tôi tiến gần và nhìn dưới chân họ thì giấy ăn vứt đầy ra đấy", tài khoản Thiên Bình chia sẻ trải nghiệm. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng bày tỏ: "Nếu là thượng đế thì càng phải cư xử đúng đẳng cấp của mình nhé".
Giải quyết ra sao với khách ở bẩn?
Hồi tháng 6, một bài đăng với câu hỏi "Khách thuê phòng ở bẩn phải xử lý thế nào" trong nhóm du lịch Vũng Tàu đã nhận được nhiều chú ý. Câu hỏi này dường như đã "chạm đúng chỗ ngứa" bấy lâu của nhiều chủ khách sạn, homestay.
Đa số các bình luận đều cho rằng xử phạt hành chính là cách làm nhanh gọn nhất. Tuy nhiên, không ít người dùng thừa nhận ngay cả khi đã dán nội quy, khách vẫn "hồn nhiên" vứt rác khắp nơi vì suy nghĩ "chúng tôi là thượng đế".
Câu hỏi đối phó thế nào với khách hàng ở bẩn cũng được nhiều người dùng nước ngoài đem ra thảo luận.
Ở một bài đăng trên cộng đồng người cung cấp ứng dụng thuê phòng, tài khoản Erza6 đã "kêu cứu" với những đồng nghiệp về tình trạng này. Anh cho biết mình đã cân nhắc việc tăng phí dọn phòng lên 10 USD. Tuy nhiên, Erza6 nghĩ rằng điều này không công bằng với các khách hàng sạch sẽ.
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các "thượng đế ở bẩn", nhiều người dùng cho rằng không gì tốt hơn ngoài việc chủ homestay, khách sạn cần tự nâng cao đánh giá bản thân trên ứng dụng. Bằng cách này, họ có thể thu hút nhóm đối tượng khách cao hơn, đi kèm với ý thức tốt.
Một số ý kiến khác nghĩ rằng việc tăng giá phạt hoặc dịch vụ dọn dẹp là điều cần thiết. Như vậy, bạn vẫn có thể nhận lại những gì mình xứng đáng khi dọn phòng cho khách bẩn. "Với những khách hàng sạch sẽ, anh có thể trừ bớt khoản phí này của họ vào lúc trả phòng. Tôi không nghĩ có giải pháp nào tốt hơn", Paul97 cho biết.
Để khiến các khách hàng ở bẩn không còn đường cãi, người dùng Mike340 khuyên đồng nghiệp phải chụp ảnh trước và sau khi dọn. "Điều này rất quan trọng để làm bằng chứng. Anh tốt hơn nên quay lại căn phòng và quá trình dọn của mình. Trong trường hợp bị đánh giá xấu hay tố ngược, đó sẽ là bằng chứng cho anh", người này tiết lộ bí quyết.
(Theo Zing)