Sự đổi mới tư duy mạnh dạn trong cải cách thể chế, tạo thêm sức mạnh cho nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung xây dựng luật pháp nhằm mở rộng hơn nữa không gian làm ăn cho người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp rút ngắn hành trình đến với mục tiêu “dân giàu nước mạnh”.
Những thông tin phần nào lạc quan vào cuối năm 2015 tại một diễn đàn bàn chuyện “dân giàu nước mạnh” cho thấy khát vọng này của chúng ta vẫn còn là một thách thức. Ba mươi năm qua, đất nước đã có những bước chuyển mình, mà nếu lấy bình quân thu nhập đầu người để đánh giá thành quả đổi mới kinh tế, sẽ thấy rằng chúng ta đã vượt qua một đoạn đường dài dù đang trong điều kiện một nền kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh.
Vào năm 1986, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ 86 USD, bốn năm sau lên đến đến 98 USD, năm 2015 đã là 2.200 USD – gấp 21 lần năm 1990 – và đang kỳ vọng năm 2020 sẽ tăng đến con số 3.500 USD. Vào buổi bình minh của đổi mới cách đây ba thập niên, nước ta vẫn chủ yếu là sống nhờ viện trợ, nay thì đã hội nhập toàn cầu với luật chơi khắc nghiệt của các hiệp định thương mại cũng như của các định chế quốc tế.
Dưới góc nhìn vĩ mô, các nhà làm chính sách có thể hài lòng về mức tăng trưởng GDP 4,4% trong thời kỳ đầu kinh tế chuyển đổi 1991-2000, rồi trong mười năm sau đó đã lên đến 6,78%. Tốc độ này nếu duy trì được nhiều năm thì nền kinh tế đất nước đã có thể cất cánh, nhưng do tác động dư chấn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn trong điều hành vĩ mô kéo dài từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng chựng lại ở mức bình quân 5,8%, thế nhưng nhiều người vẫn yên tâm rằng “tăng trưởng của chúng ta thuộc hàng cao của thế giới”.
Phần đông người dân thuộc “thế hệ đêm trước đổi mới” hẳn đã cảm nhận chất lượng cuộc sống của mình đổi thay sâu sắc, nhà cửa khang trang, bữa cơm gia đình bớt đi phần đạm bạc, đô thị ngày càng nhộn nhịp cùng với cao ốc hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, khách du lịch và người nước ngoài ngày càng đông, kiều hối gửi về nước đã chiếm gần 10% GDP...
Góp phần đáng kể cho sự khởi sắc của nền kinh tế còn là một không gian làm ăn rộng mở, với hàng loạt bộ luật được thông qua để người dân được kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm, thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều. Và nếu không bỏ qua vài ba cơ hội trên hành trình phát triển cũng như mạnh dạn với những cải cách đúng hướng thì nền kinh tế đã có được nhiều bứt phá thuyết phục hơn.
Cho dù thành quả của công cuộc đổi mới được đánh giá cao đi nữa thì những năm gần đây, quá nhiều điểm yếu của nền kinh tế đã dần bộc lộ: Đó là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp do năng suất lao động của chúng ta kém Singapore đến 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Đó là sự thiếu hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, cùng với nợ xấu, nợ công đang có xu hướng vượt quá tầm tay; là tham nhũng khó ngăn chặn được khi có sự đồng hành của các nhóm lợi ích. Đó còn là sự lệ thuộc quá nặng nề về kinh tế với một Trung Quốc có tham vọng bá quyền...
Sẽ rất thiếu sòng phẳng nếu không nhìn thẳng vào thực tế về một nguy cơ tụt hậu để không còn mơ tưởng đến một nước công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020.
Thế là trên nhiều diễn đàn tìm con đường tăng trưởng phù hợp với tình hình mới, lời kêu gọi về một cải cách thể chế đã không còn đơn độc.
Có thể nói đây là sự đòi hỏi một cuộc đổi mới tư duy lần thứ hai nhằm nâng cao chất lượng bộ máy hành chính công quyền, hoàn thiện chính sách, loại bỏ những căn bệnh kéo dài làm trì trệ nền kinh tế sau cuộc đổi mới lần thứ nhất cởi trói cho sản xuất thành công.
Bàn về yêu cầu cải cách thể chế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết cần tư duy đúng về mục tiêu phát triển trong đó con người có vai trò trung tâm. Một quốc gia mà dân không không giàu thì làm sao nước mạnh; nước không mạnh thì làm sao có dân chủ, làm sao có công bằng, văn minh. Chính vì vậy mọi chủ trương, chính sách cũng như qui định của luật pháp phải nhằm đến mục tiêu làm sao cho dân giàu.
