Đầu tháng 7 này, 23 bị cáo với phần lớn là lãnh đạo xã, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) cùng nhiều chủ công ty xây dựng sẽ được Toà án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm. Các bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.
Quyết toán khống để lấy tiền chi chúc Tết
Theo bản cáo trạng, từ năm 2019-2021, UBND huyện Chợ Mới nợ hàng tỷ đồng để chi hoạt động thăm hỏi, chúc Tết. Do đó, ông Ngô Hoàng Hiếu (nguyên Chủ tịch UBND huyện) đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Nguyễn Hồng Viễn, Vũ Minh Thao (Phó chủ tịch huyện) cùng Nguyễn Văn Ven (Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện)… để bàn cách trả nợ.
Tại đây, các vị lãnh đạo này đã “chọn” 4 xã (Hòa Bình, Hòa An, Hội An và Tấn Mỹ) để quyết toán ngân sách, lấy tiền nộp về huyện. Chỉ riêng tại xã Tấn Mỹ, cơ quan điều tra đã xác định hàng loạt sai phạm.
Theo đó, đầu năm 2020, Nguyễn Văn Ven liên hệ với Trần Hữu Đức (Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND huyện yêu cầu xã quyết toán tiền gửi lên huyện.
Đức bàn bạc và chỉ đạo Phan Thái Thanh (kế toán xã) làm khống hồ sơ quyết toán 5 công trình, gây thất thoát hơn 550 triệu đồng. Sau khi “chia tiền công” cho chủ cửa hàng vật liệu xây dựng và người làm hồ sơ, Đức và Thanh đã đưa 515 triệu đồng gửi UBND huyện.
Phần lớn số tiền trên được huyện Chợ Mới sử dụng chi chúc Tết Nguyên Đán 2021 (trao quà cho cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hỗ trợ lại cho 18 xã, thị trấn…).
Đến đầu năm 2021, thực hiện ý kiến của lãnh đạo huyện, Nguyễn Tuấn Minh (Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện) liên hệ 8 chủ tịch xã đến phòng làm việc. Tại đây, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Viễn yêu cầu mỗi xã hỗ trợ huyện 200 triệu đồng…
Sau đó, Nguyễn Thị Bích Liễu (Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) bàn bạc với kế toán xã là Phan Thái Thanh lập hồ sơ quyết toán khống nhiều công trình trên địa bàn. Bằng cách làm này, Liễu và Thanh đã rút ruột ngân sách hơn 330 triệu đồng. Liễu sau đó mang 200 triệu đồng đến UBND huyện đưa cho Minh.
Khoảng một tháng sau, biết việc làm khống hồ sơ lấy tiền đưa cho huyện bị phát hiện, Liễu liên hệ với Minh lấy lại tiền để thực hiện việc rải đá, bê tông các tuyến đường theo chủ trương ban đầu.
“Nhờ” người kế nhiệm trả nợ
Năm 2018, để phục vụ cho việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Chợ Mới giao UBND xã Tấn Mỹ làm chủ đầu tư xây dựng chợ Tấn Lợi với nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi tiến hành thi công thì phát sinh việc mở rộng mái che 2 bên hông chợ, diện tích 416m2. Dù vậy, Huỳnh Cẩm Giang (Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ) vẫn chỉ đạo thi công mà không báo cáo các cơ quan chuyên môn và không có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Đến tháng 6/2019, Huỳnh Cẩm Giang nhận nhiệm vụ mới. Khi chuyển công tác, ông Giang nhờ chủ tịch xã mới là ông Trần Hữu Đức trả nợ phần xây dựng mái che và được Đức đồng ý.
Tháng 10/2020, xã có tờ trình xin cải tạo nâng cấp nền chợ Tấn Lợi. Quá trình khảo sát, Đức bàn bạc với đơn vị giám sát, thi công… đưa vào hồ sơ thiết kế dự toán kinh phí mái che 2 bên hông chợ (đã xây dựng xong) để quyết toán lấy tiền trả nợ. Chính vì vậy, tổng số tiền dự toán sau khi thẩm tra là hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi xã gửi hồ sơ thẩm định, huyện điều chỉnh cấp kinh phí xuống còn hơn 950 triệu đồng. Tới tháng 1/2021, Đức nói kế toán xã làm hồ sơ thanh, quyết toán toàn bộ số tiền theo dự toán, qua đó gây thiệt hại gần 500 triệu đồng.
Với thủ đoạn tương tự, lãnh đạo 4 xã nói trên bàn bạc cùng các doanh nghiệp lập hồ sơ khống 13 công trình, giảm thi công một số hạng mục của 5 công trình đang thi công. Thông qua đó, các xã quyết toán khống lấy tiền gửi cho UBND huyện, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 3,5 tỷ đồng. Các bị can sau đó đã nộp khắc phục hơn 3,2 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn Ven có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến 4 xã trên nhưng vào tháng 3/2023, ông Ven đã chết nên không truy cứu trách nhiệm. Tới giữa tháng 4 vừa qua, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngô Hoàng Hiếu chết do bệnh lý nên cơ quan điều tra đình chỉ vụ án đối với bị can này.