Những ngày này, chị Lê Thư (Cần Thơ) tích cực thanh lý các mặt hàng xách tay đang kinh doanh. Để nhanh chóng xả hàng, chị giảm giá một số mặt hàng lên đến 30-70% và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại.

Hiện tại, trên các diễn đàn của dân buôn hàng xách tay, tình trạng thanh lý, nghỉ bán diễn ra khá nhộn nhịp. Bởi lẽ, từ ngày 15/10, Nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, mức phạt đối với hoạt động kinh doanh hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan có giá trị 100 triệu đồng sẽ được nâng lên đến 200 triệu đồng.

Chỉ bán online, chia hàng nhỏ lẻ

Trước thông tin siết chặt quy định về quản lý hàng xách tay, giới bán hàng khuyên nhau chuyển sang bán online, không trưng bày sản phẩm ở cửa hàng và hạn chế khách đến mua trực tiếp.

"Tôi buôn hàng xách tay từ Nhật Bản hơn một năm nay, giờ nghe quy định mới không biết có nên tiếp tục kinh doanh hay không", chị Tú (Hà Tĩnh) tỏ ra lo lắng.

{keywords}
Các cá nhân kinh doanh hàng xách tay đang tìm cách ứng phó với quy định mới. Ảnh minh họa: Vũ Ngoan.

Để tạm thời tránh sự chú ý của lực lượng quản lý thị trường, hiện chị chỉ bán online. Chị cho biết nếu có khách hàng hỏi mua cũng kiểm tra thông tin kỹ hơn, vì sợ cơ quan chức năng đóng giả làm người mua hàng.

Ngoài ra, chủ buôn tiết lộ thêm, nếu đăng bán sản phẩm lên mạng xã hội, chị cũng làm mờ logo hoặc che một nửa tên sản phẩm và thêm các dấu ký hiệu vào tên thương hiệu để tránh sự truy quét của an ninh mạng.

"Tôi sẽ chờ thử, nếu làm căng quá chắc sẽ nghỉ bán một thời gian", chị Tú nói.

Khác với chị Tú, anh Mạnh (quận Ba Đình, Hà Nội) lại không mấy lo lắng trước quy định này. "Người ta buôn bán số lượng lớn, chuyên đổ sỉ mới lo, chứ tôi buôn bán nhỏ lẻ nên chắc không sao", anh nói.

Tuy vậy, theo chị Lê Thư, qua ngày 15/10, một số mặt hàng xách tay sẽ khó mua hơn trước. Nếu có, giá cả cũng sẽ cao gấp nhiều lần. Nhưng thực tế, trước nay, mức giá của các sản phẩm xách tay đã chênh lệch khá nhiều so với hàng nhập khẩu chính hãng.

Đơn cử, sữa Meiji hàng nhập khẩu Nhật Bản cho trẻ 0-1 tuổi giá bán 470.000-550.000 đồng/hộp 800 gram thì loại xách tay được dân kinh doanh online bán với giá 600.000-700.000 đồng/hộp. Hay serum của hãng mỹ phẩm Estee Lauder có giá niêm yết 3,4 triệu đồng/lọ 50ml, hàng xách tay cùng loại chỉ khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/lọ.

Hết thời hàng xách tay?

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, khẳng định việc nâng khung xử phạt theo Nghị định mới là cần thiết, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, việc xử phạt còn gặp khó.

Đa số người bán là cá nhân kinh doanh nghề tay trái, kho hàng ngay trong nhà, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn kiểm tra hàng hóa. Đặc biệt, môi trường kinh doanh chủ yếu là online, với mức độ phân tán cao, nên không dễ kiểm soát triệt để.

Mặc dù vậy, đại diện Tổng cục và một số cục quản lý thị trường địa phương cũng cho biết trước nay đều nỗ lực kiểm soát và xử lý theo Nghị định 185 được Chính phủ ban hành từ năm 2013. Đến nay, với việc thực thi Nghị định 98, các lực lượng chức năng cùng phối hợp và tăng cường kiểm soát sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn.

{keywords}
Lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện ở Hà Giang trước khi được đem bán tràn lan trên mạng. Ảnh: QLTT.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng để đạt hiệu quả quản lý cao nhất, cần ngăn chặn từ gốc rễ vấn đề.

"Hàng hóa kinh doanh dưới tên gọi 'hàng xách tay' hiện nay chủ yếu là hàng nhập lậu, buôn lậu từ các cửa khẩu, biên giới, hoặc lợi dụng chính sách thông thoáng về tạm nhập tái xuất để tuồn hàng về Việt Nam trái phép. Có hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh buôn bán dưới nhiều hình thức khác nhau, bám đuổi theo đó rất khó. Tốt nhất là kiểm soát chặt hàng hóa qua các cửa khẩu, biên giới", ông nêu quan điểm.

Theo ghi nhận, hiện các mặt hàng gắn mác "xách tay" được rao bán tràn lan chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Phần lớn những sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Đáng chú ý, hàng xách tay không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt được bán tràn lan trên chợ mạng lẫn cửa hàng hiện hữu. Một số nơi bán với số lượng nhiều trong khi thực tế, hàng xách tay được đưa về nước khá hạn chế do các quy định về hải quan khi vận chuyển qua đường hàng không.

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo... được xếp vào diện hàng lậu. Như vậy, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu.

Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng, mức phạt là từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị phạt 40-50 triệu đồng.

Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… thì phạt tiền gấp 2 lần tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức.

Vì thế, kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan có giá trị 100 triệu đồng bị phạt tới 200 triệu đồng.

(Theo Zing)