Để làm được điều này thì nguồn lực quốc gia bao gồm tài nguyên đất đai, tài chính và nhân lực cần được phân bổ đúng nơi nào, người nào mang lại hiệu quả cao nhất, không phân biệt nhà nước hay tư nhân.
Kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới cho chúng ta bài học quí giá về điều này.
Trước hết là Đài Loan. Năm 1949, chinh quyền Quốc Dân Đảng bỏ chay từ lục địa ra Đài Loan mang theo toàn bộ dự trữ vàng và ngoại tệ. Quan trọng hơn là họ đã mang theo giới thương nhân và trí thức hàng đầu để xây dựng quê hương mới. Chính dòng tiền và nhân lực này là nền tảng cho sự phát triển của Đài Loan sau này.
Năm 1950 nền kinh tế Đài Loan với khoảng 70 đến 80% là quốc doanh, chính quyền vẫn giữ nguyên cơ cấu này, nhưng đồng thời quyết tâm phát triển kinh tế tư nhân – phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và thành phần “buôn thúng bán bưng” – bằng những luật lệ tạo bình đẳng về mọi mặt cho giới làm ăn. Chỉ 10 năm sau, số lượng doanh nghiệp của hai thanh phần đã ngang bằng nhau và trong vòng 15 năm, thành phần tư nhân chiếm đến 76% số doanh nghiệp. Quốc doanh vẫn phát triển, nhưng tư nhân phát triển nhanh hơn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã gánh vác cả những mặt yếu kém của người bạn đồng hành quốc doanh.
Giải pháp đó không hề gây sự xáo trộn nào về kinh tế, chính trị, xã hội phát triển hài hoà, công bằng, tạo nên một “kỳ tích Đài Loan” cùng với Hàn Quốc, Singapore và Hongkong trở thành bốn con rồng châu Á.
Nền kinh tế Đài Loan không có những “ông lớn” như Hàn Quốc hay Nhật Bản, nên khi một doanh nghiệp nhỏ từ bỏ cuộc chơi là trở thành “phân bón” nuôi lớn một doanh nghiệp nhỏ hơn mới ra đời, vì vậy mà ngày nay các khu công nghiệp lớn của lãnh thổ này đều đi lên bằng đôi chân vững vàng của kinh tế tư nhân.
Nhưng không chỉ có Đài Loan tạo được kỳ tích. Vào hậu bán thế kỷ XX, chúng ta cũng đã chứng kiến sự thần kỳ của ba nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh. Người Đức chỉ 15 năm sau ngày Thế chiến thứ Hai kết thúc đã đi một bước dài trên con đường hồi sinh của người bại trận và nay là đầu tàu của kinh tế châu Âu.
Cũng trong cùng hoàn cảnh, người Nhật sau chiến tranh đã đứng dậy trên điêu tàn và thành công trong việc thực hiện giấc mơ lớn chỉ sau mười năm phát triển thần tốc với mức tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm. Năm 1968 Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ hai và chỉ chịu nhường vị trí này cho Trung Quốc bốn năm gần đây.
Hàn Quốc cũng là trường hợp rất đáng ngưỡng mộ, cũng vươn lên từ sau chiến tranh Triều Tiên, nhưng đã không chịu đầu hàng số phận, lấy giáo dục làm bệ phóng đưa cả dân tộc đi lên, tận dụng hiệu quả những đồng tiền chắt chiu qua đó tạo sức bật cho ngành công nghiệp để không còn lệ thuộc vào nước ngoài và nay đã vượt châu Âu với thu nhập bình quân đầu người hơn 30.000 đô la Mỹ.
Gần gũi chúng ta là Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, mà giáo sư Trần Văn Thọ – chuyên gia kinh tế có uy tín – trong một bài báo gần đây đã viết: “Tuy đề ra chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế hầu như họ gát lại một bên lý tưởng XHCN, mà tập trung phát triển bằng các chính sách, biện pháp phổ quát tại các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và cho nước ngoài đến đầu tư trực tiếp” (TBKTSG 26-2-2015). Thành công kinh tế Trung Quốc là do không để ý thức hệ kìm hãm phát triển.
Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của chu kỳ kinh tế năm năm cuối thực hiện giấc mơ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước vào năm 2020, cũng là thời điểm bước vào sân chơi lớn Cộng đồng ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam, với kỳ vọng tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề còn lại là chúng ta đã chuẩn bị nội lực như thế nào để hạn chế những thua thiệt của một nền kinh tế đang ở “chiếu dưới”.
Chính vì vậy mà một sự đổi mới tư duy mạnh dạn trong cải cách thể chế, tạo thêm sức mạnh cho nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung xây dựng luật pháp nhằm mở rộng hơn nữa không gian làm ăn cho người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp rút ngắn hành trình đến với mục tiêu “dân giàu nước mạnh”.
Trần Trọng Thức (Theo Phụ nữ số xuân)