Mặc dù là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, điều kiện hạ tầng số, song sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự vào cuộc của người dân đã thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.
Đầm Hà là huyện miền núi ven biển nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn huyện gồm 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 12.600 người.
Tưởng chừng như một huyện với trên 30% là người đồng bào dân tộc thiểu số, công tác chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự sáng tạo trong cách triển khai, đến nay huyện Đầm Hà đã có nhiều chuyển biến tích cực từ chuyển đổi số.
Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và xác định được vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện, nhằm giúp người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực, huyện Đầm Hà đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi khu phố, thôn, bản.
Thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng đã đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân, đặc biệt là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Tằng Thị Múi, thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà chia sẻ: Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng của thôn, đến nay, tôi đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào các ứng dụng trong chuyển đổi số của tỉnh, như cài đặt định danh điện tử và giao dịch hành chính.
Anh Voòng A Tài, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân đồng thời cũng là tổ trưởng tổ công nghệ số của thôn, hiện nay đã không cần phải đi đến từng nhà dân để tuyên truyền, chỉ cần đăng tải thông tin trên các trang Facebook và Zalo.
“Các thông tin của tôi đưa lên được nhiều người theo dõi và chia sẻ, truyền tải đến bà con những thông tin về chủ trương của huyện, xã một cách nhanh chóng và kịp thời.
Các thành viên trên Zalo còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình lên nhóm. Nhiều sự việc sau khi được người dân góp ý đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư", anh Tài chia sẻ.
Để người dân tiếp cận được với ứng dụng công nghệ thông tin và hình thành xã hội số thời gian tới, 8 xã và 1 thị trấn (đạt 100%) trên địa bàn huyện đã lắp đặt camera giao thông và đã lắp đặt hệ thống mạng Wifi kết nối Internet tại các nhà văn hóa thôn.
Sau một thời gian triển khai lắp đặt, sử dụng, hệ thống Wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn đã cho hiệu quả, lợi ích rất thiết thực, giúp cho thôn tổ chức tốt các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch và đảm bảo ATNT trong thôn.
Mặc dù là địa phương vùng cao nhưng lĩnh vực kinh tế số được huyện Đầm Hà tích cực triển khai. Đến nay đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; các trường học, bệnh viện, Trung tâm HCC, UBND các xã, thị trấn và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đã có 16/16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đưa lên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời triển khai tuyên truyền, trang bị và cài đặt 312/402 điểm chấp nhận thanh toán mã QR cho các hộ kinh doanh trong chợ trung tâm huyện.
Đối với chính quyền số, huyện đã đẩy mạnh triển khai một số nội dung, mang lại kết quả tích cực. Trung tâm Hành chính công huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ TTHC.
10 tháng năm 2023 có 8.210 hồ sơ thuộc thẩm quyền của UBND huyện thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 83,74%.
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua 70 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 500 thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp.
Những hiệu quả đem lại từ triển khai chuyển đổi số toàn diện thời gian qua là yếu tố quan trọng để huyện Đầm Hà tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình chuyển đổi số về đích sớm, góp phần phát triển nhanh, bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)