Cú huých Covid thay đổi cách vận hành
Tối 27/8, Thạch Khe Ma Ra (Bình Chánh) đã bày tỏ bức xúc khi không nhận đủ số tiền 1,5 triệu đồng theo gói hỗ trợ của TP.HCM, cho rằng đã bị “ăn chặn”, nhưng lại không biết thắc mắc ở đâu. Khi nhận được thông tin, đại diện chính quyền đã trực tiếp gọi điện, xác minh và giải quyết thấu đáo, giải tỏa bức xúc cho người dân đang trong tình thế khó khăn.
Đây là lần đầu tiên những bức xúc của người dân được chính quyền tiếp thu, trả lời và giải quyết ngay nhờ sự tương tác trực tiếp trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”.
Chương trình do Sở TT&TT TP.HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) tổ chức, livestream trên mạng xã hội. Tại đây, những thắc mắc của người dân về các vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục…đều được giải đáp, mở ra một kênh mới để chính quyền tương tác với người dân và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giải đáp các thắc mắc của người dân tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" |
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, chương trình đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân. Sau 6 số phát sóng đã thu hút 1,6 triệu lượt xem; 70.000 lượt bình luận; số lượt xem đồng thời có thời điểm đạt hơn 20.000 lượt.
“Dân hỏi - Thành phố trả lời” được thực hiện kịp thời và có ý nghĩa lớn với người dân TP.HCM khi dịch Covid-19 quay trở lại. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, một số thông tin về phòng chống dịch đang hỗn loạn, mâu thuẫn. Do đó, các kênh đối thoại trực tiếp sẽ giúp cho người dân giải tỏa sự nhiễu loạn thông tin, nhất là trong bối cảnh truyền thông tương tác đang là xu hướng.
Trao đổi với ICTnews, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê đánh giá: “Những kênh đối thoại thế này cho phép người dân đặt câu hỏi và cơ hội được trả lời, để được giải tỏa cho các thắc mắc. Đây là điều quan trọng. Chúng ta thấy số lượng người xem rất đông, chứng tỏ mối quan tâm của người dân rất lớn và người ta hưởng ứng”.
Ông Lê Huỳnh Khánh, Giám đốc điều hành Golden Communication Group cũng đồng tình và cho rằng, việc dùng format livestream trên mạng xã hội – vốn rất quen thuộc với người dân, bước đầu đạt được hiệu quả xoá nhoà ranh giới, khoảng cách giữa quản lý nhà nước và cư dân thành phố. “Điều này giúp cho truyền thông chính sách trở nên gần gũi hơn, dễ tiếp cận hơn và mang hơi thở của thời đại nhiều hơn, cũng là thực hơn”, ông Khánh nói.
Nói về vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống dịch, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: “Ứng phó với dịch bệnh khẩn cấp và bất ngờ, có thể có lúc viễn thông, Internet và CNTT chưa được ứng dụng thực sự tốt, nhưng theo thời gian và các bài học từ thực tế, chắc chắn vai trò của viễn thông, Internet và CNTT sẽ rõ nét trong quá trình phòng, chống đại dịch cũng như sống chung với virus trong thời gian tới”.
Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh siết chặt giãn cách và hạn chế đi lại, TP.HCM cũng như nhiều địa phương đang tận dụng các kênh online để tiếp cận với người dân. Việc sử dụng livestream trên nền tảng mạng xã hội được xem là bước chuyển biến tiếp theo, thay đổi cách điều hành, tương tác của chính quyền với người dân; tận dụng được công nghệ và lợi thế lan tỏa trên mạng Internet để lắng nghe, giải đáp và thuyết phục người dân cùng chung tay chống dịch.
Khi chính quyền được “kích hoạt”
Tối 1/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan xuất hiện tại livestream, “Dân hỏi – Thành phố trả lời” để giải đáp những thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề an sinh xã hội.
Lần đầu tiên, lãnh đạo cấp cao của TP.HCM thực hiện tương tác trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội với đông đảo người dân, mà không qua các báo cáo văn bản hay một cấp chính quyền địa phương nào. Các thông tin được phản hồi hai chiều thay vì chỉ một chiều, gián tiếp như trước đây.
Sử dụng thêm phương thức tiếp cận mới, với sức lan tỏa rộng hơn trên mạng Internet, cho phép chính quyền Thành phố có công cụ để lắng nghe được nhiều thông tin hơn. Các ý kiến đã được tiếp thu, chính quyền Thành phố có thêm dữ liệu để điều chỉnh chiến lược, giải pháp chống dịch phù hợp với thực tiễn.
Đánh giá hiệu quả, ông Lê Quang Tự Do cho biết, khi tổng kết ý kiến người dân gửi đến chương trình, có tới hơn 80% quan tâm đến việc cứu trợ lương thực và tiền để duy trì cuộc sống trong đợt giãn cách này.
Khi thấy được các nhu cầu thiết yếu, bức xúc nhất, lãnh đạo thành phố đã lập tức điều chỉnh, tháo gỡ ngay những vướng mắc trong việc giải ngân tiền cứu trợ và cấp phát túi an sinh cho người dân khó khăn. “Chính quyền đã có những thay đổi nhanh chóng. Do trước đây chúng ta đang làm dàn trải, nhưng hiện nay các vấn đề cấp thiết nhất được tập trung giải quyết nhanh”, ông Do nói.
Các gói an sinh, hỗ trợ đang gấp rút đưa đến tay người dân khó khăn. Ảnh minh họa: Thanhnien |
Trao đổi với ICTnews, bà Đỗ Thùy Dương, Giám Đốc TalentPool, Đại biểu HĐND Hà Nội khóa 2016-2021 cho rằng, trước đây, TP.HCM đã chủ động tương tác với người dân qua nhiều kênh, nay thêm một kênh mới để trực tiếp lắng nghe. Cùng với việc thay đổi đối thoại, Thành phố cũng có nhiều thay đổi khác nữa, nên nó là sự thay đổi về bản chất cách thức chống dịch, chiến lược chống dịch.
Không chỉ TP.HCM, một số địa phương khác cũng đang bắt đầu có những chuyển biến trong phương thức hoạt động, tận dụng sự phát triển của công nghệ trong việc tạo ra các kênh tương tác nhanh chóng, hiệu quả với người dân.
Bà Đỗ Thùy Dương cho biết, chính quyền các địa phương sử dụng hiệu quả các kênh tiếp cận thông tin mới hay không phụ thuộc vào người đứng đầu, bởi nó không chỉ cần cởi mở, kết nối kịp thời mà còn cần cả cách thức vận hành công việc, để các luồng thông tin thu thập được trở thành dữ liệu quyết định chính sách và hành động.
Duy Vũ
Người dân TP.HCM có thể theo dõi tiến độ cấp phát túi an sinh, tiền hỗ trợ qua ứng dụng
Với ứng dụng An sinh, người dân TP.HCM có thể đăng ký thông tin nhận hỗ trợ, hay theo dõi tiến độ cấp phát các gói an sinh, tiền cứu trợ của chính quyền thành phố.