Vấn đề tiêu thụ điện năng khổng lồ trong hoạt động đào Bitcoin đang vấp phải sự chỉ trích nặng nề của các nước như Trung Quốc. Nhưng tại Nam Mỹ, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thông qua trợ giá điện sinh hoạt vô tình lại đang đem đến siêu lợi nhuận cho hoạt động đào đồng tiền số này. 

“Kể cả khi giá Bitcoin có giảm sâu, chi phí điện khai thác tại nhà vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu tạo ra”, chuyên gia Nicolas Bourbon (Buenos Aires, Argentina) cho biết.

Tiền ảo đã trở thành động lực thúc đẩy người dân Argentina thoát nghèo khi kinh tế suy giảm, đồng peso của nước này mất giá, siêu lạm phát với ba năm liền GDP tăng trưởng âm vì đại dịch Covid-19. 

{keywords}
Giá Bitcoin ở thị trường chợ đen tại Argentina cao hơn nhiều so với thị trường chính thống.

Ngoài điện giá rẻ, việc kiểm soát ngoại hối đã khiến người Argentina không thể mua ngoại tệ như USD bằng đồng peso. Hệ quả là người dân đã chuyển sang đào tiền ảo và nhu cầu sở hữu Bitcoin tăng vọt khiến giá 1 Bitcoin bằng 5,9 triệu peso (62.354 USD) ở thị trường chợ đen so với giá mua chính thức là 3,4 triệu peso (35.932 USD) hôm 30/5.

Các thợ đào đang được hưởng lợi từ chính sách trợ giá điện, vốn là một phần trong cam kết tranh cử của chính đảng nước này. 

Mặc dù Argentina phải nhập siêu gas nhưng giá điện gia đình vẫn chỉ chiếm 2 - 3% thu nhập trung bình của người dân so với tỷ lệ gấp đôi ở các nước châu Mỹ Latinh như Brazil, Colombia hay Chile, theo nhà phân tích Ezequiel Fernandez ở Balanz Capital Valores.

Hơn nữa, với việc đồng tiền nước này trượt giá 50% mỗi năm và hạn chế giao dịch cá nhân tối đa chỉ 200 USD mỗi tháng, nhu cầu trữ hàng hóa tăng vọt ở thị trường hàng hóa song song, nơi mà tỷ giá đồng peso rẻ hơn 70% so với thị trường chính ngạch.

“Tiền ảo mà thợ đào tạo ra được bán ở tỷ giá hối suất song song trong khi điện năng được trợ giá. Ở thời điểm hiện tại, doanh thu của các mỏ đào tiền ảo là rất cao”, ông Nicolas Bourbon cho biết.

Nhờ chính sách điện giá rẻ, Argentina bắt đầu thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài. Tháng trước, Bitfarms của Canada đặt vấn đề trực tiếp với một nhà máy điện địa phương để cung cấp 210 MW điện từ khí gas tự nhiên. Nếu vận hành thành công, đây sẽ là xưởng khai thác Bitcoin lớn nhất Nam Mỹ.

“Chúng tôi đang tìm kiếm nơi có sẵn mạng lưới điện. Kinh tế Argentina đang đi xuống còn điện năng vẫn chưa được tận dụng hết. Vì thế đây là một tình thế đôi bên cùng có lợi”, chủ tịch Bitfarms - ông Geoffrey Morphy thừa nhận.

{keywords}
Các nông trại đào Bitcoin ngốn điện năng vô cùng lớn nên cần tìm những nơi có điện giá rẻ.

Thực tế, điện sản xuất không hoàn toàn được trợ giá ở Argentina. Nhưng giá 0,022 USD cho 1 kWh vẫn là rẻ hơn đáng kể so với 0,06 USD cho 1 kWh của điện sản xuất, theo nhà phân tích Ezequiel Fernandez. “Với nhà máy điện có nguồn khí gas dồi dào, việc bán sản lượng điện dư thừa cho các thợ đào Bitcoin là điều hợp lý, đặc biệt nếu nhà máy đó muốn tránh việc kiểm soát giao dịch ngoại tệ bằng cách nhận USD tiền mặt hoặc nhận Bitcoin”, ông này phân tích thêm.

Bất kể giá Bitcoin có biến động thế nào trong những tháng tới, hoạt động đào tiền ảo ở Argentina vẫn có lợi nhuận đáng kể chừng nào chính phủ nước này còn trợ giá điện sinh hoạt.

“Các thợ đào hiểu rõ khoản trợ cấp là nực cười nên họ chỉ đơn giản là tận dụng tối đa mà thôi”, chuyên gia Nicolas Bourbon kết luận. 

Phương Nguyễn (Theo Bloomberg)

‘Thợ đào có trâu cày như nông dân có đất’

‘Thợ đào có trâu cày như nông dân có đất’

Thương lái ở TP.HCM cho rằng các thợ đào tiền ảo hiện nay vẫn đang kiên quyết bám trụ với trâu cày tiền ảo như người nông dân bám đất, dù giá Bitcoin và Ethereum có lúc giảm sốc còn một nửa so với đỉnh thời gian qua.