Nhiều khu vực ở Hà Nội đang xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cục bộ, trong khi các dự án cấp nước được triển khai chậm, thậm chí bị trùng lặp.
“Vật vã” vì thiếu nước
Dù nằm ở giữa trung tâm Thủ đô song nhiều hộ dân ở khu tập thể toà nhà 5C ngõ 96, đường Võ Thị Sáu (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) vẫn phải “vật vã” với tình cảnh thiếu nước. Mấy ngày nắng nóng vừa qua, các hộ dân nhà 5C nhận được thông báo bị mất nước vài ngày, cuộc sống bị đảo lộn. Khổ nhất là các bà mẹ vừa sinh con được vài tháng. “Sau nhiều ngày mất nước, hiện khu tập thể này đã có nước trở lại, nhưng rất yếu và các hộ gia đình vẫn phải bơm nước luân phiên. Chúng tôi đang lo nếu tình trạng này không được cải thiện, cuộc sống người dân sẽ bị đảo lộn”, anh Luân Dũng, ở khu 5C kể.
Người dân ở đây cho hay, trước đây nguồn nước ổn định nhưng từ khi một hộ gia đình bên cạnh xây chung cư mini 7 tầng, lại đi chung đường ống nước nên trong khoảng một năm trở lại đây nguồn nước rất yếu, thường xuyên bị mất. Các hộ gia đình chỉ biết đối phó bằng cách bơm nước vào nửa đêm và lúc tờ mờ sáng. Cư dân đã có đơn phản ánh lên UBND phường và quận, yêu cầu chủ đầu tư chung cư mini phải làm đường ống nước riêng, thế nhưng vụ việc đến nay vẫn rơi vào im lặng.
Tại các khu vực như Định Công, Hoàng Liệt… (quận Hoàng Mai) cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cục bộ. Theo phản ánh của người dân các thôn Bằng A, thôn Bằng B, thôn Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt), trong những ngày nắng nóng nước sạch ở đây chỉ chảy theo giờ quy định và chảy rất yếu. Nhiều hộ dân do không có đủ nước sạch dùng nên phải mua máy bơm để hút nước giếng khoan sử dụng qua ngày. Còn tại các khu nhà cao tầng nơi tập trung hàng trăm hộ dân như khu nhà xã hội Tây Nam Linh Đàm cư dân tại đây phải sống trong cảnh cung cấp nước theo giờ.
Được coi là khu đô thị Ao Sào (Hoàng Mai) đã bàn giao 2 năm nhưng chưa có đường nước sạch |
Tại khu đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai) do Cty Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư dù đã bàn giao cho người dân về ở 2 năm nay nhưng vẫn chưa có đường nước sạch cho dân. Cả trăm hộ dân đang sinh sống tại đây chịu cảnh khát nước giữa Thủ đô. Để giải quyết tình trạng này, hộ thì dùng giếng khoan, hộ thì phải mua nước sạch với giá “cắt cổ” để sử dụng hàng ngày.
“Sau khi dân phản ánh chủ đầu tư thông báo đến khoảng cuối tháng 5/2016 sẽ hoàn thành đấu nối hệ thống nước sạch cung cấp nước cho khu đô thị. Nhưng đến nay việc đấu nối họng nước vào khu đô thị vẫn chưa thực hiện xong.”, một người dân bức xúc.
Dự án chồng dự án, dân vẫn “khát’’?
Về thực trạng thiếu nước cục bộ tại nhiều khu vực địa bàn, đại diện Cty Nước sạch Hà Nội cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, đơn vị đã vận hành hết công suất các nhà máy, các trạm cấp nước để cấp đủ nước sạch cho người dân. Hiện trung bình các ngày nắng nóng, Cty cấp vào mạng 655.000 m3 nước sạch, đạt 102,88% so với kế hoạch (tăng 5% so với ngày thường), cộng với 17.000m3/ngày mua từ nguồn nước sông Đà để cung cấp cho người dân. “Có một số khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, một số khu vực cấp nước theo giờ, nhưng chúng tôi yêu cầu các Xí nghiệp không để hộ dân nào mất nước quá 24 giờ”, vị cán bộ cho biết.
Đại diện Cty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco)- đơn vị phân phối nước sạch sông Đà cho biết, công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận của nhà máy nước sạch Hòa Bình không đạt. “Chúng tôi là đơn vị kinh doanh khi thiếu nước, mất nước dân đổ lên đầu chúng tôi nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo. Dự kiến việc thiếu nước trong dịp hè càng thêm căng thẳng”, đại diện Viwaco nói.
Theo thông báo mới đây của UBND thành phố Hà Nội về các dự án nước sạch phía Tây thành phố và dự án đầu tư phát triển hệ thống cấp nước trục đường Láng - Hòa Lạc sử dụng nước sạch sông Đà, hiện khu vực phía Tây đang có nhiều dự án đầu tư cấp nước sạch như: dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng; dự án đầu tư phát triển hệ thống cấp nước trục đường Láng - Hòa Lạc (phạm vi thành phố Hà Nội) sử dụng nước sạch sông Đà và các dự án do doanh nghiệp đăng ký đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Nhưng phạm vi nghiên cứu, đề xuất của các dự án này bị trùng lặp, đan xen. “Để kịp thời giải quyết nhu cầu bức xúc của nhân dân trong khu vực về nước sạch, lựa chọn phương án đầu tư hiệu quả nhất, thành phố giao các sở ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng phạm vi nghiên cứu, nội dung đầu tư của các dự án trên để thành phố xem xét phương án đầu tư nước sạch tối ưu tại khu vực phía Tây thành phố”, vị cán bộ nói.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến hè năm nay, nhu cầu tiêu thụ nước của người dân sẽ tăng khoảng 12% so với bình thường, tương đương 1,02 triệu m3/ngày đêm. Trong khi đó tổng lượng nước cung cấp hiện nay là 900.000 m3/ngày đêm, tối đa 960.000m3/ngày đêm. Hàng loạt khu vực ở Hà Nội được dự báo khó khăn về nước, nhất là trong dịp hè năm nay với những đợt nắng nóng kéo dài. |
Theo Tiền phong