Hôm nay (30/9), TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Khắc Hiệp (cựu Trưởng ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và Lê Xuân Hoàng (SN 1962, cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Phòng Tài chính kế toán): 4 năm tù vì tội Lập quỹ trái phép.
Nguyễn Mạnh Tấn (nhân viên Phòng Tài chính kế toán) nhận 2 năm tù vì cùng tội danh.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, vi phạm việc quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước. Tòa không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo Tấn.
Các bị cáo tại tòa |
Cáo buộc cho rằng, năm 2008- 2011, ông Tôn Anh Thi làm Trưởng ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Từ năm 2011- 10/2017, bị cáo Hiệp tiếp quản ghế Trưởng ban.
Năm 2008, Ban QLDA Nghi Sơn được PVN giao thực hiện 4 hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. PVN cấp hơn 3.654 tỷ đồng tiền vốn và kinh phí hoạt động cho Ban QLDA.
Lợi dụng chức vụ, từ năm 2010-2015, ông Thi và Hiệp đã bàn bạc, thống nhất với bị cáo Hoàng dùng 1.600 tỷ đồng từ nguồn tiền mà PVN cấp để gửi tại Ngân hàng TMCP Quân Đội và Oceanbank Thanh Hóa trong thời gian ngắn (1 tuần- 1 tháng).
Việc này nhằm lấy hơn 20 tỷ đồng tiền chênh lệch lãi suất. Số tiền này bị để ngoài sổ sách kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.
Theo nhận định của HĐXX, ông Hiệp là người chỉ đạo, trực tiếp ký 66 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và 13 văn bản thỏa thuận gửi tiền với Oceanbank Thanh Hóa. Bị cáo là người giữ vai trò chính...
Bị cáo Hoàng đã trực tiếp bàn bạc với bị cáo Hiệp, là người quản lý và chi 19,2 tỷ đồng tiền lãi.
Nguyễn Mạnh Tấn bị xác định không được bàn bạc, nhưng đã tiếp nhận ý chí từ cấp trên. Bị cáo là nhân viên kế toán, có nhiệm vụ theo dõi các khoản từ ngân hàng, trực tiếp nhận hơn 6 tỷ đồng tiền lãi rồi quản lý theo chỉ đạo của Hiệp và Hoàng nên là đồng phạm giúp sức.
Đối với ông Tôn Anh Thi, VKSND Tối cao có quyết định đình chỉ bị can với ông này nên HĐXX không xem xét.
Đề nghị trả hồ sơ
Tại tòa, bị cáo Hiệp khai, tiền lãi thu được từ tiền gửi ngân hàng được dùng vào mục đích dự phòng rủi ro khi thực hiện các hợp đồng đối với Công ty Lọc hóa dầu nghi sơn và các nhà thầu thi công.
Bị cáo Hoàng khai, không biết ai là người đề xuất gửi tiền vào ngân hàng và tiền “quỹ đen” này được chi dùng cho các hoạt động đối nội, đối ngoại; chi lễ tết, hiếu hỉ.
Kêu oan tại tòa, bị cáo Tấn cho rằng, nếu không làm theo chỉ đạo của cấp trên thì sẽ bị đuổi việc. Bị cáo không được bàn bạc hay hưởng lợi gì. Việc nhận, giữ và chi tiền chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trình bày quan điểm tại tòa, luật sư Nguyễn Đức Toàn cho rằng, CQĐT chưa xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để phát sinh nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong tài khoản của Ban QLDA Nghi Sơn suốt thời gian dài, dẫn đến các hành vi vi phạm của các bị cáo.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra làm rõ ai là người chỉ đạo việc thực hiện giao tiền lãi cho bị cáo Tấn? Ai là người trực tiếp liên hệ, đàm phán với ngân hàng để gửi tiền có kỳ hạn?
Ngoài việc gửi tiền có kỳ hạn thì có thỏa thuận, thống nhất các vấn đề khác không?
Theo luật sư, cần xác định rõ trách nhiệm (nếu có) của cán bộ, nhân viên, lãnh đạo của MB Thanh Hóa và xác định có hay không các hành vi vi phạm khác (nếu có) của các cá nhân trong vụ án?
Ông Toàn đưa ra quan điểm: Cần điều tra, xác định phạm vi công việc, trách nhiệm của bị cáo Tấn được quy định tại hợp đồng và theo các quy chế, quy định khác của PVN, từ đó kết luận Tấn có phạm vào tội Lập quỹ trái phép với vai trò đồng phạm giúp sức hay không?
Chủ thầu xây dựng ở Hà Nội bị ròng rọc thang máy thắt vào cổ tử vong
Trong lúc kiểm tra sự cố thang máy, chủ thầu xây dựng khoảng 40 tuổi bị ròng rọc thang máy thắt vào cổ khiến tử vong tại chỗ.
T.Nhung