Ảnh: pwc-fr.net |
Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tin nhắn văn bản (SMS) vẫn là thách thức lớn nhất đối với các dịch vụ tin nhắn di động khác.
Theo một điều tra mới công bố của Portio Reseach, triển vọng SMS ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục sáng sủa. Mặc dù chịu thách thức mạnh mẽ từ các dịch vụ tin nhắn điện thoại di động khác như e-mai di động, chát qua di động (mobile IM hay MIM), tin nhắn SMS vẫn giữ vị trí hàng đầu.
John White, nhà phân tích thuộc Porito cho biết sẽ có thêm khoảng 1,4 tỷ người sử dụng điện thoại di động ở châu Á vào năm 2012 và doanh thu từ SMS trong khu vực sẽ như nấm mọc sau mưa, từ 16 tỷ USD năm 2006 tăng đến 22,7 tỷ USD vào năm 2012.
Ông White nói thêm lưu lượng tin nhắn cũng sẽ bùng nổ bởi số lượng thuê bao mới và tiêu dùng thiết bị cầm tay trong khu vực. Số tin nhắn SMS tăng mạnh từ 967,7 tỷ trong năm 2006 lên đến ước khoảng 2.071 tỷ tin nhắn năm 2012.
Triển vọng này lại ngược với thị trường Bắc Mỹ. Dịch vụ chát qua điện thoại di động (MIM) dự báo sẽ thay dần SMS và trở thành dịch vụ tin nhắn chính trong vòng 4 năm tới do sự phổ biến của điện thoại thông minh (smart phone) và Internet không dây.
Ông White nói mặc dù số người sử dụng SMS sẽ vẫn nhiều hơn MIM, “khảo sát của chúng tôi dự báo số lượng tin nhắn MIM sẽ tăng nhiều hơn so với tin nhắn SMS ở Mỹ vào khoảng thời gian sau năm 2011”.
Ở châu Á, khả năng MIM thế chỗ SMS để trở thành dịch vụ tin nhắn chính còn nhiều hoài nghi. Đơn giản vì MIM đòi hỏi nền tảng công nghệ GPRS hoặc thế hệ thứ ba (3G). Theo hãng IDC, ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, người sử dụng vẫn chỉ dùng các dịch vụ cơ bản như thoại và SMS.
Hà Lan
Theo Business Week