HĐQT Chứng khoán VNDirect (VND) vừa thông qua nghị quyết về việc thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận sau thuế tăng hơn 80% so với kế hoạch ban đầu lên 1.600 tỷ đồng và sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Quyết định tăng mục tiêu lợi nhuận gần gấp đối là động thái hiếm có trên thị trường.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh VNDirect ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong 7 tháng đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước và vượt 20% kế hoạch đặt ra cho cả năm 2021. Với mục tiêu mới đề ra, VNDirect cũng đã hoàn thành 66%.
Như vậy, 2021 có thể sẽ là năm đầu tiên công ty chứng khoán (CTCK) này ghi nhận kết quả nghìn tỷ.
VNDirect đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động trong cả năm 2020 và bùng nổ vào đầu năm 2021, với giá trị giao dịch mỗi phiên gần đây đạt trên tỷ USD, cá biệt có phiên lên tới 1,5-2 tỷ USD.
Không chỉ VNDirect, nhiều CTCK khác cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận cao chưa từng có. CTCP Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 8 tháng đầu năm lên tới 1.872 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm. Cổ phiếu SSI liên tục phá đỉnh và tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa tới 6 tháng qua.
Các công ty chứng khoán hưởng lợi từ một thị trường chứng khoán sôi động. |
Hôm 8/9, SSI giao dịch không hưởng quyền phát hành 219,1 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 6: 2 với nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo báo cáo tài chính năm 2020.
Nhiều CTCK cũng đã vượt và gần đạt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2021 như Chứng khoán SHS, Chứng khoán Thành Công, Chứng khoán BSC,...
Sở dĩ các CTCK ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt là do thị trường chứng khoán sôi động với giá trị giao dịch ở mức kỷ lục, 25.000-30.000 tỷ đồng mỗi phiên. Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường lên mức rất cao.
Trong phiên 20/8, TTCK ghi nhận kỷ lục cao lịch sử về thanh khoản. Tổng cộng trên cả ba sàn, có tới 47,7 nghìn tỷ đồng (gần 2,1 tỷ USD) giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình gần 6.200 tỷ đồng/phiên trong năm 2020 và khoảng 18 nghìn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trong hơn năm qua, nhóm các NĐT F0 là động lực chính kéo thị trường đi lên mạnh mẽ. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các NĐT trong nước mở mới hơn 842 nghìn tài khoản chứng khoán, nhiều hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020, 2019 và năm 2018 cộng lại. Tổng cộng cho tới nay, đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản được mở, tương đương khoảng 3,3% dân số. Có những thời điểm, các NĐT để trong tài khoản vài tỷ USD.
Mặc dù giá cổ phiếu tăng vọt trong khoảng năm rưỡi qua và hiện ở mức cao, nhưng dòng tiền vẫn ở trong thị trường. Cổ phiếu vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư khi mà lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp, các kênh đầu tư khác như vàng, USD, bất động sản kém hấp dẫn. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ và tiền nhãn rỗi nhiều.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 15/9
Chốt phiên sáng 15/9, chỉ số VN-Index giảm 1,01 điểm xuống 1.338,69 điểm. HNX-Index tăng 2,65 điểm lên 350,51 điểm. Upcom-Index tăng 0,25 điểm lên 95,27 điểm. Thanh khoản đạt 12,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong nhóm VN-30, Masan tăng khá mạnh thêm 4.900 đồng lên 140.400 đồng/cp. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng 2.000 đồng lên 126.100 đồng/cp. VietJet tăng 300 đồng lên 126.100 đồng/cp. Đây là các cổ phiếu liên quan tới sự mở cửa trở lại nền kinh tế.
Giới giao dịch có dấu hiệu chán các cổ phiếu đầu ngành khi mà giao dịch của nhóm này chỉ chiếm hơn 30% giá trị giao dịch trên sàn HOSE.
Theo BSC, thanh khoản suy yếu cùng với việc VN-Index vận động trong biên độ hẹp cho thấy các nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng khi HĐTL tháng 9 đáo hạn vào ngày 16/9 và các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục.
Dù vậy, theo VDSC, dòng tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu chưa tăng. Nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn có sức hút mãnh liệt. Sự phân hóa này cho thấy dòng tiền đang tìm đến những cổ phiếu chưa tăng trưởng trong những tháng vừa qua và bị quên lãng trong một thời gian dài.
Chốt phiên chiều 14/9, chỉ số VN-Index giảm 1,73 điểm xuống 1.339,7 điểm. HNX-Index giảm 1,2 điểm xuống 347,86 điểm. Upcom-Index giảm 0,25 điểm xuống 95,01 điểm. Thanh khoản đạt 24,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 19,7 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Nhận diện nhóm đại gia thắng lớn nhất trong con sóng chứng khoán
Không ít nhà đầu tư ghi nhận túi tiền tăng gấp 2-3 lần trong con sóng lớn chứng khoán kéo dài hơn một năm qua. Nhưng nhóm hưởng lợi lớn nhất chính là các công ty chứng khoán, lợi nhuận có thể tăng gấp hàng chục lần.