Trong bài báo “Sao cho được lòng dân?” ký tên Chiến Thắng, Bác Hồ đã viết: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền”... 

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, mỗi người chúng ta lại tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ một ngày sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời đã phải họp và đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bảo vệ chính quyền non trẻ trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”, đồng thời với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ đã chỉ ra và cảnh báo về nguy cơ của một đảng khi nắm chính quyền trong tay.

{keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Lễ đài Quảng trường, Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu/ Ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Năm nay, trước dịp Lễ Quốc khánh không lâu, trên báo chí, mạng xã hội rộ lên hàng loạt hiện tượng một số cán bộ nhà nước, chính quyền cơ sở có những hành xử không đúng tư cách một cán bộ lãnh đạo và càng không phải là hành động của “công bộc”, “đày tớ” của dân.

Chẳng hạn, gần đây, một cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ, vừa “chân ướt chân ráo” rời nhiệm sở về làm dân, sau 5 tháng liên tục không thấy tiền lương hưu đổ vào thẻ ATM, ông lên phường hỏi ngọn nguồn thì bị bà cán bộ nghiệp vụ tại phường 7, quận 3 TP Hồ Chí Minh vặn vẹo và “nói như tát nước vào mặt”, mặc dù lỗi hoàn toàn không thuộc về ông.

Trước đó, dư luận xôn xao trước những bút phê vào sơ yếu lý lịch người dân địa phương tại một số phường, xã, kiểu như: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”.

Truyền thống của dân ta “nghĩa tử là nghĩa tận”. Ấy vậy mà cách đây không lâu, một cán bộ phường Văn Miếu, Hà Nội chẳng những không thông cảm, chia sẻ đau thương với người dân mà còn có biểu hiện “hành dân” khi người này đến phường xin cấp giấy chứng tử để làm đám hiếu cho cha.

Rồi chuyện Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Ninh Bình chửi bới, tát lái xe trước mặt mọi người khi lái xe đi nhầm đường trong chuyến công tác cũng gây phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người cán bộ lãnh đạo trong con mắt mọi người.

Vv và vv…

Trên đây chỉ là một số ví dụ rất cụ thế mà người ta nhìn thấy, nghe được và đưa lên báo chí và mạng xã hội. Không biết còn bao nhiêu những hành xử tương tự đã diễn ra ở chỗ khuất, trong phòng làm việc hoặc chưa bị phát hiện, chưa kịp đưa ra công luận? Rõ ràng dù mức độ đúng sai thế nào chăng nữa thì những cách hành xử đại loại như trên không tương xứng với tư cách một cán bộ cơ quan nhà nước trong thời đại ngày nay.

Đi tìm căn nguyên của hiện tượng này thì thấy, ngay trong những ngày đầu độc lập, mặc dù thế nước lúc bấy giờ rất nhiều khó khăn, trăm công, nghìn việc cấp bách phải giải quyết, ấy vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo những nguy cơ của một đảng khi nắm chính quyền trong tay. Chỉ trong vòng một tháng, dù ký tên thật hay bút danh, Bác đã có đến cả chục bài viết, thư, bài trả lời phỏng vấn, trong đó nhiều lần nhắc nhở chấn chỉnh cách làm việc của các ủy ban, chỉ ra những thói hư tật xấu của cán bộ chính quyền.

Hồi bấy giờ, Bác Hồ đã khẳng định: “Chính phủ là công bộc của dân”, “các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người”. Đặc biệt, trong bài báo “Sao cho được lòng dân?” ký tên Chiến Thắng, Bác Hồ đã viết: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền”... “Khi nắm được chút quyền lực trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng muốn chặt người ta”…

Trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều lần Bác Hồ đã phê phán nhiều “căn bệnh” của cán bộ, trong đó có “bệnh” cậy quyền cậy thế. Trước khi đi xa không lâu, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác đã phê phán những cán bộ “tham danh trục lợi, thích địa vị quyền lực, tự cao tự đại”.

{keywords}
Hành xử của cán bộ, đảng viên ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tin của người dân. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Đối chiếu với những hiện tượng cán bộ hành xử không có chuẩn mực đạo đức, tác phong mà báo chí, mạng xã hội đã đưa lên thời gian qua, rõ ràng những cán bộ nói trên có biểu hiện mắc phải “căn bệnh” cậy quyền cậy thế mà lần đầu tiên Bác Hồ đã chỉ ra cách đây 72 năm.

Những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua ở nhiều nơi trong cả nước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, là bài học nhắc nhở cán bộ về việc tu dưỡng, học tập, nêu gương đạo đức cách mạng, đạo đức người cán bộ, đảng viên.

Từ 72 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “bắt” đúng nhiều “căn bệnh” của cán bộ, đồng thời Người cũng đã “bốc thuốc” để chữa trị những “căn bệnh” cậy quyền cậy thế này. “Liều thuốc” thật đơn giản. Đó là cán bộ “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân” “phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”.

Trong xã hội hiện nay, truyền thông ngày càng trở thành công cụ quan trọng, hữu hiệu, lan truyền nhanh chóng, góp phần giám sát xã hội, đặc biệt chú ý tới nhiều vấn nạn liên quan đến cán bộ lãnh đạo, nhất là cách hành xử hàng ngày của cán bộ, đảng viên với nhau, của cán bộ lãnh đạo đối với công việc phục vụ người dân.

Truyền thông càng phát triển bao nhiêu thì những phản ánh của nó càng nhanh chóng lan rộng và phát triển bấy nhiêu. Những hành xử đẹp cũng như những ứng xử xấu, phản cảm của cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ lãnh đạo, càng đầu được xã hội phản ứng, lan truyền trong dân. Vì vậy cán bộ phải biết gương mẫu và “giữ mình ở mọi nơi, mọi lúc.

Điều đặc biệt là, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đó chính là “bài thuốc” hữu hiệu để chữa những “căn bệnh” mà cán bộ, đảng viên hay mắc phải. Đó cũng là một nhân tố không thể thiếu của một “Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính”.

Vũ Lân