Không chỉ ở các khu chung cư cũ mà ngay tại các tòa nhà cao tầng mới đưa vào sử dụng, trên địa bàn Hà Nội, tình trạng xây “chuồng cọp” lại xuất hiện nhan nhản gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Trong khi các kế hoạch ra quân xử lý đều khó thực hiện.
Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đầy rẫy “chuồng cọp” |
Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), nơi tập trung nhiều toà chung cư cao tầng được xem là hiện đại nhất của Hà Nội. Thế nhưng, chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân đã cơi nới, xây “chuồng cọp” ở hầu hết các tòa chung cư ở đây.
Tại khu chung cư như N2E, N2D tại hầu hết các căn hộ các gia đình đều thi nhau cơi nới, xây thêm “chuồng cọp”. |
Các tòa nhà chung cư ở đây cao từ 15 đến 21 tầng, được thiết kế xây dựng hiện đại, thế nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều hộ trong tòa nhà đã xây dựng cơi nới ô thoát hiểm thành các phòng ở cho gia đình.
Tại một số tòa chung cư thuộc các khu N3, N6, nơi tập trung các khối nhà tái định cư cho các hộ dân phải di dời trong các dự án mở đường, làm cầu vượt… thì tình trạng xây dựng “chuồng cọp” cũng xuất hiện tràn lan.
Việc tự ý cơi nới, làm “chuồng cọp” gây mất an toàn của nhà chung cư và làm xấu cảnh quan đô thị |
Không chỉ có ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính mà kể cả khu tái định cư Đền Lừ cũng khủng khiếp không kém.
Mặt tiền của các tòa nhà này chi chít những “chuồng cọp” được làm bằng khung sắt, chỗ thì thụt ra, chỗ đua vào.
Thậm chí có những “chuồng cọp” còn đua ra tới cả mét. Nhìn quanh là đầy rẫy những “tử thần “ trên đầu |
Giải quyết thế nào?
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: "Về mặt nguyên tắc mà nói, về mặt an toàn mà nói, về mặt đô thị mà nói thì không có bất cứ một quy chuẩn, một pháp lệnh hay một văn bản nào đồng ý cho việc đó. Trước hết nó tạo nên một sự phát triển đô thị hết sức bừa bãi, hình ảnh đô thị bị ảnh hưởng. Thứ 2 là ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến kết cấu của ngôi nhà”.
Cũng theo ông Chính, trong quy chế mua bán nhà trước hết không được cho phép bất cứ 1 hành vi nào về cơi nới, vì vậy mà những người đã cơi nới được coi là vi phạm hợp đồng, mà vi phạm hợp đồng cũng là vi phạm về pháp luật.
Việc thiếu sự quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, đã làm xảy ra tình trạng bùng nổ các dạng “chuồng cọp” như hiện nay. Rất nhiều người dân đặt câu hỏi, phải chăng, ban quản lý các khu chung cư, chính quyền sở tại đã làm ngơ cho vi phạm xảy ra? Bên cạnh đó, những bất cập trong khâu quản lý các khu chung cư cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơi nới tràn lan này.
Trong khi đơn vị quản lý và vận hành các khu chung cư chỉ có trách nhiệm phát hiện, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm và yêu cầu dỡ bỏ. Còn việc xử lý, cưỡng chế dỡ bỏ khi có vi phạm lại là trách nhiệm của chính quyền phường, chính quyền quận.
Thiết nghĩ, nếu không có sự phối hợp tốt để xử lý dứt điểm những vi phạm cơi nới, buông lỏng quản lý, làm ngơ cho vi phạm thì việc giải quyết dứt điểm tình trạng tự ý xây “chuồng cọp” là rất khó, cho dù nghị định quy định mức phạt có tăng cao.
Minh Cường