- Đến cuối giờ chiều 4/10 ở Mỹ (sáng sớm nay giờ Việt Nam), các thông tin không chính thức cho biết, các nhà đàm phán đã vượt qua được trở ngại cuối cùng trên tiến trình đàm phán về vấn đề bảo hộ bản quyền dược phẩm.
Reuters cho biết, Mỹ và Australia đã đạt thỏa thuận về thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm là 8 năm.
Bảo hộ dược phẩm là nút thắt cuối cùng của 12 quốc gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nhóm họp tại Mỹ đàm phán căng thẳng suất 3 ngày cuối tuần qua.
Trả lời phỏng vấn báo giới Nhật, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết, các nhà đàm phán có thể sẽ công bố đạt được thỏa thuận về nguyên tắc TPP vào cuối ngày 4/10 (sáng nay 5/10 theo giờ Việt Nam).
“Chúng tôi đang chuẩn bị để công bố thỏa thuận về nguyên tắc vào chiều nay”, ông Amari cho biết.
Nếu các bên đạt được thỏa thuận cơ bản, TPP có thể được ký kết vào đầu năm sau và có hiệu lực sau khi được các nước thành viên phê chuẩn.
Được biết, Mỹ hiện áp dụng thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm trong nước là 12 năm. Vì vậy, họ ban đầu đề xuất thời hạn này trong TPP là 8 năm. Trong khi đó, Australia và một nhóm nước khác chỉ chấp nhận không quá 5 năm.
Trước đó, Chile, New Zealand và Peru đều không muốn chấp nhận yêu cầu bảo hộ bản quyền sinh dược lâu hơn 5 năm. Vì việc bảo hộ này sẽ khiến các nước đang phát triển không thể phát triển các loại thuốc mới tương đương để giảm giá thành.
Nhưng cuối cùng tất cả dường như đã đạt được một thỏa thuận dung hòa để mở đường cho việc tuyên bố kết thúc đàm phán TPP có thể diễn ra sớm ngay trong ngày 4/10 này (theo giờ Mỹ).
Để đạt được thỏa thuận quan trọng này, các đoàn đàn phán đã chấp nhận họp xuyên đêm 3/10 đến tận sáng 4/10 (giờ Mỹ) để vượt qua những khúc mắc cuối cùng,.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải quyết các vấn đề lớn trên bàn đàm phán còn vô vàn các điều khoản chi tiết khác sẽ phải tiếp tục xử lý giữa các bên và việc ký tắt một thảo thuận hoàn tất sơ bộ chưa thể diễn ra. Hơn nữa việc ký thỏa thuận kết thúc đàm phán còn phải được từng đoàn đàm phán xin ý kiến các Chính phủ nên không thể diễn ra nhanh được.
Trong mấy ngày đàm phán liên tiếp và căng thẳng cuối tuần qua, các nhà đàm phán đã lần lượt giải quyết các vấn đề quan trọng con vướng mắc
Cụ thể, Nhật Bản và Mỹ đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về mở cửa thị trường ôtô và phụ tùng ôtô. Một thỏa thuận song phương khác giữa Washington và Tokyo cũng cam kết mở cửa thị trường xe tại Nhật Bản và giảm hàng rào phi thuế quan.
Vấn đề còn lại là việc mở cửa thị trường sữa cho các sản phẩm của New Zealand, các nước Nhật, Canada và Mexico đã nhanh chóng thỏa thuận với New Zealand . Và đối thủ khó khăn nhất là Mỹ đã cùng New Zealand có được thỏa thuận quan trọng.
TPP Hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, hứa hẹn trở thành mô hình sẽ thiết lập tiền lệ cho hoạt động thương mại toàn cầu và các tiêu chuẩn liên quan tới người lao động.
Hiệp định TPP với tám năm tiến hành thương thuyết, đàm phán giữa Mỹ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương hướng tới gỡ bỏ dần hàng ngàn rảo cản thuế quan và phi thuế quan trong thương mại. TPP cũng sẽ thiết lập các nguyên tắc đồng bộ trong các vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, cởi mở thông tin trên Internet, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã và các hoạt động phá hủy môi trường.
Hoãn công bố đàm phán TPP? Trong khi tất cả đang mong chờ thông báo cuối cùng về đàm phán TPP thì đài tiếng nói New Zealand, thông báo về cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Mỹ đã bị trì hoãn vô thời hạn do các nhà đàm phán chưa phá vỡ được bế tắc về các vấn đề như thời hạn bảo vệ bản quyền dược phẩm và mở cửa thị trường sữa. Theo kế hoạch, một cuộc họp báo của các bộ trưởng TPP sẽ diễn ra lúc 3h00 sáng giờ Việt Nam, nhưng sau đó bị lùi sang 11h00, trước khi bị hoãn vô thời hạn. Australia và Mỹ có vẻ đã thu hẹp được những khác biệt về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc sinh học. Nhưng các vấn đề còn tồn tại về tiếp cận thị trường sữa của New Zealand vào Mỹ, Canada và Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết. |
PV